Niềm tin qua muôn thu

05:02, 03/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghe lại câu thơ mà đồng chí Nguyễn Nghiêm-Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Quảng Ngãi viết trong nhà lao trước khi giặc Pháp xử chém vào năm 1931, tôi thêm phần cảm phục người con của đất Quảng anh hùng: “…Rồi đây bão táp vùi thây giặc/Việt Nam độc lập đẹp muôn thu”, đó như một lời tiên đoán xuất phát từ niềm tin bất diệt. Một cuộc đời, một sự nghiệp, tình yêu và cả niềm tin, người Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Quảng Ngãi đã gửi trọn vào con đường cách mạng, vốn được soi sáng bởi bầu trời chân lý.  

Tôi đã nhiều lần đặt chân đến mảnh đất Phổ Phong (Đức Phổ), nơi ra đời và hoạt động của những tổ chức tiền thân của Đảng bộ Quảng Ngãi, là quê hương của đồng chí Nguyễn Nghiêm, vậy mà mỗi lần đặt chân đến lại cứ như đứa trẻ háo hức được nghe bậc cao niên kể chuyện lịch sử. Những trang sử mà thế hệ hôm nay và mai sau sẽ mãi tiếp nối để thắp sáng truyền thống cách mạng, ngọn lửa của lòng tự hào và niềm tin tất thắng.

Gương soi cho hậu thế   

Chủ tịch UBND xã Phổ Phong Phan Tiến Định dành hẳn ngày nghỉ cuối tuần để đưa tôi về thăm các "địa chỉ đỏ", gặp bậc cao niên để nghe chuyện lịch sử. Nhà lưu niệm Nguyễn Nghiêm là điểm đến đầu tiên của chúng tôi.

Học sinh Trường Tiểu học Phổ Hòa (Đức Phổ) tham quan nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm.
Học sinh Trường Tiểu học Phổ Hòa (Đức Phổ) tham quan nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm.


Qua gần 86 năm kể từ ngày đồng chí Nguyễn Nghiêm bị giặc Pháp đưa ra pháp trường xử chém, vậy mà người dân làng Tân Hội vẫn bùi ngùi khi nhớ đến. Cụ Nguyễn Ngọc Sang (77 tuổi), cháu họ của đồng chí Nguyễn Nghiêm, vì lẽ cảm phục sự hy sinh cao cả của bác Nguyễn Nghiêm mà  hơn 30 năm qua, ông bảo vệ, trông nom nhà lưu niệm. Cụ Sang bảo: "Tôi xúc động nhất là khi bác Nguyễn Nghiêm bị giặc Pháp đưa ra pháp trường xử chém ở bờ sông Trà Khúc, bác vẫn hiên ngang, bất khuất, dõng dạc hô: Cách mạng Việt Nam nhất định thắng lợi. Lịch sử luôn sống mãi và chúng tôi luôn tự hào về bác Nguyễn Nghiêm". Hai tiếng "tự hào" được thốt lên từ cụ già tóc bạc trắng với đôi mắt ngân ngấn nước khiến tôi không sao quên được.

Hôm ấy, các cô giáo ở Trường Tiểu học Phổ Hòa cũng đưa học sinh đến tham quan nhà lưu niệm. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phổ Hòa Đặng Thị Vy cho biết, đây là món quà dành cho học sinh xuất sắc, với mong muốn các em hiểu biết về truyền thống cách mạng để phấn đấu học tập tốt, mai này giúp ích cho quê hương. Tre già măng mọc là lẽ tự nhiên, tiếp nối truyền thống cách mạng cũng thế, là mạch nguồn của sự sống, là lẽ đương nhiên trong trái tim của những người con dân tộc Việt. Các em tròn xoe mắt nghe kể về cụ Tú Tuyên, thân sinh đồng chí Nguyễn Nghiêm, được Nam Triều mời ra làm quan, nhưng cụ không đi, trả lời rằng: "Tôi tuy có học nhưng không biết làm quan". Cụ Tú Tuyên là người giàu lòng yêu nước, vì những hoạt động chống thực dân, phong kiến, cụ bị bọn thống trị kết án 9 năm tù, đày đi Côn Đảo.

Những gương mặt trẻ thơ lần lượt dõi theo câu chuyện của lịch sử. Thuở thiếu thời, đồng chí Nguyễn Nghiêm có tư chất thông minh, đức tính trung thực, hòa nhã. Đồng chí gánh vác trách nhiệm nặng nề đối với phong trào cách mạng toàn tỉnh ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng bộ tỉnh. Lòng yêu nước, kiên trung, bất khuất từ người Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Quảng Ngãi và sự bất lực của giặc Pháp trước hào khí của người dân đất Quảng, có lẽ sẽ theo mãi trong hành trang của những búp măng non.

Nối gót cha anh

Đến thăm nhà của cụ Nguyễn Lạc (93 tuổi), ở làng Tân Hội, vừa giáp mặt chúng tôi, ông cụ bảo: "Giấy tờ từ hồi nào đến giờ mà người ta lưu giữ đầy đủ hết. Tài thật anh Định hể". Anh Định quay sang tôi giải thích, cụ Lạc vừa nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, đó là hồ sơ Trung tâm Lưu giữ Quốc gia III gửi cho cụ. Ở xã Phổ Phong, ông cụ là đảng viên có tuổi Đảng lâu năm nhất hiện còn sống. "Tui theo Đảng, theo cách mạng cũng là ảnh hưởng từ ông Nguyễn Nghiêm. Năm ông Nguyễn Nghiêm bị xử án, tui chỉ mới 5 tuổi, lớn lên nghe người lớn kể lại, tui rất ngưỡng mộ và đi theo con đường ông Nguyễn Nghiêm lựa chọn", cụ Lạc kể.

