Đảo khát từng ngày (2)

06:07, 11/07/2010
.
*Phóng sự của TRẦN ĐĂNG

(QNĐT) - Sau 5 tháng không một giọt mưa, tất cả các lu, ghè, bể chứa nước ngọt của người dân trên đảo Bé huyện Lý Sơn đều cạn kiệt. UBND xã An Bình buộc phải xuất “kho nước dự trữ” để cấp cho mỗi nhà 1,5 mét khối. Huyện Lý Sơn cũng phải xuất 40 triệu để mua nước ngọt “cấp cứu” đảo Bé. Tuy nhiên, trên 100 hộ dân của đảo vẫn khát nước từng ngày..


Kỳ II. Những giọt nước cuối cùng

Với 150 mét khối nước dự trữ trong “nhà kho” của xã An Bình mà đem  phân phối cho 500 nhân khẩu ở đây, thật chẳng khác nào mang muối bỏ bể! Vì vậy, đảo Bé đã chính thức phát tín hiệu S.O.S, khiến UBND huyện Lý Sơn phải vào cuộc. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các bô lão ở Lý Sơn, nếu trong tháng này mà trời không mưa, S.O.S không chỉ dành cho đảo Bé mà cả với đảo Lớn nữa.

Đỉnh hạn

Trước khi nhận số nước “cấp cứu” từ đảo Lớn, mấy ngày qua, người dân đảo Bé cũng đã mót vét những giọt nước cuối cùng ngay trong từng bể chứa của họ. Chưa thấy ở đâu mà nước ngọt đã thành một thứ xa xỉ như ở đảo Bé này. Đã từng trải qua nhiều mùa hạn hán, song những cụ già của đảo vẫn không thể hiểu vì sao, năm nay thời tiết lại khắc nghiệt đến vậy với xã An Bình.

Lâu nay nhiều người quan niệm rằng, thước đo của sự giàu nghèo trên đảo, chính là quy mô từng bể nước của mỗi gia đình. Nhà có to thì mới xây bể lớn để hứng nước trời, nhà nào nhỏ thì xây bể bé, chỉ đủ dùng trong vài tháng rồi dài cổ mong mưa. Thế mà năm nay, bất luận giàu hay nghèo, bể to hay bể nhỏ, tất cả đều ngửa cổ kêu trời!

Dự lường được tình cảnh này, năm 2008, UBND xã Anh Bình đã đầu tư 600 triệu  để xây một bể nước, dung tích 283 mét khối. Mặc dù có đến hai lớp khóa cẩn thận, xã cũng chưa đụng đến “kho nước” này giọt nào, thế mà khi xuất kho để “cấp cứu” cho dân vào ngày 2/7 vừa qua, đong qua đếm lại chỉ còn… 150 khối.

“Chỉ có đỉnh hạn thì nước mới bốc hơi nhanh như vậy thôi”. Ban “thanh tra nước” của xã đã kết luận như vậy sau khi thấy bể nước đã vơi gần một nửa mà không hiểu vì đâu!

Cứ tưởng bể nước đã sạch nhẵn, ấy thế mà đám trẻ con trên đảo vẫn có thể “mót” những giọt nước cuối cùng được đấy! Buổi trưa, canh cho lãnh đạo xã ra về, đám trẻ, tay đứa nào cũng cầm chiếc gàu, xông vào “kho nước” để múc lấy múc để rồi giội ào ào.

Lũ trẻ đảo Bé phải tắm ngước biển trước khi giội lại bằng nước ngọt.
Lũ trẻ đảo Bé phải tắm ngước biển trước khi giội lại bằng nước ngọt.
Ảnh QNĐT

Đỉnh hạn đã quét qua 13 hecta đất dành để trồng hành, biến chúng thành bãi cát không một chút xanh của cỏ dại, khiến đám trẻ con trên đảo cũng phải ngại ngần, không dám liều mình mang bóng nhựa ra đó để “thư giãn” mỗi chiều như trước đây nữa. Đỉnh hạn cũng khiến cho “nghị quyết phát triển đàn gia súc” của xã buộc phải thay đổi phương án: Bán gấp 26 con bò béo tròn béo trục; đàn dê 30 con núng na núng nính cũng tống khứ thật nhanh. “Mỗi ngày một con vật ấy nó xơi 5 lít nước cũng đủ “chết” những người nuôi chúng rồi. Tiếc đứt ruột nhưng vẫn phải bán thôi anh”. Ông Phan Đình Phương, Chủ tịch UBND xã An Bình như vẫn còn tiếc nuối trước khi đưa ra quyết định cuối cùng là “giải tán” đàn bò và dê của xã.

Đủ kiểu tiết kiệm nước

Chủ của hai chiếc tàu “trúng thầu” chở nước ngọt cấp cứu đảo Bé, có một đôi vợ chồng chừng 50 tuổi. Ông tên Tựu còn bà tên Thường. Nắng nóng phát điên lên được nhưng nghe bà Thường phát âm giọng Lý Sơn, cả tôi và ông Phương cũng phải phì cười. Chúng tôi như nghe hai chữ “Tựu-Thường” từ miệng bà Thường thành “Tựu-Trường”! Biết chúng tôi hiểu sai tên, bà đính chính: “Không, thường ấy, bình thường ấy mà”. Tôi trêu bà chủ tàu chở nước ngọt cho … đỡ nóng bức: “Chị là phi thường chứ sao bình thường được!”.
 
