Chuyện oái oăm ở một cửa biển - Kỳ 2: Hậu cần nghề cá đìu hiu

10:07, 15/07/2011
.

(QNg)- Xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) có đội tàu đánh bắt hải sản hùng hậu nhất tỉnh (811 chiếc). Trong đó gần 500 tàu đánh bắt xa bờ. Thế nhưng do cửa biển Sa Huỳnh bị bồi lấp nghiêm trọng nên tàu thuyền đánh bắt xa bờ không về cửa biển Sa Huỳnh được. Do đó làng biển nơi này trở nên vắng vẻ, dịch vụ hậu cần nghề cá ở đây lao đao, hàng ngàn lao động ăn theo nghề cá mất việc làm...
 

Điêu đứng vì thiếu nguyên liệu

Chúng tôi đến cơ sở chế biến hải sản Thanh Mẫn (thôn Thạch Bi 2, xã Phổ Thạnh) vào buổi chiều và thấy vắng vẻ đến lạ. Bà Lê Thị Thanh - chủ cơ sở lắc đầu nói buồn "Có nguyên liệu đâu mà làm hả em. Cách đây hơn hai năm, vào giờ này cơ sở của chị có 200-300 người chứ không ít”.  Chúng tôi thấy khoảng dưới 20 lao động đang mang các vỉ phơi cá khô đưa vào kho cất giữ và chất hải sản lên xe cho các chủ hàng.
 
Cơ sở chế biến hải sản Thanh Mẫn ít lao động 2 năm nay.
Cơ sở chế biến hải sản Thanh Mẫn ít lao động 2 năm nay.
Trò chuyện với chúng tôi bà Thanh than rằng: Mùa này cách đây 2 năm mấy trăm lao động của cơ sở bà làm liên tay từ sáng đến tối mịt. Bởi hồi đó tàu vào cảng Sa Huỳnh liên tục, cơ sở chỉ việc đưa người ra vận chuyển cá vào rồi sơ chế tại chỗ. "Có ngày, mua đến 8 tấn cá chứ đâu phải ít. Mà làm được thì có lời, lao động tại cơ sở cũng có thu nhập cao".
 
Còn bây giờ chưa có năm nào làm nghề chế biến hải sản bấp bênh như năm nay. Tất cả là vì tàu cá không về cảng. Muốn cơ sở hoạt động, bà Thanh phải điều xe vận tải ra tận Cảng Đà Nẵng mua hải sản về. Nếu hàng nhiều thì mất 700 đồng/kg, còn ít thì 1.000 đồng/kg cước phí vận chuyển. Thế nhưng không phải hồi nào cũng mua được nguyên liệu dễ dàng.

Khi cước vận chuyển cao, cộng với nguyên liệu thiếu thốn, đã kéo theo lãi của cơ sở giảm, thu nhập cùng số lượng lao động cũng giảm theo tỷ lệ ấy (từ 200-300 lao động/ngày, nay còn cao nhất là 30 lao động/ngày). Chính vì vậy mà lao động và lãi từ sơ chế biến cá của bà chỉ bằng 30% so với trước.

Ở Sa Huỳnh - Phổ Thạnh có hàng loạt cơ sở chế biến hải sản, làm dịch vụ hậu cần nghề cá, các cơ sở đóng mới và sửa chữa, cải hoán tàu thuyền đều rơi vào tình cảnh giống như bà Thanh...

Hậu cần nghề cá giảm sút

Tìm hiểu chúng tôi được biết, khoảng từ năm 2005 về trước, cửa biển Sa Huỳnh bị bồi lấp, tàu thuyền ra vào gặp tai nạn. Tuy nhiên khi xây dựng bờ kè chắn cát ở đây với kinh phí khoảng 45 tỷ đồng (giai đoạn 1) thì tàu thuyền ra vào cửa biển Sa Huỳnh này lại nguy hiểm hơn.

Ông Nguyễn Kỳ cho rằng, hồi trước tàu cá mắc cạn, đến khi nước lớn thì kéo tàu lên được, ít mất mát hơn. Nhưng hai năm nay phía đông cửa Sa Huỳnh thì cát bồi lấp, còn ở giữa thì có hai tảng đá, còn phía tây là bờ chắn cát. Đã hai năm nay không chỉ tàu thuyền xa bờ từ 90 CV trở lên không dám ra vào cửa này, mà cả tàu 45 CV nếu ra vào không chọn thời điểm và chui lọt vào được luồn đi giữa hai tảng đá, thì cũng sẽ bị va đập.
 
