Mong ước của người dân vùng "rốn lũ"

07:12, 29/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Một tháng sau khi cơn lũ dữ tràn qua, cuộc sống của người dân vùng “rốn lũ” Nghĩa Hành đã dần ổn định. Nhưng với những hộ bị lũ cuốn nhà, xóa ruộng thì việc “an cư lạc nghiệp” với họ vẫn là nỗi lo lớn, bởi không phải ai cũng còn sức để gượng dậy...

TIN LIÊN QUAN

Mong một mái nhà

Mặc cho cái lạnh tê tái, rồi bệnh tật hành hạ, nhưng ông Nguyễn Thiên ở thôn Vạn Xuân 1, xã Hành Thiện vẫn chân không, tay trần, tất tả thồ cát, chở xi măng rồi xách hồ giúp thợ. Nhìn ông chân thấp chân cao, lê từng bước khó nhọc lên cái nền nhà vừa cao vừa quánh bùn mà ai cũng ái ngại. Đáp lại sự lo lắng ấy, ông Thiên kể rằng, lũ qua, ngôi nhà chỉ còn là đống gạch vụn. Gia đình 3 người vì thế phải tạm tá túc trong ngôi nhà của mẹ vợ có diện tích hơn 20m2, vừa chật chội lại bất tiện. Thế nên dù “trắng tay” sau lũ do lúa trôi, bò chết, ông Thiên vẫn cố gắng dựng lại căn nhà diện tích 50m2 để có chỗ tránh mưa trú nắng, rồi còn đón Tết. “Cũng may có các nhà hảo tâm người cho tôn, người cho tiền nên tui mua được ít sắt, đá. Còn vật liệu, công thợ thì… ghi nợ” - ông Thiên cho hay.    

 

Người dân chủ động vay mượn tiền dựng lại nhà sau lũ.  Ảnh: Nhà ông Nguyễn Chín ở thôn Vạn Xuân 1, xã HànhThiện (Nghĩa Hành) đang được xây dựng lại sau lũ.
Người dân chủ động vay mượn tiền dựng lại nhà sau lũ. Ảnh: Nhà ông Nguyễn Chín ở thôn Vạn Xuân 1, xã HànhThiện (Nghĩa Hành) đang được xây dựng lại sau lũ.


Cạnh đó, ngôi nhà có diện tích 68m2 của anh Nguyễn Chín cũng đang giai đoạn hoàn thành phần thô. Anh Chín bảo rằng, sau lũ, biết gia đình bị trôi nhà nên mọi người đã đến hỗ trợ, giúp đỡ tiền mặt và tôn trị giá 20 triệu đồng. Với số tiền ấy, cộng với nguồn vay mượn, anh Chín quyết tâm dựng nhà mới để vợ con có chỗ ra vào. Còn chuyện Nhà nước hỗ trợ sẽ tính sau. Bởi “có thì tốt, không thì mình làm lụng, chắt chiu trả nợ dần chứ cứ trông vào Nhà nước rồi mình đi ở nhờ hoài sao” - anh Chín lý giải.

Tuy nhiên, không phải ai cũng “liều” như ông Thiên, anh Chín. Vì sau lũ, những hộ có nhà bị sập, xiêu vẹo gần như trắng tay. Nên dù mong một mái nhà vững chãi, cứng cáp, họ cũng không biết bắt đầu từ đâu, đành trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đơn cử như hộ bà Nguyễn Thị Nhân ở thôn Khánh Giang, xã Hành Tín Đông. Sau khi căn nhà ở vùng hạ du Suối Chí bị nước đánh sập, xã lập tức bố trí đất ở khu tái định cư Khánh Giang giúp bà an cư. Nhưng hiện giờ, bà Nhân vẫn phải ở tạm nhà người cháu bởi: “Bây giờ, tui biết tìm đâu ra 30 - 40 triệu để làm nhà”.

Không riêng bà Nhân, mà chuyện “không có tiền” là nỗi lo chung của những hộ mất nhà sau lũ. Thế nên hiện giờ, mong mỏi lớn nhất của họ chính là sớm có được số tiền hỗ trợ của tỉnh để có thể xây nhà mới, sửa nhà cũ, kịp đón Tết Nguyên đán sắp tới.

Ước “ruộng bằng, nước sạch”

Trong khi nông dân các địa phương đang hối hả chuẩn bị vụ mới thì bà con xóm Ruộng Vỡ (Hành Tín Đông) lại thẫn thờ nhìn ruộng phủ đầy đất, cát và đá. Dù gần tháng qua, ai cũng quần quật nhặt đá, xúc cát, nạo đất nhưng càng dọn, họ càng nản. Lý do, không chỉ bồi lấp ruộng mà lũ còn xóa luôn kênh mương và vùi sâu đập Hố Đá - nơi cung cấp nước tưới cho 1,7 ha lúa của xóm Ruộng Vỡ. Ấy nên dù cần mẫn dọn đá trên 1 ha đất lúa, bà con nơi đây cũng chẳng hy vọng gì vào việc xuống giống vụ này.

Cùng với Ruộng Vỡ, 58 ha đất lúa của 350 hộ ở các thôn Phú Thọ, Trũng Kè 1, Trũng Kè 2 và Phú Khương, xã Hành Tín Tây cũng ngậm ngùi đợi xuống giống... vụ hè thu năm sau vì mặt ruộng bị lớp đất sét phủ dày hơn 1m. Dù chính quyền huyện Nghĩa Hành và UBND xã Hành Tín Tây đã huy động hàng chục nghìn ngày công lao động công ích tham gia khuân đá, dọn đất nhằm trả lại mặt ruộng sạch cho diện tích trên, nhưng vô ích. Ruộng vẫn đầy đá. “Giờ chỉ còn cách dùng máy múc đất. Nếu không, vụ hè thu sang năm chưa chắc dân đã có đất sạ” - Chủ tịch UBND xã Hành Tín Tây Nguyễn Minh Tâm lo lắng.

Tuy nhiên, theo người dân vùng “rốn lũ” thì điều quan ngại nhất hiện giờ chính là vấn đề nước sạch. Bởi sau lũ, toàn bộ các công trình nước sạch đã bị hư hỏng hoàn toàn. Cả ống lẫn bể lọc không đứt, gãy cũng chìm trong đất, đá. Thế nên muốn có nước, hơn 200 hộ dân của hai xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây phải lên suối hoặc gắn ống dẫn nước, lấy nước về chứa trong xô, để lắng dùng dần. Cách làm này theo ông Phạm Diệp, ngụ xóm Ruộng Vỡ là “bất đắc dĩ”. Vì bà con ở đây ai cũng biết, nước suối bây giờ ngoài rác, phân, xác động vật chết, còn có thuốc diệt cỏ mà người dân phun ở đầu nguồn nên rất dễ mắc bệnh. Chẳng thế mà hiện giờ, người dân lẫn chính quyền vùng “rốn lũ” khẩn thiết mong muốn cấp trên sửa chữa khẩn cấp các công trình nước sạch, giúp họ yên tâm trong sinh hoạt cũng như ăn, uống.   


Bài, ảnh: MỸ HOA  
 


.