Gieo chữ và giữ rừng

09:06, 03/06/2010
.

Ở xã Trà Trung, huyện vùng cao Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi có một ngôi làng đặc biệt mang tên làng Xanh. Chịu tiếng là "làng", nhưng chỉ vỏn vẹn có 7 gia đình người Cor với 31 nhân khẩu. Nó đặc biệt không phải vì dân số của làng quá ít, mà ở chỗ, chỉ ngần ấy gia đình, nhưng đã cai quản trên 100 hécta rừng nguyên sinh với đầy đủ các loại gỗ quý.
 
Hai lớp, 5 học sinh và cô giáo ở Làng Xanh.
Hai lớp, 5 học sinh và cô giáo ở Làng Xanh.
Đặc biệt nữa là, ở đó đang tồn tại một lớp học kỳ lạ, chưa từng có trong hệ thống giáo dục nước nhà: 5 học sinh nhưng là hai lớp, học chung trong một phòng với một cô giáo.
 
Để phá vỡ thế cô lập vào mỗi mùa mưa lũ, tuyến đường Di Lăng - Trà Trung, nối hai huyện miền núi Sơn Hà với Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi được hình thành và thông tuyến từ 2 năm nay. Đường vừa thông tuyến thì cũng là lúc huyện Sơn Hà kịp nhận ra rằng, rừng Nước Nia - khu rừng nguyên sinh duy nhất của huyện vùng cao này mà tuyến đường xuyên qua - đã “cơ bản được xóa sổ”.
 
Ông trùm lâm tặc Đinh Du Chiên và hơn một chục thuộc hạ đã phải đi “bóc lịch” từ hơn một năm nay, song sự tan hoang của rừng Nước Nia thì không biết đến bao giờ mới xanh lại được. Cách Nước Nia chỉ một thôi đường, làng Xanh thuộc huyện Tây Trà hiện ra với những cây lim, cây gõ hàng trăm năm tuổi như một thách thức mọi sự liều lĩnh của đám “giặc rừng”. Sở dĩ rừng ở đây vẫn còn nguyên vẹn là vì “dân giữ” chứ không phải “quan giữ”.
 
Mất một cây
 
Già làng Hồ Văn Ba dẫn tôi đi xuyên rừng, ngược lên đầu nguồn con suối Nước Trút để tận mắt xem đầu mối của cái công trình thủy lợi có một không hai của làng. Mới đây, Ban Quản lý dự án huyện Tây Trà đã tổ chức nghiệm thu và bàn giao công trình thủy lợi Nước Trút cho làng sử dụng. Công trình có số vốn hơn nửa tỉ, theo thiết kế thì nó sẽ tưới cho 4 hécta lúa nước của làng Xanh.
 
Thế nhưng, tìm mãi chẳng thấy “ruộng thiết kế” đâu cả mà chỉ thấy khoảng 10 cây mít ở cuối nguồn nước, dù đang mùa khô hạn nhưng vẫn xanh tươi. Thì ra, người ta đã bỏ ra ngần ấy tiền chỉ để tưới cho... 10 cây mít chứ không phải tưới cho ruộng lúa.
 
Nhưng điều mà già làng Ba ấm ức không chỉ là chuyện “tưới nước cho mít”, mà là đội thi công công trình thủy lợi Nước Trút đã chặt của làng ông mất một cây gõ. Già Ba nói rằng, đã 70 năm sống ở làng này, đây là cây cổ thụ duy nhất bị triệt hạ một cách hợp pháp.
 
Chả là, bên thiết kế đã “vẽ” đường ống thế nào ấy mà xuyên qua đúng vào gốc cây gõ của làng! Nghe cán bộ nói công trình thủy lợi Nước Trút sẽ đem lại no ấm cho dân nên 7 hộ ở làng Xanh mới đồng ý để đội thi công triệt hạ cây gõ nọ.
 
