Nước mắt ngày đoàn tụ

07:10, 30/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chiến tranh đã làm cho nhiều gia đình ly tán. Và phải hơn 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, gia đình ông Phan Xuân Trường mới lần tìm được nguồn cội của mình ở thôn Minh Tân Nam, xã Đức Minh (Mộ Đức) trong niềm vui vô bờ bến của người thân...

TIN LIÊN QUAN

Thôi thúc hai tiếng quê hương

Không biết bao nhiêu lần ông Phan Xuân Trường, ở xã Cát Tân, huyện Phù Cát (Bình Định) đi đi, về về thôn Minh Tân Nam, xã Đức Minh với hy vọng tìm được cội nguồn của mình. Ông đã rảo bước đến từng con ngõ, gõ cửa từng nhà, với hy vọng sẽ có người biết về tung tích về người cha. Và dù cũng rất nhiều lần ông nhận cái lắc đầu của những người dân làng biển Minh Tân, nhưng điều đó vẫn không làm ông nản lòng, vì niềm tin trong ông chưa bao giờ vơi.

 

Khi tìm ra cội nguồn, anh em ông Trường về thắp nhang lên bàn thờ gia tiên.
Khi tìm ra cội nguồn, anh em ông Trường về thắp nhang lên bàn thờ gia tiên.


Ông Trường nhớ, những ngày còn sống, cụ Phan Xuân Xanh (cha ông) có lần kể về quê hương Mộ Đức anh hùng, về những người trong họ hàng... Mỗi lần nhớ quê hương, dòng tộc, người cha của ông Trường lại hứa với lòng, với các con sẽ về quê tìm lại cội nguồn.

Thế nhưng, những năm sau chiến tranh, điều kiện kinh tế khó khăn không cho phép ông thực hiện ước nguyện. Đến khi có điều kiện thì ông lại ra đi tức tưởi, khi dụng phải mìn chiến tranh còn sót lại trong một lần khai hoang, vỡ hóa đồng ruộng. Thế là dự định trở về quê của người cha dang dở, để lại cho các con ông bao điều trăn trở về cội nguồn.

Sau ngày cụ Xanh mất, 6 người con của cụ nhọc nhằn mưu sinh trên vùng cát trắng Cát Tân, huyện Phù Cát. Dẫu vậy, nỗi nhớ nguồn cội chưa bao giờ phai nhòa trong tâm thức ông Trường và những người em. Cứ mỗi dịp giỗ cha, anh em ông Trường lại đầm đìa nước mắt, với suy nghĩ: “Nghèo khổ chịu được, chứ sống mà không biết nguồn gốc tổ tông thì lòng mình luôn day dứt!".

Hai tiếng quê hương cứ thôi thúc, nên sau những ngày nông nhàn, ông Trường lại gom tiền bán dưa, bán mì, mía trên đồng cát trắng, mang theo thẻ chứng minh thư của cha trở lại miền biển Đức Minh, để tìm tông tích họ hàng. Cứ thế, năm này qua năm khác, ông Trường đi qua bao vùng cát trắng Đức Minh, thế nhưng tin tức về  họ hàng, người thân vẫn mịt mờ. Thấy vậy, anh em, vợ con ái ngại, khuyên nhủ: “Thôi thì ông cũng đã cố gắng rồi. Nơi suối vàng cha cũng sẽ thấu hiểu tấm lòng của ông”. Để vợ con vui lòng, ông Trường cũng gật đầu theo, song trong thâm tâm ông thì ngày nào chưa tìm ra quê cha thì ông không thể ăn ngon, ngủ yên được.
 

“Chiến tranh và số phận mình nó thế. Tôi cũng không trách ông Miền đâu. Nhưng ước gì hồi đó, nếu không có chiến tranh, mọi người về bên nhau thì còn gì hạnh phúc bằng”.
Cụ BÙI THỊ NHÀNH (75 tuổi) ở thôn Minh Tân Nam, xã Đức Minh (Mộ Đức)

Thế rồi, bao công sức, mồ hôi, nước mắt của ông Trường cũng được đền đáp. Một ngày tháng Tám vừa qua, một lần nữa ông Trường lại khoác ba lô về Đức Minh. Cũng như bao lần trước, ông cầm chứng minh thư của người cha lần mò đi tìm. Lần này, gặp một cụ bà nơi đầu ngõ, ông Trường đưa chứng minh thư rồi nhỏ nhẹ hỏi tông tích về người trong ảnh.

Cụ bà thoáng nhíu gương mặt in hằn nhiều vết nhăn, chậm rãi: Hình như đây là ông Miền (tức ông Phan Xuân Xanh). Rồi bà cụ nhìn ông Trường phán: Chú giống ông ấy như đúc, chắc là con thì phải. Nghe vậy, ông Trường òa khóc như đứa trẻ lên ba: "Tâm nguyện của ba con đã làm được rồi!".