Phơi áo quần cũng phải hứng chậu bên dưới để tiết kiệm nước. Ảnh: T.Đ
Phơi áo quần cũng phải hứng chậu bên dưới để tiết kiệm nước. Ảnh: T.Đ

Chả là, trời nắng như đổ lửa thế này mà mỗi lần chuyển vòi nước từ bể nhà này sang bể nhà khác, dù chỉ cách nhau có vài chục mét, thay vì để cho nước chảy tự do trên quãng đường ấy, bà Thường canh chừng khi nước gần đầy bể, chạy thục mạng xuống bến để nói với chồng là “tắt, tắt”, tức tắt máy nổ, rồi chạy ngược dốc lên chỗ có vòi nước ấy, chuyển sang bể khác, lại chạy trở xuống, hô “mở, mở”. Ông chồng lại giật máy nổ, tiếp tục bơm nước. 

Cứ năm phút, bà Thường lại làm một “tua” ngược dốc cát bỏng để “tắt, tắt-mở, mở” như thế. Hỏi bà chạy làm chi cho cực vậy? Bà Thường hổn hển: “Tiết kiệm nước chớ! Nếu để nguyên vòi nước ấy mà chuyển từ bể nhà này sang bể nhà khác, mình mất ít ra cũng 5 lít nước rồi”. Chao ôi, để tiết kiệm 5 lít nước ngọt cho mỗi lần chuyển bể, người đàn bà 50 tuổi ấy đã phải toát mồ hôi mỗi ngày vài mươi bận, có khi lượng mồ hôi phải trả giá kia nhiều bằng số nước tiết kiệm chứ chả chơi!

Ồng Tựu nhẩm tính, và cũng là bài toán lo xa cho vợ: “Mỗi ngày chúng tôi chở được khoảng 20 khối nước, cấp cho 10 nhà. Phải xuôi ngược cật lực trong 10 ngày như thế mới cấp xong một đợt. Khi gia đình cuối cùng nhận được nước thì chắc là gia đình đầu tiên cũng sẽ hết nước. Như thế, chạy chừng một “tua” thôi, bà Thường nhà tôi đây chắc là sẽ không bình thường mất”.

Chứng kiến những đứa trẻ ở đảo Bé, lớn tồng ngồng rồi mà vẫn phải tắm trong chậu, mới thấy “thương” cho giọt nước ở nơi này. Sở dĩ phải tắm trong chậu là vì, nước tắm ấy sẽ được trưng dụng lần nữa để lau nhà hoặc tưới một vài cây kiểng hiếm hoi sót lại trong mùa đỉnh hạn. Còn những người phụ nữ ở đây thì quá quen với cảnh xuống biển giặt áo quần bằng nước mặn, xong lên “tráng qua” một lượt nước ngọt rồi mới đem phơi. Họ cũng không quên lấy chậu hứng bên dưới số áo quần kia để có hột nước nào rơi vãi thì còn xuống chậu, lại đem dùng vào việc khác.

Riêng cánh đàn ông trên đảo Bé mùa này, ngoài thời gian đánh cá ngoài biển ban đêm thì chỉ làm mỗi một việc là xuống biển lấy nước mặn về để … rửa chén bát. Tuyệt đối không một ai được mặc áo, tất tật đều ở trần, chỉ độc chiếc quần cộc, phơi tấm lưng đen như cột nhà cháy. Anh Nguyễn Đông thanh minh cho cái sự “mất lịch sự” này: “Mặc áo vô, tất nhiên là phải giặt áo, mất ít nhất là 5 lít nước mỗi ngày”. Rồi anh lo xa: “Chắc hết mùa nắng nóng năm nay, lũ đàn ông tụi tôi ở đảo Bé này sẽ “quên” mặc áo mất”.

Cần một giải pháp lâu dài cho đảo Bé

Chủ tịch xã Phan Đình Phương nêu giải pháp: “Chỉ cần một bể nước, dung tích khoảng 3 ngàn khối là đảo Bé hết khát, bất chấp đỉnh hạn. Mặt bằng để xây bể nước khổng lồ ấy khỏi phải lo, cái lo nhất là xoay ra đâu 5 tỷ đồng để xây bể mà thôi”.

Tôi quay ông chủ tịch xã: “Nhưng đó mới chỉ là nước uống thôi, chả nhẽ dân uống nước trừ bữa? Hàng chục hecta đất trồng tỏi, trồng hành lấy nước đâu để “nuôi” chúng?”. Ông Phương tặc lưỡi: “Thì … cũng phải đành chịu, chỉ sản xuất được mùa mưa thôi. An Bình này nó như thế mấy trăm năm rồi mà. Hễ khi đủ nước ngọt thì bão giông tơi bời, lương thực thực phẩm không mang ra đảo được, lại thiếu gạo; còn khi gạo mắm đủ đầy trong mùa khô hạn thì lại thiếu nước uống! Kiểu nào cũng “chết” .
 
Nhận nước “cấp cứu”. Ảnh: T.Đ
Nhận nước “cấp cứu”. Ảnh: T.Đ

Còn một “chiếc phao cứu sinh” cuối cùng cho đảo Bé, người cũng có nước uống mà cây tỏi, cây hành không không chết khát, đó là chuyển nước từ những chiếc hồ chứa trên các miệng núi lửa ở đảo Lớn sang. Nhưng hồ chứa nước với 1 triệu mét khối này mới khởi công cùng ngày với chuyến nước ngọt “cấp cứu” đảo Bé thì không biết đến bao giờ mới xong. Cũng hy vọng thế thôi chứ việc đưa nước ngọt sang đảo Bé bằng đường ống là điều không đơn giản chút nào. Và như vậy, trên 500 số phận của đảo Bé lại phải tiếp tục gồng mình trong nắng nóng mà không biết đến bao giờ ông trời mới đặt dấu chấm hết cho một mùa khô hạn tàn khốc nhất 40 năm qua./.

CÁC TIN KHÁC
.