Trường học vùng "rốn lũ" xuống cấp: Học sinh phải chờ đến bao giờ?

01:11, 21/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đáng lẽ, việc đầu tư cơ sở vật chất cho các điểm trường tại các vùng “rốn lũ”- nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai phải được ưu tiên đặt lên hàng đầu, để đảm bảo an toàn cho học sinh. Nhưng trên thực tế, thầy và trò tại nhiều vùng "rốn lũ" trên địa bàn tỉnh lại đang phải dạy và học trong tình cảnh trường xuống cấp nghiêm trọng.

TIN LIÊN QUAN

Điểm qua một số địa phương có địa hình trũng, thấp, nằm dọc theo lưu vực các con sông lớn như Hành Phước (Nghĩa Hành), Tịnh An (TP.Quảng Ngãi), Bình Minh (Bình Sơn)... thì thấy một thực tế, thầy và trò tại đây đang phải dạy và học trong tình trạng trường lớp xuống cấp nghiêm trọng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự an toàn của thầy và trò, mà còn gây khó khăn cho nhà trường trong việc bảo quản hồ sơ, thiết bị giảng dạy trong mùa mưa bão. Thậm chí, nhiều điểm trường vì được xây dựng ở vùng đất trũng, nên dù chưa có mưa lớn xảy ra, cả sân trường cũng đều ngập trong biển nước.

Các điểm trường ở vùng trũng thường xuyên bị ngập nặng khi có mưa bão xảy ra. Trong ảnh: Điểm Trường Mầm non thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây trong đợt lũ lịch sử tháng 11.2013.
Các điểm trường ở vùng trũng thường xuyên bị ngập nặng khi có mưa bão xảy ra. Trong ảnh: Điểm Trường Mầm non thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây trong đợt lũ lịch sử tháng 11.2013.


Tại huyện Nghĩa Hành, một trong những huyện thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nhất khi có mưa bão, lũ lụt xảy ra, nhưng hiện cũng còn đến 3 điểm trường nằm ở các xã vùng trũng như Hành Phước, Hành Thịnh đang xuống cấp nghiêm trọng. Tại huyện Bình Sơn, xã Bình Trung và Bình Minh là hai địa phương nằm dọc theo lưu vực sông Trà Bồng, nên thường xuyên phải gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề do lũ lụt gây ra, nhưng cả hai địa phương này đều có các điểm trường đang bị xuống cấp.

Trong đợt lũ bất thường vào tháng 3 năm ngoái, dù chưa bước vào mùa mưa, nhưng mực nước đo được lúc 16 giờ ngày 27.3.2015 trên sông Vệ tại trạm An Chỉ (Hành Phước) là 7,77m, vượt xa mực nước đo được tại trạm Sông Vệ là 4,50m; sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc là 3,76m. Trong khi đó, dù là điểm trường nằm sát trạm An Chỉ, nhưng Trường TH số 1 Hành Phước lại là điểm trường xuống cấp nhất của huyện Nghĩa Hành.

Được xây dựng cách đây gần 40 năm, nên hầu hết các phòng học của trường đều đang xuống cấp, nhiều phòng, toàn bộ phần tường, nền, mái... đã hư hỏng nghiêm trọng. Đầu năm học vừa qua, trường đã phải đóng cửa 7 phòng học xuống cấp không còn khả năng sửa chữa được.

“Là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai nên vừa qua, cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường đã được phổ biến kiến thức, kinh nghiệm và phương pháp giúp các trường học nâng cao năng lực phòng, chống và giảm nhẹ rủi ro thảm họa; cung cấp các công cụ để trường học đánh giá tình trạng an toàn của mình, từ đó xây dựng được kế hoạch trường học an toàn hơn trước thiên tai và biến đổi khí hậụ.  Nhưng với cơ sở vật chất như thế này, rất khó để chúng tôi đảm bảo được an toàn trước thiên tai và biến đổi khí hậu”, ông Vũ Đình Khất - Hiệu trưởng Trường TH số 1 Hành Phước nói.

Thiết nghĩ, trước diễn biến thời tiết ngày một thất thường; việc đầu tư, kiên cố hóa trường lớp học tại các vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai là một việc làm cấp bách, cần được quan tâm.

Bài, ảnh: Ý THU
 


.