Quản lý dạy thêm, học thêm: Đừng "đánh trống bỏ dùi"

01:10, 12/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ba năm qua, ngành giáo dục Quảng Ngãi cùng chính quyền các cấp đã tăng cường phổ biến, thực hiện Thông tư số 17/2012/TT – BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm (DTHT). Tuy vậy, tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn còn phổ biến; đây đó vẫn có phụ huynh, học sinh "ca cẩm" vì sợ con em mình học lực thua bạn bè, sợ bị thầy cô giáo “quay”, nên phải đi học thêm...

TIN LIÊN QUAN

Tăng cường quản lý DTHT

Kể từ khi Thông tư 17 có hiệu lực, cứ vào năm học mới, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi luôn yêu cầu thủ trưởng các cơ quan quản lý, Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, hiệu trưởng các trường THPT trong tỉnh phải chấp hành nghiêm về quy định này. Vì thế, nhiều Phòng GD & ĐT đã tổ chức cho các trường ký cam kết không để giáo viên dạy thêm khi chưa được cấp phép. Các trường cũng tổ chức cho giáo viên ở các bộ môn cơ bản như: Toán,  Vật Lý, Hóa, Văn và tiếng Anh viết cam kết không được dạy thêm sai quy định.

Học thêm là nhu cầu có thật của một bộ phận học sinh, nhưng cần quản lý đúng quy định.Ảnh: ÁI KIỀU
Học thêm là nhu cầu có thật của một bộ phận học sinh, nhưng cần quản lý đúng quy định.Ảnh: ÁI KIỀU


Theo lãnh đạo Trường THPT Lê Trung Đình, ngay từ đầu năm học trường cũng đã quán triệt Thông tư 17 đến đội ngũ giáo viên. Nhà trường buộc giáo viên viết cam kết DTHT theo đúng quy định, nếu trường hợp nào vi phạm thì sẽ bị xử lý, tùy theo mức độ. Còn lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP. Quảng Ngãi thì cho biết: Trong năm học 2015-2016, Phòng tiếp tục triển khai đến hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS về nội dung Thông tư số 17 của Bộ GD & ĐT, Quyết định 51 của UBND tỉnh. Hiện Phòng đang xem xét hồ sơ xin cấp phép DTHT theo quy định.
 

Đi học thêm là nhằm để bồi dưỡng nâng cao kiến thức ở môn học nào đó hoặc bổ khuyết trình độ mà môn học mình yếu kém, nhưng ở nhiều cơ sở học thêm, giáo viên chỉ dạy trước bài học ở trường mà không chú trọng đến phần luyện tập, nâng cao nên sau những buổi học thêm các em cũng chẳng khá hơn.

Để chấn chỉnh tình trạng DTHT, Sở GD&ĐT đã lập Đoàn thanh tra hoặc chỉ đạo cho các phòng giáo dục tiến hành kiểm tra các trường, tổ chức, cá nhân mở lớp DTHT. Qua đó, đã phát hiện nhiều trường hợp DTHT sai quy định và tiến hành xử lý. Nhờ vậy, trình trạng DTHT tràn lan đã được kiểm soát một phần. Một số trường như Trường THPT chuyên Lê Khiết, THPT Trần Quốc Tuấn, Lê Trung Đình (TP. Quảng Ngãi)... ngoài giờ học chính khóa đã triển khai dạy phụ đạo các môn thi tốt nghiệp Toán, Văn, Anh cho khối 12 và dạy các môn thi để học sinh đạt kết quả tốt hơn trong kỳ thi tốt nghiệp, xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học năm 2016.

...nhưng vẫn còn nhiều bất cập

Một thực tế diễn ra lâu nay trên địa bàn TP. Quảng Ngãi và trung tâm các huyện lỵ đồng bằng trong tỉnh là, sau khi tan trường một bộ phận không nhỏ học sinh THPT, THCS vội vàng đến các điểm học thêm. Thậm chí, có nhiều em sau giờ học trên lớp còn học kèm vài ba “sô” trong ngày.

Nhiều trường  trong tỉnh khi đến kỳ thi, thường tăng cường dạy phụ đạo, dạy thêm cho học sinh để bổ sung kiến thức.
Nhiều trường trong tỉnh khi đến kỳ thi, thường tăng cường dạy phụ đạo, dạy thêm cho học sinh để bổ sung kiến thức.


Theo quy định của Thông tư số 17, phòng DTHT phải đảm bảo diện tích trung bình từ 1,10m2/học sinh trở lên; được thông gió và đủ độ chiếu sáng tự nhiên hoặc nhân tạo; đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh, phòng bệnh. Tuy vậy, trong thực tế, nhiều điểm DTHT cơ sở vật chất chưa đảm bảo.