Theo chỉ dẫn của cụ bà, ông Trường về ngôi nhà của bà nội mình nằm bên mé biển Đức Minh trong niềm vui không gì tả hết của bà con, họ tộc, bởi lẽ với họ, cụ Miền đã thất lạc và mất trong chiến tranh. Đêm hôm đó, bà con, họ hàng cùng ông Trường đã tề tựu bên nhau hàn huyên những chuyện vui buồn, về chuyện mất sợi dây liên lạc đã ngót 40 năm. Ngôi nhà thờ phía nội cũ kỹ của ông Trường bỗng dưng ấm áp lạ thường.     

Niềm vui cuối cuộc đời

Sau quãng thời gian vui bên bà con, họ hàng, như có sợi dây liên kết vô hình mách bảo, ông Trường quay lại gặp bà cụ giúp ông tìm được nguồn cội của mình. Gặp lại cụ Bùi Thị Nhành (75 tuổi) ở thôn Minh Tân Nam, xã Đức Minh trong ngôi “nhà tình thương” nằm sâu trong con hẻm nhỏ, trò chuyện với bà, ông Trường đã vô cùng bất ngờ khi biết rằng cụ bà 75 tuổi này lại là người yêu cũ của cha ông.

Thời thanh xuân, bà Nhành là thôn nữ xinh đẹp, nết na. Thời đó, bà phải lòng ông Miền. Hai gia đình đã hẹn ước cho đôi trai gái cưới nhau. Nhưng rồi chiến tranh, gia đình ông Trường ly tán. Mất sợi dây liên lạc ở quê, ông Miền (sau này khai thành tên Phan Xuân Xanh) đã lấy vợ, sinh con, rồi qua đời vì bom mìn chiến tranh.

Dẫu không chồng, con nhưng bà Nhành (ngồi trước) được bà con trong làng bao bọc, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn…
Dẫu không chồng, con nhưng bà Nhành (ngồi trước) được bà con trong làng bao bọc, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn…


Còn nơi quê nhà, bà Nhành vẫn chung thủy đợi chờ, với hy vọng ông Miền sẽ trở lại thực hiện lời hẹn ước năm nào. Bởi vậy, dù có bao người đàn ông đến ngỏ lời xây dựng hạnh phúc, nhưng bà Nhành vẫn một mực chờ ông Miền. "Sau ngày đất nước thống nhất, mọi người tìm về bên nhau, còn ông ấy thì đi biền biệt. Có tin ông ở Nha Trang, rồi Mũi Né, tôi vào tận đó tìm, nhưng chẳng gặp”, bà Nhành kể.

Sau chuyến đi lần đó, cụ Nhành trở về cố gắng làm ăn, sửa sang ngôi nhà cũ. Làng quê dần trải dài màu xanh trở lại, nhưng bà vẫn không thấy ông về. Rồi thời gian, sự tìm kiếm đã vô vọng, tất cả người thân và bà Nhành đều nghĩ rằng ông ấy đã chết, nên lập bàn thờ ông. Có lần mẹ ông Miền hỏi: “Sao chờ mãi mà không thấy thằng Miền trở về vậy con”.

Nghe vậy, bà không sao trả lời được, rồi vội bước ra mé biển ngồi mà nước mắt lưng tròng. Rồi mẹ ông Miền, mẹ ruột của bà lần lượt qua đời. Tuổi già đã đến nhanh, cụ Nhành sống đơn chiếc trong ngôi nhà mà lúc nào cũng thèm tiếng khóc, tiếng cười đùa của con trẻ. Bà Nhành thầm nghĩ: “Giá như ngày đó đừng có chiến tranh, bà và ông Miền cưới nhau, rồi sinh con. Đứa con ấy chắc cũng giống cậu con trai ông Miền bây giờ, thế là hạnh phúc lắm”.

Nghe xong câu chuyện, ông Trường lặng người, rồi xin phép được gọi cụ Nhành là mẹ. Nghe vậy, cụ Nhành xúc động, niềm vui không thể tả được bằng lời. Vội lau giọt nước mắt chực trào nơi khóe mắt nhăn nheo, cụ Nhành chậm rãi: “Chiến tranh và số phận mình nó thế. Tôi cũng không trách ông Miền đâu. Nhưng ước gì hồi đó, không có chiến tranh, mọi người về bên nhau, thì còn gì hạnh phúc bằng”.

Sau lần gặp đó, ông Trường tường tận mọi điều nơi quê cha về thuật lại cho những người em và con cháu. Tất cả con cháu ở phương xa cũng đã tìm về quê hương, thắp nhang lên bàn thờ gia tiên để tạ ơn. Riêng với cụ Nhành, người như trẻ ra. Các cháu hiểu được tình cảm của cụ dành cho ông Miền, nên tất cả đều gọi bà là nội.

Những đứa cháu của ông Miền hồn nhiên: Bà nội ngồi ngay ngắn để tụi con chụp hình đem vào Bình Định, Kon Tum khoe với mọi người. E thẹn, bà Nhành sửa lại mái tóc nhuốm bạc trước khi chụp hình. Nhìn bà cười vui cùng con cháu ông Miền, tôi hiểu, bà đang sống lại cái thời tuổi trẻ. Và tình yêu của bà vẫn còn vẹn nguyên như thuở đôi mươi mà bà với ông Miền từng hẹn ước.
 

Bài, ảnh: MAI HẠ

 


CÁC TIN KHÁC
.