Khốn thay, khi cây rừng ấy vừa ngã xuống thì cũng là lúc đường ống dẫn nước “chạy” một bên chứ không trúng gốc cây như tinh thần mà cán bộ đã quán triệt với làng trước đó. Dân làng Xanh chưa bao giờ thua lâm tặc, nhưng giờ đây họ đã phải chịu thua cho sự tráo trở được núp dưới danh nghĩa no cơm ấm áo. Có lẽ đó là cây rừng duy nhất ở làng Xanh buộc phải “chia tay” với những người dân luôn canh giữ nó suốt mấy chục năm nay.
 
Lệ làng nghiêm hơn phép nước
 
Tôi đã từng lội qua nhiều cánh rừng được gọi là “nguyên sinh” ở miền Trung, nhưng chưa từng thấy ở đâu như làng Xanh, rất nhiều cây lim, chu vi dưới gốc của nó cả chục mét vuông, thân cây to đến vài ba mét, cao cả trăm mét. Trên đường ngược lên đầu mối công trình thủy lợi Nước Trút, già làng Hồ Văn Ba đã “vỡ lòng” cho tôi tường tận về từng loại cây rừng ở đây.
 
Với vốn kiến thức a bờ cờ về các loại cây, tôi thật sự ù tai trước những hiểu biết rất chân tơ kẽ tóc về rừng của già Ba. Nhưng “ù tai” hơn là khi nghe đủ các loại âm thanh của chim muông nơi đây. Câu “đất lành chim đậu” rất chính xác ở khu rừng này. Nghe tiếng nói vẳng lên từ dưới suối, tôi hỏi già Ba có phải “lâm tặc” không?
 
Làng Xanh.
Làng Xanh.
Ông nói rằng thanh niên của làng đi lấy mật ong rừng đấy. Năm nay có thể có bão lớn nữa nên ong mật không làm tổ trên cao, mà toàn chui dưới gốc cây. Tôi lại được vỡ ra từ một kiến thức nữa về rừng của già Ba. Rồi chợt nghĩ, chỉ có thể giữ được rừng một khi anh phải hiểu và yêu quý nó như ông già này.
 
Làng Xanh có một quy định bất thành văn mà theo lời già Ba thì “lệ” ấy đã có từ thời ông nội của ông: Chỉ khai thác cây rừng nào chết, nếu săn được con vật nào đang mang thai thì phải thả ra. Ai vi phạm những điều ấy, sẽ bị làng phạt heo hoặc trâu, tùy theo mức độ vi phạm. Già Ba kể, khi lâm tặc bên huyện Sơn Hà phá xong rừng Nước Nia, chúng bắt đầu tiếp cận khu rừng của làng Xanh. Ông gọi đám thanh niên của làng vác rựa ra để nghênh chiến.

Vài cậu thanh niên của làng bàn lui rằng, người Hrê ở Sơn Hà có bùa nên nó sẽ “yểm” mình chết, tốt hơn hết là “rút quân”. Nghe thế, già Ba chém một nhát rựa vào thân cây, mắt vằn lên những tia máu: “Bùa ngải không thể núp trong người những đứa ăn cắp. Thằng nào rút lui, tao chém!”. Đám trai làng xanh mặt, răm rắp theo ông. Lâm tặc bên Sơn Hà thấy già Ba quyết liệt, chúng chạy có cờ! Giữ rừng như thế, kiểm-lâm-phép-nước phải học dài dài.
 
Tôi quan sát cột kèo cả 7 ngôi nhà của làng thì không thấy nhà nào có gỗ xịn cả. Và tôi tin “lệ làng” mà già Ba nói ấy là thật. Chỉ vào cây lim to nhất rừng, tôi “gạ” già Ba trước khi chia tay ông: “Chú bán cho cháu cây này, lấy dăm ba chục triệu, chia cho làng, có phải hay hơn giữ mãi nó không?”. Ông lắc đầu quầy quậy: “Không được đâu, bao nhiêu cũng không bán. Bán cây rừng này là có tội với ông bà mình đấy”.
 
