Đảo khát từng ngày

10:07, 09/07/2010
.
Phóng sự của TRẦN ĐĂNG

(QNĐT) - Sau 5 tháng không một giọt mưa, tất cả các lu, ghè, bể chứa nước ngọt của người dân trên đảo Bé huyện Lý Sơn đều cạn kiệt. UBND xã An Bình buộc phải xuất “kho nước dự trữ” để cấp cho mỗi nhà 1,5 mét khối. Huyện Lý Sơn cũng phải xuất 40 triệu để mua nước ngọt “cấp cứu” đảo Bé. Tuy nhiên, trên 100 hộ dân của đảo vẫn khát nước từng ngày.
 

Kỳ I: An Bình nhưng lắm gian nan

Đảo Bé nguyên là một thôn của xã An Vĩnh huyện đảo Lý Sơn, cách đảo Lớn chừng 6km đường biển. Năm 2004, đảo Bé được tách ra thành một xã riêng. Từng thấm thía với sự khắc nghiệt đến dữ dằn của thiên nhiên nơi hòn đảo này suốt mấy trăm năm qua nên khi hay tin đảo Bé sắp trở thành đơn vị hành chính của một xã, tất cả trên 100 gia đình tại đây đều đồng lòng nhất trí lấy tên xã là An Bình. Họ muốn ký gửi vào đó tất cả tâm nguyện về một vùng đất bình an cho đời mình. Tuy nhiên, suốt 6 năm qua, dù mang tên An Bình nhưng người dân đảo Bé vẫn phải nếm trải lắm gian nan.
 
 
Một góc đảo bé. Ảnh: QNĐT
Một góc đảo bé. Ảnh: QNĐT

*Tiếp cận đảo Bé

Dù chỉ cách đảo Lớn chừng 30 phút thuyền máy, song không phải ai cũng có thể đặt chân lên đảo Bé được dễ dàng. Thứ nhất, đó không phải là điểm du lịch để du khách ra đó thưởng ngoạn. Điều này khiến tàu thuyền qua lại đảo Bé rất hiếm hoi, nếu muốn qua bên ấy thì phải thuê riêng một chiếc chứ không có tàu khách hàng ngày; thứ hai, chỉ cần một trục trặc nhỏ về chuyện đò giang hoặc thời tiết, coi như khách phải hủy cả chuyến đi.

Có người đến đảo Lý Sơn nhiều lần nhưng đảo Bé với họ chỉ là một khóm dừa xơ xác được nhìn từ đảo Lớn mà thôi. Vì vậy, được đặt chân đến đảo Bé, có thể coi như một cơ duyên vậy.

Và rồi “cơ duyên” ấy đã đến khi tôi tiếp nhận được thông tin từ ông Phan Đình Phương, chủ tịch UBND xã An Bình: “Ngày mai, mùng 5/7, chuyến nước ngọt “cấp cứu” đầu tiên từ đảo Lớn sẽ cập bến đảo Bé. Nếu anh muốn ra đó, phải có mặt tại cầu cảng Lý Sơn trước 8 giờ sáng để đi cùng chuyến tàu”.

Ông Phương chỉ thông báo ngắn gọn thế thôi rồi cúp máy dở chừng làm tôi chưng hửng. Sau này tôi mới biết, chuyện mang nước ngọt ra đảo Bé lúc này cũng giống như chữa cháy rừng trong đất liền vậy, không thể “dông dài” qua điện thoại được!

Hành trình “cấp cứu” nước ngọt cho đảo Bé là vậy, song để có mặt tại cầu cảng Lý Sơn trước 8 giờ sáng như yêu cầu của ông chủ tịch xã thì không thể được, vì chuyến tàu khách duy nhất trong ngày từ đất liền ra Lý Sơn, khởi hành tại cảng Sa Kỳ cũng 8 giờ sáng. Phải mất hơn một giờ sau mới đặt chân lên đảo Lý Sơn nên tôi chọn giải pháp “thuê tàu” để đuổi theo tàu “cấp cứu” nước ngọt.

Sở dĩ phải đuổi theo là vì, sợ ra trễ, tôi sẽ không ghi lại được cảnh người dân chen nhau múc nước ngọt ra can nhựa từ tàu “cấp cứu” để chuyển về nhà mình. Hóa ra cảnh đó là do tôi “tưởng tượng” thôi, chuyện chuyển nước ngọt ra đảo Bé bây giờ đơn giản hơn nhiều.
 
Các ghè chứa nước ngọt trên đảo Bé đã sạch nhẵn. Ảnh: T.Đ
Các ghè chứa nước ngọt trên đảo Bé đã sạch nhẵn. Ảnh: T.Đ

Nước ngọt được bơm từ một bể chứa sẵn lên tẹc có dung tích chừng 7 mét khối đặt trên tàu để chở ra đảo Bé. Máy bơm từ tàu chở nước ngọt này sẽ “đẩy” số nước trong tẹc đến từng hộ dân qua hệ thống ống dẫn nước dài hàng trăm mét. “Đơn giản vậy nhưng vấn đề phức tạp là ở chỗ, nếu tiếp tục nắng nóng thế này, cứ 10 ngày “cấp cứu” một đợt bằng 40 triệu tiền nước, chắc phải chuyển dời dân đi nơi khác thôi anh”. Ông chủ tịch xã An Bình chợt thở dài.

Đặt chân lên đảo Bé vào lúc giữa trưa, cảm giác bỏng rát như vây bủa khắp người. Tôi liếc nhìn chiếc hàn thử biểu đặt trong phòng khách của ủy ban xã và chợt rùng mình khi thấy hiện lên con số 41 độ C! Tiếp cận đảo Bé trong điều kiện thời tiết như thế, quán xá lại không có, hai chai nước khoáng tôi mang dự phòng đã sạch nhẵn tự bao giờ.