Theo dòng hồi ức của lão đảng viên Nguyễn Lạc, cuộc sống bần cùng, khổ ải mà nhân dân ta phải trải qua dưới chế độ thực dân, phong kiến hiện rõ mồn một. Đó cũng là lý do thôi thúc ông bất chấp hy sinh mạng sống, nối gót cha ông lên đường theo tiếng gọi của Đảng, như trong tác phẩm "Cuộc đời cách mạng" Nguyễn Nghiêm từng nhấn mạnh: "Noi gương kẻ trước thờ non nước/Tiếp chí người sau rửa hận thù". Đối với những người từng đi qua kháng chiến, thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh như cụ Lạc, thì không gì hạnh phúc bằng khi chứng kiến sự đổi thay, giàu mạnh của quê hương, thành quả này được gầy dựng nên từ máu và nước mắt của quân và dân ta.

Chủ tịch UBND xã Phan Tiến Định thông tin cho cụ Lạc biết: "Tình hình kinh tế-xã hội ổn định, đời sống của nhân dân  trên địa bàn xã được nâng lên.  Đến năm 2020, xã mình phấn đấu đạt nông thôn mới". Vỗ vào vai đồng chí Chủ tịch xã, cụ Lạc căn dặn: "Con của Phan Trung Hoa thì phải làm cho được như Phan Trung Hoa để nhân dân được nhờ. Nhớ là phải gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân mà lãnh đạo cho tốt".

Cụ ông Huỳnh Văn Lệ trò chuyện cùng với Chủ tịch UBND xã Phổ Phong Phan Tiến Định.
Cụ ông Huỳnh Văn Lệ trò chuyện cùng với Chủ tịch UBND xã Phổ Phong Phan Tiến Định.


Tôi hỏi chuyện mới hay Chủ tịch UBND xã Phổ Phong Phan Tiến Định (sinh năm 1980) là con duy nhất của chiến sĩ cách mạng Phan Trung Hoa, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phổ Phong thời kỳ chống Mỹ-ngụy. Nhiều lần bị địch bắt giam, đày đi Côn Đảo, đồng chí Phan Trung Hoa không một phút giây khuất phục quân thù. Thoát khỏi vòng vây địch, đồng chí lại trở về hoạt động cách mạng tại địa phương. Ông đã qua đời vì tuổi cao sức yếu.

Mẹ của anh Định là chiến sĩ cách mạng ở Tiểu đoàn 83 thuộc Tỉnh đội Quảng Ngãi, bà cũng đã "vào sinh, ra tử" vì hòa bình, độc lập của dân tộc. Năm nào cũng vậy, anh Định chở mẹ đi gặp mặt đồng đội xưa. Anh Định cho biết, anh vẫn thường nghe ba mẹ kể lại câu chuyện của những tháng năm kháng chiến. Câu chuyện lịch sử anh Định vẫn thường nghe, đó như là nhựa sống để anh gắn bó và cống hiến nhiều hơn cho quê hương trên cương vị là lãnh đạo xã.

Tôi bắt gặp ở các bậc cao niên xã Phổ Phong niềm tin vào đồng chí Chủ tịch xã ở thế hệ 8X này. Ông Huỳnh Văn Lệ, 83 tuổi đời, 53 tuổi Đảng, ở thôn Hiệp An, cũng nói nhiều về những năm tháng kháng chiến với niềm tin bất diệt vào Đảng như để nhắc nhở thế hệ trẻ phải biết trân trọng thành quả cách mạng, lấy đó làm giá trị của niềm tin và sức mạnh để xây dựng quê hương. "Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, từ trong gông cùm nô lệ, nhân dân ta được sống trong ấm no, hạnh phúc. Đối với Phổ Phong là cái nôi của cách mạng, tôi tin tưởng vào thế hệ trẻ, có trình độ, có năng lực, sẽ phát huy tốt truyền thống, gánh vác tốt trọng trách, làm giàu cho quê hương", ông Lệ kỳ vọng.   

"Tinh thần không chết"

Khi đồng chí Nguyễn Nghiêm bị giặc Pháp bắt, tên Tuần vũ Nguyễn Bá Trác đến dụ dỗ để đồng chí đầu hàng. Nhưng đồng chí Nguyễn Nghiêm cự tuyệt và mắng vào mặt Trác: "Bọn bây là phường bán nước buôn dân". Sau khi đồng chí Nguyễn Nghiêm bị giết, Tỉnh ủy tổ chức đợt đấu tranh với nội dung căm thù địch và tổ chức truy điệu đồng chí Nguyễn Nghiêm. Bên bờ nam sông Trà Khúc, đông đảo nhân dân dự lễ truy điệu. Bài điếu văn của Tỉnh ủy có đoạn: "Xác tuy chết, tinh thần không chết/Chết: Đi theo Các Mác-Lênin/Người không còn danh tiết vẫn còn/Còn: Sống mãi với Trà Giang, Bút lĩnh". Đồng chí Nguyễn Nghiêm hy sinh khi mới 27 tuổi đời.

 

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ


 


CÁC TIN KHÁC
.