Ôm nợ từ dự án

10:08, 14/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hỗ trợ trâu, bò để người nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo là một trong những dự án mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Song, thực tế sau nhiều năm triển khai, không ít dự án đã nảy sinh nhiều bất cập. Trong đó, đại đa số trâu, bò bị chết hoặc đối tượng nhận nuôi tự ý bán với giá rẻ, khiến người dân ôm nợ, chính quyền khó xử.

TIN LIÊN QUAN


Bò trị giá 7 triệu đồng, dân bán 100 ngàn đồng


Vào tháng 6.2010, Dự án “Ngân hàng bò” của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã hỗ trợ 100 con bò cái giống cho 100 hộ nghèo ở huyện miền núi Ba Tơ.  Giống bò hỗ trợ là bò vàng F1, từ 14 - 18 tháng tuổi, cân nặng từ 126 - 192kg, trị giá 7 triệu đồng/con.

Vợ chồng chị Phạm Thị Trang và anh Phạm Văn Út là một trong số ít hộ ở thôn Nước Tỉa, xã Ba Tiêu còn lại bò.
Vợ chồng chị Phạm Thị Trang và anh Phạm Văn Út là một trong số ít hộ ở thôn Nước Tỉa, xã Ba Tiêu còn lại bò.


Theo “điều khoản” của Dự án "Ngân hàng bò", khi bò cái sinh sản lứa đầu tiên, nuôi khoảng 10 - 12 tháng, sẽ được chuyển giao cho một hộ nghèo khác. Còn bò gốc vĩnh viễn thuộc về người hưởng lợi ban đầu. Nếu cách làm này thành công, thì chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng đàn bò sẽ tăng lên theo cấp số nhân. Điều đó đồng nghĩa với việc rất nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Ba Tơ sẽ có cơ hội nhận bò từ dự án để phát triển kinh tế, thoát nghèo... Song, điều đáng buồn là sau gần 6 năm triển khai, số bò gốc còn sống chỉ vỏn vẹn... 21 con. Số bò còn lại bị chết hoặc người dân tự ý bán, nên số bò chuyển giao cho hộ khác sau khi sinh sản cũng chẳng được bao nhiêu.
 

Đánh giá kết quả Dự án hỗ trợ bò do Hội Chữ thập đỏ tỉnh “cầm trịch” sau nhiều năm triển khai, đại diện cơ quan này cho biết: Nhìn chung thì dự án tương đối hiệu quả. Song tại các xã vùng cao, năng lực của những người làm công tác Hội Chữ thập đỏ còn hạn chế; trình độ chăn nuôi của nhiều người hưởng lợi thấp, khiến bò bị thất thoát. Đây là một bài học cần phải rút kinh nghiệm về sau.

Hiệu quả kinh tế không như mong đợi, khiến chính những người trong cuộc cũng cảm thấy chua xót. Chị Phạm Thị Đói,  ngụ thôn Nước Tỉa, xã Ba Tiêu chia sẻ: “Nhà nghèo, đất đai chẳng có bao nhiêu. Nhận con bò về, mình mừng lắm! Nhưng gần một năm nuôi mà nó bị bệnh tiêu chảy suốt, ốm trơ xương. Gọi thú y đến chữa bệnh, nhưng không khỏi. Sợ nó chết, có người dưới xuôi lên hỏi mua, mình bán được 500 ngàn, đóng lại cho dự án 300 ngàn đồng...”.

Khi Dự án “Ngân hàng bò” triển khai, hai địa phương hưởng lợi nhiều nhất là xã Ba Tiêu và Ba Nam. Ba Tiêu được hỗ trợ 64 con, nhưng đã chết 35 con, người dân tự ý bán 19 con. Ba Nam được hỗ trợ 30 con, đã chết 18 con.

Khi nhận bò, người dân đã ký cam kết "không tự ý bán bò". Nếu bán phải trả lại đủ tiền trị giá con bò ban đầu. Đồng thời, Ban Điều hành Dự án cũng mở lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi bò cho bà con. Thế nhưng, khi người dân đưa bò về nuôi, số lượng không những không tăng mà ngày càng hao hụt dần. Rất nhiều trường hợp bò ốm yếu, người dân bán cho thương lái với giá khai báo với chính quyền địa phương chỉ 100 ngàn đồng!

Bà Phạm Thị Thu Trang- Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Ba Tơ cho biết: “Ngày nhận bò từ dự án, thực sự là một ngày hội đối với bà con. Bò trở thành tài sản lớn nhất của nhiều hộ nghèo. Nhưng giờ thì buồn, lo lắm!. Bởi khoảng 80% số bò dự án bị thất thoát, vượt ngoài dự tính trong phương án dự phòng. Nguyên nhân là do nhận thức, cũng như năng lực chăn nuôi của đối tượng thụ hưởng còn rất hạn chế. Trong khi đó, Ban Điều hành Dự án “Ngân hàng bò” ở cấp xã lại thiếu quan tâm sâu sát...”.   

