Hai Đen nghĩa hiệp

10:05, 06/05/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghe tiếng la thất thanh: “Cứu người đuối nước...!”, Hai Đen nhìn ra biển. Bóng người chới với, nhấp nhô giữa sóng nước. Anh chạy ra bãi biển rồi lao mình xuống nước, ngụp lặn qua những con sóng ầm ào vỗ vào bờ. Những sải tay vội vàng giúp anh đến gần rồi lặn xuống nâng đầu người bị nạn lên khỏi mặt nước và dìu họ vào bờ.

Ghé hàng tạp hóa cạnh chợ xã Phổ An (Đức Phổ), hỏi anh Tô Minh Dưỡng, cụ bà tóc trắng như cước xởi lởi: “Thằng Hai Đen hay cứu người đuối nước đó mà! Cháu đi thẳng đường này ra bãi biển, đến quán Trùng Dương Xanh hay quán Đen là có nó. Vợ chồng nó bán hàng ở đó”. Quán nhỏ lộng gió cạnh bãi biển với những con sóng nối tiếp nhau vỗ vào bờ. Trò chuyện cùng tôi là người đàn ông dáng thấp, vóc dáng  gầy với làn da đen đặc trưng miền biển. Anh khá kiệm lời khi nói về mình. Với anh, việc xông pha hiểm nguy cứu người chẳng có gì... to tát.

Tấm lòng nghĩa hiệp

Hơn 30 năm trước, anh Dưỡng là lính trinh sát Tiểu đoàn 32 (Bộ Tham mưu, Quân khu 5) tham gia chiến đấu trên chiến trường Campuchia. Anh và đồng đội được huấn luyện kỹ năng vượt sông, nên bơi rất giỏi. Quân tư trang gói gọn trong ba lô với túi ni lông bọc ngoài làm phao, súng gác chếch nòng hướng lên nền trời đỏ ối hay đêm đen rét buốt, lặng lẽ bơi qua sông.

Nhiều hôm, các anh vượt sông Mê Kông, tiến về phía quân Khmer Đỏ đang gây bao đau thương cho dân lành. Vượt qua sông sâu dễ như trở bàn tay khiến nhiều người lính chủ quan khi đối mặt với suối, khe trong lúc hành quân. Ngày nọ, anh cùng đồng đội đi tuần, thì gặp phải dòng suối khá sâu, rộng chừng hơn mươi mét cần phải vượt qua.

 Chiếc ghe nan mà anh Dưỡng dùng để mưu sinh trong đêm.
Chiếc ghe nan mà anh Dưỡng dùng để mưu sinh trong đêm.


Người đồng đội mang nguyên giày, quần áo vội ôm súng nhảy xuống nước bơi sang bờ bên kia. Giữa chừng, anh chới với, vẫy tay kêu cứu giữa dòng suối. Anh Dưỡng vội lao xuống nước dìu bạn vào bờ. “Lúc ấy, chúng tôi rất mệt vì băng rừng nhiều giờ liền. Anh ấy lại mặc nguyên quần áo, giày vớ rồi cầm súng bơi, nước thấm vào nặng lắm, nên mới bị đuối”, anh Dưỡng nhớ lại.

Rời quân ngũ, anh Dưỡng về quê sánh duyên cùng cô thôn nữ miền thùy dương cát trắng. Cuộc sống túng bấn, anh theo bạn hành nghề câu mực nơi xa khơi. Nhưng nghề biển bấp bênh, anh rời tàu tìm kế mưu sinh ở Sài Gòn. Song những lúc rãnh rỗi nơi xứ người, lòng anh dậy lên nỗi nhớ nhà da diết. Thế là anh lại trở về quê, cùng vợ mở quán bán hàng cạnh bãi biển hoang sơ và thơ mộng.

“Sợ lắm chứ! Nhưng khi ấy tôi chẳng kịp nghĩ gì cả, chỉ biết nhanh chóng bơi ra cứu chứ không thì họ sẽ chết!”

Anh TÔ MINH DƯỠNG, người cứu 9 người đuối nước.

Chiều hè 2 năm trước, anh Dưỡng mang thùng bia đặt lên xe máy để chở đến nhà khách hàng, thì nghe tiếng la thất thanh: “Cứu người đuối nước!”. Anh nhìn ra biển thấy bóng người chới với, nhấp nhô giữa sóng nước, cách bờ khoảng 60m. Lúc ấy, có người ôm phao thả lưới gần đấy, nhưng không dám bơi đến gần, vì sợ người bị nạn nhấn chìm giữa sóng dữ. Anh vội chạy ra bãi biển rồi lao mình xuống nước, ngụp lặn qua những con sóng ầm ào vỗ vào bờ tung bọt trắng xóa. Những sải tay vội vàng giúp anh đến gần rồi lặn xuống nâng đầu nữ sinh bị nạn lên khỏi mặt nước và dìu em vào bờ.