Ông chủ tịch xã nhìn tôi ái ngại: “Đi một lần cho biết đảo Bé thôi nhà báo nhé?”. Nghe ông Phương khuyên thế, tôi không biết nên cười hay nên mếu nữa. Chợt nghe loáng thoáng tiếng những người đàn bà í ới gọi “tiếp nước”, tôi như được tiếp thêm sức chịu đựng, vì nghĩ rằng, chỉ một buổi trưa, dù là 41 độ đi chăng nữa thì cũng chẳng bõ bèn gì so với cả nghìn nghìn buổi trưa như thế mà người dân hòn đảo này đã phải gồng gánh suốt mấy trăm năm qua.
 
* Đảo nhiều cái “không”

Anh Phan Văn Lâm, nhân viên của văn phòng UBND xã An Bình ngồi bấm đốt ngón tay để đếm xem trên đảo Bé này có bao nhiêu cái “không”. Loáng một cái, đã nghe anh nói: “Hết ngón tay để đếm “không” rồi anh ơi”. Nào là “không điện, không đường, không chợ, không gia súc gia cầm, không rau đậu, không nước ngọt…”.

Trong những cái “không” ấy thì chỉ một cái mang lại cho dân đảo Bé sự bình yên, đó là “không trộm cắp”, tất cả những cái “không” còn lại đều hiển hiện hoặc tiềm ẩn những khốc liệt mà người dân ở đây phải đối mặt mỗi ngày, trong đó, nước ngọt vẫn là câu chuyện luôn luôn thời sự, nhất là trong những ngày đỉnh hạn này.

Đảo Bé không nước ngọt, điều đó cắt nghĩa vì sao suốt mấy trăm năm lập nghiệp mà dân số của hòn đảo có diện tích gần 70 ngàn mét vuông này chỉ có 110 gia đình, với khoảng 500 người dân bám trụ mà thôi. Trong khi đó, dân số đảo Lớn đã vọt lên trên 20 ngàn người!

Theo lời kể của cụ bà Trần Thị Huê thì từ gần 200 năm trước, có 4 người ở đảo Lớn ra đây khai khẩn đất hoang, giờ thành 4 tộc họ lớn của đảo Bé. Trước đó, hẳn đã có nhiều chuyến “thám hiểm” của dân đảo Lớn đặt chân lên đây, song sự khắc nghiệt của hòn đảo đã không cho phép họ định cư lâu dài. Có lẽ do sức ép của dân số trên đảo Lớn ngày một tăng nên một số người đã “xăm mình” ra đảo Bé định cư, bất chấp những hiểm nguy luôn rình rập họ. Người dân trên đảo Bé hiện nay đã lập một miếu thờ để thờ 4 vị tiền hiền này.
 
Bà Trần Thị Huê đi “mót” những giọt nước cuối cùng trong bể chứa. Ảnh: T.Đ
Bà Trần Thị Huê đi “mót” những giọt nước cuối cùng trong bể chứa.
Ảnh: T.Đ

Cụ Huê nói rằng, trong lời khấn của dân làng mỗi dịp giỗ các tộc họ, người ta không quên kèm theo lời ước nguyện là mong ông bà phù hộ để con cháu trên đảo tìm ra nước ngọt. Nhưng lời nguyện ước ấy vĩnh viễn không bao giờ trở thành hiện thực suốt hàng trăm năm qua.

Chưa tính đến những cuộc thăm dò của tổ tiên trước đây, chỉ tính riêng từ ngày tách xã đến nay, ngân sách đã bỏ ra 50 triệu đồng để thuê nhiều đoàn địa chất khoan thăm dò, tìm nguồn nước ngọt trên đảo nhưng cuối cùng cũng chỉ là con số không tròn trĩnh.

Một số nhà địa chất đã kết luận rằng, giờ có xăm nát đảo Bé thì cũng không tìm ra nguồn nước ngọt vì ở đây không có mạch nước ngầm. Lý giải vì sao cũng cùng là đảo, song đảo Lớn thì nguồn nước ngọt khá dồi dào nhưng đảo Bé thì lại không, ông Phương dẫn lại lời của các nhà thăm dò địa chất: “Đảo Bé là một phần của đảo Lớn được “nứt” ra sau một cơn địa chấn từ thuở khai thiên lập địa. Quan sát kỹ phần phía tây của đảo Lớn có hình thù hao hao như phần phía đông của đảo Bé. Nếu “chắp nối” hai hòn đảo này lại thì sẽ rất “khớp”. Chính đảo Bé được “vỡ ra” từ đảo Lớn nên trong lòng của nó bị rỗng, bao nhiêu nước mưa đổ xuống đều trôi tuột ra biển, không đọng lại giọt nào. Vì vậy, việc tìm nguồn nước ngọt tại chỗ cho đảo Bé nên chấm dứt từ bây giờ, thay vào đó là tìm các giải pháp khác khả thi hơn”.

Năm nay, cơn đại hạn kể từ 40 năm qua đang trùm lên đảo Bé khiến hòn đảo lắm cái “không” này có thêm một số cái “không” nữa: Không trồng hành-tỏi được, không chăn nuôi, thậm chí không tắm gội nữa! Và chắc chắn sẽ có thêm một cái có, đó là thiếu đói. Đảo Bé với nhiều cái “không” kia rồi sẽ thành “có” trong tương lai gần, nhưng nước ngọt mãi mãi vẫn là “không”, nếu các giải pháp mang tính phủi nóng như lâu nay vẫn tiếp tục được duy trì cho hòn đảo này./.

CÁC TIN KHÁC
.