Người nghèo ôm nợ, chính quyền khó xử

Ở xã Ba Tiêu, Ba Nam có rất nhiều trường hợp bò dự án nuôi bị chết, hoặc nuôi không được nên bán. Anh Phạm Văn Sin, trước đây là Trưởng thôn Nước Tỉa, xã Ba Tiêu, là người được thụ hưởng từ bò dự án. Lẽ ra anh là người gương mẫu thực hiện đúng cam kết để người khác noi theo. Nhưng rồi sau một năm nuôi, anh cũng tự ý bán bò với giá 2 triệu đồng.

Anh Sin bảo: “Giống bò được hỗ trợ ít chịu ăn cỏ ngoài đồng hay trên rẫy, chỉ ăn cám công nghiệp. Mình thì không có tiền mua cám, vả lại nó cũng không biết cày ruộng như bò bản địa. Càng nuôi nó càng ốm trơ xương. Bí quá mình bán để bù lại tiền công nuôi gần một năm ròng”.

Dù đã có nhiều thay đổi, nhưng đến nay, tập quán chăn nuôi của đồng bào vùng cao Ba Tiêu vẫn chủ yếu nuôi theo hình thức thả rông, chuồng trại sơ sài. Chính vì vậy, khi trâu bò bị dịch bệnh rất khó kiểm soát, khoanh vùng để chữa trị.

Trong tổng số 64 con bò dự án được hỗ trợ cho xã Ba Tiêu, thì lượng bò chết nhiều nhất do bị dịch lở mồm long móng. Ông Phạm Văn Trỏ - Chủ tịch UBND xã Ba Tiêu cho hay, không những bò của Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ bị chết, mà ngay cả bò được hỗ trợ theo Chương trình 30a ở xã, cũng chết 4 con vào năm 2013.

Theo ông Trỏ, tập quán chăn nuôi của bà con vùng cao rất đặc thù. Việc tiếp nhận một giống bò không giống với bò địa phương, khiến bà con không tránh khỏi những bỡ ngỡ. "Những trường hợp bò bị bệnh chết, người dân tự ý bán, chính quyền xã đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện đi kiểm tra, xử lý.

Tuy nhiên, lúc đến nhà, nhiều bà con chỉ biết khóc vì họ nghèo, chẳng biết lấy tiền đâu để trả lại cho dự án. Cái khổ, cái khó của bà con là thế, nên mình cũng chẳng bụng dạ nào đi “đòi nợ” người nghèo cả. Mãi cho đến bây giờ, chưa có trường hợp nào trả đủ tiền gốc sau khi nuôi bò không thành công", ông Trỏ cho hay.

 Chị Phạm Thị Đói chia sẻ với phóng viên về chuyện bán bò dự án được 500.000 đồng.
Chị Phạm Thị Đói chia sẻ với phóng viên về chuyện bán bò dự án được 500.000 đồng.


Việc ôm nợ từ dự án, không chỉ xảy ra ở huyện miền núi Ba Tơ mà nhiều hộ dân thuộc diện khó khăn ở xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) cũng theo “vết xe đổ” này. Đó là vào năm 2014, Hội Phụ nữ tỉnh cấp 20 con trâu trị giá 14 - 15 triệu đồng/con cho 20 hộ dân nằm trong diện bị ảnh hưởng nặng do cơn bão Hải Yến năm 2013 gây ra, với mục đích giúp các hộ dân này gầy dựng lại cuộc sống.

Khi nhận trâu, các hộ nuôi đều ký cam kết, sau 6 năm nuôi sẽ hoàn lại tiền gốc hoặc trâu nghé tương đương như lúc nhận. Song, chỉ một năm sau đó đã có 6 con trâu bị chết. Về lý do trâu chết và số còn lại, bà Lê Thị Nhật, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hành Tín Đông cho biết: “Trâu mang về bị bệnh rồi chết dần. Chi cục Thú ý tỉnh cũng nhiều lần đến tận nơi, nhưng không chữa khỏi. Nuôi không được, nhiều hộ dân đã bán trâu đổi sang bò để nuôi. Giờ “đỏ mắt” cũng không tìm được con trâu hỗ trợ nào”.

Nhiều hộ dân được hỗ trợ trâu cho rằng, bà con hầu hết chỉ biết nuôi bò, chứ chưa có kinh nghiệm nuôi trâu. Trâu nuôi thì phải nuôi theo bầy đàn, còn nuôi đơn lẻ trâu sẽ không phát triển. Người dân ở vùng cao Ba Tiêu muốn có trâu để nuôi, nhưng lại được cho nhận bò. Còn ở Hành Tín Đông thì ngược lại. Nói về điều này, bà Lê Thị Nhật chia sẻ thêm: “Đây là vùng đất có tiếng về “mát tay” nuôi bò. Nhưng dự án cho trâu, nên cả người dân và chính quyền đều không dám chê!”.

Sự việc đáng buồn trên sẽ không xảy ra nếu như khi cấp phát, các Ban Điều hành Dự án nghiên cứu kỹ đặc thù của từng vùng miền, tập quán chăn nuôi cũng như việc giám sát đối tượng hưởng lợi chặt chẽ hơn. Bài học về tham vấn ý kiến người dân khi hỗ trợ vật nuôi, nhằm phát triển kinh tế một lần nữa lại được đặt ra đối với các dự án trước khi triển khai.

Bài, ảnh: H.HOA – N.VIÊN

 


CÁC TIN KHÁC
.