Thậm chí ngay cả tàu khoảng 30 CV nếu trời động mà ra vào cửa, chỉ cần bị một cơn sóng bất thần đánh vào, nó sẽ bị đánh lên bờ đê chắn cát và tan xác ngay. Do không về được Cảng Sa Huỳnh nên gần 500 con tàu đánh bắt xa bờ của xã Phổ Thạnh khi "no" cá ngoài khơi đành chở vào bán ở các cửa biển khác ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Kỳ cho hay: Mỗi năm, xã đánh bắt được 36.000 tấn hải sản thì lượng bán ra ở cửa biển Sa Huỳnh chỉ khoảng 10.000 tấn. Hiện tại xã Phổ Thạnh có 65% người dân sống bằng nghề biển, 25% sống dựa vào các dịch vụ hậu cần nghề cá (như: sản xuất đá lạnh, nhiên liệu, cung cấp lương thực-thực phẩm cho tàu cá, chế biến hải sản, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền...).
 
Trong đó đáng chú ý nhất là 8 cơ sở chế biến hải sản, mỗi cơ sở vào thời cao điểm giải quyết khoảng 300 lao động, giờ chỉ còn 40% lao động tại đây. Còn với các cơ sở cung cấp nhiên liệu, nếu trước đây tàu cá 250 CV mỗi chuyến đi lấy 30.000 - 40.000 lít dầu, nay các cơ sở này phục vụ cho tàu đánh bắt gần bờ. Trung bình mỗi cơ sở chỉ cung cấp được 200 lít. Còn với 4 cơ sở đóng, sửa tàu thuyền của xã thì mức sản xuất đã giảm trên 30% so với trước đây.

"Họ phải theo tàu thuyền vào Qui Nhơn hay ra Đà Nẵng để sửa chữa hay đóng tàu, chứ ở đây có tàu vào đâu mà đóng với sửa... Đến giờ ít nhất là trên 1.000 lao động ăn theo dịch vụ hậu cần nghề cá không có việc làm. Muốn tàu về cảng, bây giờ chỉ có cách nạo vét cửa Sa Huỳnh mà thôi"-ông Kỳ nói.

Nạo vét cửa Sa Huỳnh - Việc nên làm gấp

Ông Phan Huy Hoàng - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi cho biết: Cửa biển Sa Huỳnh hiện có diện tích bị bồi lấp 1.000m2 và khối lượng bồi lấp khoảng 4.000 m3. Vì thế việc nạo vét cửa biển Sa Huỳnh là điều nên làm gấp, để tàu cá vào ra nơi này được an toàn. Tuy nhiên điều đáng nói là việc cát bồi lấp là việc tự nhiên. Vì vậy khi nạo vét rồi thì tỉnh cũng phải có kinh phí nạo vét thường xuyên, ít nhất là 2 năm một lần. Sở NN-PTNT cũng đề nghị UBND tỉnh phân bổ kinh phí nạo vét cửa biển, nhưng chưa được chấp thuận.

Tháng 5/2011 Sở NN-PTNT đã có văn bản trình lên cho UBND tỉnh xin chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh bão tàu cá Sa Huỳnh. Theo ông Hoàng, Dự án Khu neo đậu tàu thuyền xây dựng đảm bảo cho 800 tàu cá trú đậu (với loại tàu 500 CV ra vào thuận lợi, an toàn. Quy mô dự án tương đối lớn, gồm: 1 khu trú bão có diện tích 36 ha, độ sâu 2,5-4,6 mét; nạo vét luồng tàu, đảm bảo cho tàu 500 CV ra vào; đê chắn sóng-chắn cát kéo dài theo tuyến đê phía nam sâu 6,5 mét và dài 260 mét; đê phía bắc dài 460 mét, sâu 6,5 mét.

Ngoài ra dự án này còn xây dựng các công trình khác như: Khu nhà điều hành; nhà tránh bão cộng đồng; hệ thống điện-nước và xử lý môi trường. Tổng kinh phí dự án là 250 tỷ đồng. Nhưng đến thời điểm hiện nay UBND tỉnh vẫn chưa xem xét và có quyết định chính thức, để dự án được triển khai. Trong khi đó hơn 800 tàu cá và hàng ngàn ngư dân ở xã Phổ Thạnh thì hàng ngày mong ngóng nạo vét thông luồng cửa biển Sa Huỳnh, để họ ra khơi xa hành nghề mưu sinh và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. 

Bài, ảnh: PHẠM ANH

CÁC TIN KHÁC
.