Một cô - 5 trò - 2 lớp
 
Nếu như chuyện “giữ rừng” ở làng Xanh đáng để học tập bao nhiêu, thì việc “gieo chữ” ở đây buồn thảm bấy nhiêu. Do đặc thù của làng chỉ có 7 hộ dân nên số trẻ con quá ít. Không thể bỏ rơi các em, ngành giáo dục buộc phải xây ở đây một điểm trường. Bao năm rồi, điểm trường này cũng chỉ dạy tới lớp hai. Năm nay, lớp hai có 4 học sinh, lớp một chỉ có mỗi một em.
 
Cô giáo Nguyễn Thị Nga đã mười năm gắn với các lớp học giữa rừng, nhưng chưa thấy ở đâu mà việc học hành lại nhếch nhác như ở làng Xanh này. Cô nói: “Giáo viên không phải dạy vĩnh viễn ở đây, mà là thay phiên nhau. Đây là năm đầu tiên, tôi đến thôn Xanh này”.
 
Phòng học hơn 20 mét vuông, kê hai dãy bàn lem luốc, một tấm bảng chia làm hai ngăn. Ngăn bên trái dành cho lớp hai làm toán, ngăn bên phải cho lớp một tập viết.
 
Em Hồ Thị Hoàng - học sinh lớp một duy nhất này, dù đã gần hết năm học rồi mà vẫn chưa phân biệt được chữ ơ với chữ ô. Do làng sống biệt lập nên tất cả các cháu người Cor ở đây đều không nói được tiếng Kinh, còn cô giáo thì lại không biết tiếng Cor. Vì vậy, cô nói cô nghe, Cor nói Cor nghe thôi. Tất cả các em nhỏ ở làng Xanh này đều không qua lớp mẫu giáo.
 
Đã vậy, phần tập đọc của sách giáo khoa, lại đưa toàn những khái niệm lạ huơ lạ hoắc. Nào tàu vũ trụ, nào bãi tắm Sầm Sơn, rồi anh hùng rồi biển cả... toàn những từ mà các em chưa được nghe thấy bao giờ. Nhiều từ, các em phải đọc méo cả mồm, nhưng cô ra khỏi lớp là chữ cũng đi theo cô luôn! 
 
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Trung - thầy Nguyễn Trà nói: “Chúng tôi đã nghĩ nát óc mà vẫn chưa giải được “bài toán làng Xanh” này. Đưa dân về sống tập trung ở xã để các em có điều kiện theo học cho dễ thì phải bỏ rừng, mà giữ được rừng thì mất cái chữ”. Cũng theo thầy Nguyễn Trà, Nhà nước phải trả lương cho giáo viên đứng lớp làng Xanh là 6 triệu/tháng vì dạy hai lớp nên nhận 1 suất rưỡi lương! Thế nhưng, giáo viên nào đến “phiên” mình về làng Xanh cũng đều sởn gai ốc hết.
 
Nghe anh Trà nói thế, một bài toán xẹt ngang đầu tôi: Để một học sinh lớp một phân biệt được chữ ơ với chữ ô, bốn học sinh lớp hai làm được phép tính 2+2=4, mỗi năm học (9 tháng), Nhà nước phải tốn đến 54 triệu đồng, mỗi em “gánh” gần 11 triệu. Ai bảo “đầu tư cho giáo dục” ở Việt Nam là thấp nào? Nhưng để làng Xanh có đủ học sinh cho mỗi lớp, không lẽ lại khuyến khích dân Cor ở đây phải đẻ nhiều lên? Để giải bài toán giáo dục cho làng Xanh quả là quá khó.
 
Già làng Hồ Văn Ba gợi ý: Giá như Nhà nước làm một con đường nhựa về làng Xanh, xây cây cầu qua suối Trút thì cái chữ sẽ dễ dàng hơn để “ở lại” với trẻ em của làng. Rồi ông lại thở ra: “Không khéo làm đường tốt, lâm tặc lấy gỗ cho nhanh, làng càng chết!”.
 
Theo Lao động

CÁC TIN KHÁC
.