Sau khi sơ cứu, anh cùng người nhà đưa người bị nạn đến trạm y tế xã, rồi chuyển đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm. “Sau một hồi sơ cứu, cháu bé tỉnh lại, nhưng do mắc bệnh tim nên phải chuyển đến bệnh viện để điều trị”, anh Dưỡng kể.

Giữa lúc bận rộn phục vụ thực khách, anh chợt nghe tiếng kêu: “Có người đuối nước!”. Và như một lẽ rất tự nhiên, anh Dưỡng lại lao ra biển, hướng tới người bị nạn... Một, hai, ba... đến nay, anh Dưỡng đã giành giật 9 mạng người từ tay thủy thần. Lòng anh nhẹ nhõm khi cứu sống một mạng người, dẫu mình có thể gặp hiểm nguy.

“Nghe tin có người gặp nạn là chú ấy ra tay cứu ngay, không đắn đo gì cả, nên được nhiều người yêu quý trọng. Chú Dưỡng còn là hội viên cựu chiến binh nhiệt tình tham gia công tác ở địa phương, được các cấp trao tặng nhiều giấy khen”, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phổ An Nguyễn Nghiễn cho biết.  

Nhưng cũng có lúc anh phải gạt lệ lặn tìm thi thể người xấu số chìm dưới đáy biển. Đấy là vào mùa hè 4 năm trước, hai nam sinh cùng bạn học chung lớp rủ nhau tắm biển. Sóng ác hiểm cuốn các em ra xa bờ, rồi nhấn chìm trong làn nước giá lạnh. Khi nghe tin, anh Dưỡng chạy ra bờ cát chỉ thấy sóng biển ầm ào, nhiều người rơi lệ khóc thương. Sau hơn một giờ tìm kiếm, anh đưa thi thể hai người vừa giã biệt cõi đời vào bờ giao cho gia đình và chính quyền địa phương.

Tôi hỏi: “Anh có sợ nguy hiểm khi cứu người bị nạn giữa sóng dữ?”. Anh đáp: “Sợ lắm chứ! Nhưng khi ấy tôi chẳng kịp nghĩ gì cả, chỉ biết nhanh chóng bơi ra cứu chứ không thì họ sẽ chết!”. Lời anh nhẹ tựa làn gió lướt trên sóng biển.

Ân tình đọng lại

Nữ sinh Bùi Vy Thị N (hiện đang học tại TP.Đà Nẵng) nhận vợ chồng anh Dưỡng là cha mẹ nuôi sau khi được cứu thoát khỏi tử thần. Những lúc về quê, N luôn đến thăm hỏi, phụ giúp anh chị việc gia đình. “Suốt đời em không bao giờ quên công ơn ba Dưỡng, người đã sinh em ra lần thứ hai. Nếu không có ba, thì bây giờ em không còn sống và không thể tiếp tục đến trường”, em N thổ lộ.

Anh Dưỡng cùng bà Khuyên, người có con trai được anh cứu sống.
Anh Dưỡng cùng bà Khuyên, người có con trai được anh cứu sống.


Còn bà Phạm Thị Khuyên, ở xã Phổ An (Đức Phổ) thì hết sức vui mừng khi gặp ân nhân cứu vớt con trai mình thuở trước. Khi đó, bà rong ruổi bán vé số ở TP.Hồ Chí Minh. Nghe người thân ở quê điện thoại báo tin con trai bị đuối nước khiến bà “hồn xiêu phách lạc”, chân tay rã rời. Nơi quê nhà, chồng bà vội lao ra bãi biển và nhìn thấy anh Dưỡng đưa con trai vào bờ. Con trai bà Khuyên sau đó tiếp tục đến trường và giờ đã lập gia đình riêng, có việc làm ổn định. “Gia đình tôi luôn ghi nhớ công ơn chú Dưỡng, nên thường nhắc nhở cháu phải đến thăm hỏi mỗi khi về quê”, bà Khuyên tâm sự.

Nhiều lần đứng nhìn bóng chồng ẩn hiện giữa sóng dữ, chị Trần Thị Hường “tim đập chân run”, miệng lầm rầm nguyện cầu. Có người trong làng bảo giúp người bị nạn coi chừng phận rủi về mình, nhưng mỗi khi nghe tiếng kêu cứu, thì chị Hường luôn miệng giục chồng ra biển cứu người bị nạn. “Thấy người sắp chết mà làm ngơ thật không đành lòng. Có lẽ vì vậy mà nhiều người thương nên đến ăn uống, ủng hộ quán của vợ chồng tôi”, chị Hường chia sẻ.

Đêm dần buông. Rặng thùy dương vi vu như lời tự tình với gió từ khơi xa thổi vào bờ. Thực khách rời quán sau khi thưởng thức những món ngon chế biến từ hải sản vừa được vớt lên từ biển. Anh Dưỡng cuộn dăm tấm lưới, tản bộ dọc theo triền cát đến cạnh chiếc ghe nhỏ cũ kỹ. Anh kéo ghe xuống nước rồi lặng lẽ chèo ra xa bờ buông lưới mưu sinh trong đêm thanh vắng.

Bài, ảnh: TRANG THY


CÁC TIN KHÁC
.