Cơm khô Côn Đảo

04:05, 21/05/2012
.

* TRẦN ĐĂNG


(QNĐT)- Trước khi rời Sài Gòn, tôi hỏi thằng con 20 tuổi của tôi: “Có hai địa chỉ mà ba chưa đến ở miền Nam này, một Côn Đảo, hai Phú Quốc. Ba muốn sẵn dịp này, hai cha con cùng đi, cho con chọn một”. Thằng con nói ngay, không cần suy nghĩ: “Côn Đảo!”. Tôi hỏi theo kiểu nhà báo: “Phú Quốc được gọi là “thiên đường” hiện nay, sao con không chọn?”. Nó cũng đáp liền: “Con không thích thiên đường đâu. Con thích nơi từng được coi là địa ngục ấy”.

Chợt nhớ trong tủ sách của tôi có cuốn “Bất khuất” của Nguyễn Đức Thuận, viết về “địa ngục” này. Có một dạo cuốn sách ấy rất xộc xệch và tả tơi, không hiểu vì sao chứ mấy chục năm nay, tôi chưa bao giờ đụng tới nó. Thì ra thằng bé đã quần nát cuốn sách này từ hồi lớp 6 mà tôi không tin vì nghĩ rằng, đám trẻ con bây giờ, mê Doremon với Bảy viên ngọc rồng, cùng lắm là những cuốn sách viết về tuổi học trò của Nguyễn Nhật Ánh, chứ “Bất khuất” không thể là sách gối đầu giường như cha nó từng “gối” những năm phổ thông. Chính cuốn sách ấy đã mê hoặc cậu bé gần chục năm nay, và đây sẽ là dịp để nó kiểm chứng những gì đã từng ám ảnh nó trong sách.

Ông Hai Viên thăm lại hệ thống chuồng cọp ở Côn Đảo: Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Ông Hai Viên thăm lại hệ thống chuồng cọp ở Côn Đảo: Ảnh: TRẦN ĐĂNG


Khi máy bay chuẩn bị đáp xuống sân bay Cỏ Ống, tôi mới cảm thấy không “tiếc” khi phải chiều con. Côn Đảo từ trên cao nhìn xuống như những đoạn gãy khúc của dãy Trường Sơn hơn là hòn đảo giữa trùng khơi. Những cánh rừng nguyên sinh um tùm cây cối, như thể nơi ấy chưa từng xảy ra những điều khó tin nhất của việc hành xử giữa người với người suốt 103 năm tồn tại kể từ khi Bonard- thủy sư đô đốc Pháp ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo ngày 1/2/1862.

Ông Hai Viên, một trong 6 tù nhân chính trị còn trụ lại với Côn Đảo từ sau ngày giải phóng, đón cha con tôi như đón người nhà. Chúng tôi biết ông qua một người bạn ở TP HCM giới thiệu. Hai Viên người Quế Sơn, Quảng Nam, bị đày ra Côn Đảo năm 1970 sau lần bị địch khui hầm ở quê.

Ông mỏng mảnh như một  thân cò. Thật khó để tin rằng  thân cò ấy  từng bay xuyên qua những cơn bão đòn roi nơi ngục thất để đáp xuống cánh đồng hòa bình từ 36 năm trước. Nghe cha con tôi nói chuyện với nhau, Hai Viên hỏi ngay: “Chú đoán chắc tụi bay là dân Quảng Ngãi?”. Chúng tôi chưa kịp gật đầu, ông nói luôn: “Chú dân Quảng Nam đây, thôi thì Quảng mô cũng là Quảng cả, nhận luôn đồng hương nghen”.

Nói rồi ông hỏi thằng con tôi: “Chừ cháu thích đi chỗ mô trước?”. Nó đáp: “Dạ, cháu thích đi xem chuồng cọp!”. Hai Viên trở thành hướng dẫn viên bất đắc dĩ cho cha con tôi suốt cuộc hành trình xuyên chuồng cọp cho đến các trại giam. Dấu vết của sự tàn độc dường như không bị thời gian của mấy mươi năm hòa bình xóa đi chút nào. Ba người đàn ông đi trong im lặng, mỗi người đều theo đuổi một ý nghĩ của riêng mình.

Có thể Hai Viên đang nghe những tiếng thét đau đớn của bạn thù từ xa thẳm trăm năm giội lại. Có thể chàng thanh niên trẻ trai con tôi lại nghe tiếng reo vui khi hàng ngàn tù nhân tháo tung xiềng xích trong ngày giải phóng. Còn tôi, chảy giữa nỗi đau xiềng xích và niềm vui òa vỡ kia là những giọt nước mắt lặng thầm của bao số phận…

Khách du lịch thăm hệ thống nhà tù Côn Đảo. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Khách du lịch thăm hệ thống nhà tù Côn Đảo. Ảnh: TRẦN ĐĂNG


Sau những phút lặng im, thằng con tôi lên tiếng: “Chuyện gì ám ảnh bác nhất khi bước chân vô trại giam này?”. Cứ tưởng Hai Viên nói đến chuyện mình bị giội nước ở Chuồng Cọp nhưng ông lại trả lời: “Đó là những hạt cơm khô”. Rồi ông chậm rãi: “Lúc bác bị bắt vô đây hơn tuổi của cháu bây giờ một chút. Thanh niên mà, ăn khỏe lắm. Nhưng ở tù thì lấy đâu ra cơm mà ăn cho khỏe. Mình thì lúc nào cũng thèm cơm mà thấy mấy ông bạn tù già, hễ ăn xong bữa lại dành ra mấy hạt rồi dán lên tường của nhà tù. Cứ tưởng các ổng nuôi thằn lằn, hóa ra không phải. Đến khi nổ ra các cuộc tuyệt thực, bác mới hiểu mọi nhẽ.

Đám thanh niên như bác hồi ấy, chỉ cần nhịn đói vài hôm là rất dễ đầu hàng. Để “tiếp sức” cho đám trẻ, mấy ông bạn tù già ấy, gỡ dăm bảy hạt cơm khô dán trên tường rồi đem ngâm với nước, quấy lên thành hồ và cho vào miệng số thanh niên để… cầm hơi. Kỳ diệu lắm, hạt cơm khô ấy mà quấy thành hồ rồi đem nhỏ từng giọt vô miệng người nhịn đói  2-3 ngày, lập tức như được hồi sinh”.

Thì ra, trong cuộc đấu tranh sinh tồn ấy, những người tù đã tìm cách để tồn lại giữa một bầy lang sói bằng những hạt cơm khô như thế. Có lẽ đó là câu chuyện nằm ngoài trang sách mà thằng con tôi từng đọc. Chợt thấy đôi mắt cận thị của nó đỏ hoe tự bao giờ…

 


CÁC TIN KHÁC
.