Hiện nay, học sinh tìm đến các điểm DTHT với “tư thế” khác nhau. Có em thì học thêm là nhu cầu thật sự, bởi môn học trên lớp còn yếu nên để vượt qua các kỳ thi cần phải học thêm. Tuy vậy, vẫn có trường hợp đi học theo phong trào, thấy bạn đi các em cũng đi, hoặc đi học thêm nhằm để tránh sự “truy bài” của giáo viên trên lớp. Mức học phí thì tùy thuộc vào từng môn, từng thầy. Một phụ huynh ở TP. Quảng Ngãi, bộc bạch: “Nhà chỉ còn đứa con gái út đang theo học lớp 9 mà chi phí tốn quá, nhất là tiền học thêm. Một kỳ học tốn đến 3 triệu đồng cho 3 môn học Toán, Vật lý, tiếng Anh. Hằng ngày, tôi bán hàng rong chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng, nhiều lúc muốn cho con nghỉ học thêm để tự học ở nhà, nhưng thấy con mình buồn nên đành phải ráng".   

Phải thừa nhận rằng, DTHT là nhu cầu có thật của học sinh và giáo viên. Nhưng DTHT như thế nào để nâng cao trình độ, để bổ sung những kiến thức chưa lĩnh hội tốt trên lớp là vấn đề đặt ra đối với học sinh, phụ huynh và giáo viên vẫn chưa được ngành giáo dục, phụ huynh và học sinh quan tâm đúng mức. Để giải bài toán này, Sở GD & ĐT, Phòng Giáo dục và các trường cần phải  nhanh chóng tổ chức cấp phép cho các cơ sở dạy thêm đủ điều kiện; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở DTHT sai quy định. Đối với trường hợp giáo viên có dư luận về việc "ép" học sinh đi học thêm thì cần phải kiểm tra, xử lý nghiêm, công khai trên công luận để nhân dân biết, giám sát. Có như vậy, việc DTHT mới đi vào nền nếp.  
 

*Ông Nguyễn Ngọc Tựu – Chánh Văn phòng Sở GD & ĐT Quảng Ngãi:
Quan điểm của Sở là không cấm vấn đề DTHT, nhưng hoạt động DTHT phải đảm bảo theo đúng tinh thần Thông tư số 17 của Bộ GD&ĐT. Để các Phòng GD & ĐT, các trường trong tỉnh thực hiện nghiêm thông tư, bên cạnh việc triển khai các văn bản liên quan đến vấn đề DTHT ngay từ đầu năm, hiện nay Sở cũng đã thành lập Đoàn kiểm tra, thanh tra một số điểm DTHT mà dư luận bức xúc. Bước đầu là nhắc nhở, vi phạm nhiều lần sẽ xử lý theo quy định của Thông tư.

*Trưởng Phòng GD & ĐT huyện Tư Nghĩa Đinh Hồng Mai:
Thực hiện Thông tư số 17, Phòng đã cấp phép cho 11/13 trường THCS, 13 cá nhân trên địa bàn huyện đủ điều kiện DTHT. Tuy nhiên, qua nhiều năm thực hiện, Thông tư bộc lộ một số hạn chế, như: Theo quy định đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập thì không được tổ chức dạy thêm. Nếu muốn dạy thêm phải đăng ký vào các tổ chức, trung tâm hoặc cá nhân được cấp phép đủ điều kiện DTHT. Từ quy định này đã nảy sinh thực tế như người được cấp phép DTHT lại có trình độ Toán học, nhưng tại nơi DTHT thì giáo viên dạy các môn Ngữ văn, hay tiếng Anh... là trái với quy định đã đăng ký nên chất lượng dạy và học ở nơi này khó mà đảm bảo được.

*Hiệu trưởng Trường THPT Lê Trung Đình Phan Thị Minh:
Trường THPT Lê Trung Đình có nhiều học sinh cá biệt, học sinh yếu. Những học sinh này thường không theo kịp chương trình giảng dạy trên lớp. Nhà trường đã có chủ trương dạy phụ đạo cho các em khối 12 để các em chuẩn bị thi tốt nghiệp. Ngoài ra, trường cũng đã cấp phép cho 8 giáo viên đủ điều kiện dạy thêm tại trường. Qua nhiều năm DTHT, chất lượng giáo dục được nâng cao, nhiều học sinh tiến bộ rõ rệt. Do vậy, DTHT là nhu cầu của xã hội. Ngành cần phải thống nhất quan điểm, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm quy định DTHT, chứ không thể cấm triệt để một bộ phận học sinh có nhu cầu học thêm.

*Tổ phó tổ ngữ Văn Trường THPT Trần Quốc Tuấn Huỳnh Ngọc Mỹ
Quan điểm dạy thêm của mình là vừa ôn kiến thức, vừa rèn luyện kỹ năng (chứ không thể dạy trước chương trình) để các em gặp dạng đề thi nào cũng có thể làm được. Với cách dạy này, trong nhiều năm qua, mình thấy có hiệu quả rõ rệt. Bởi nếu dạy thêm là dạy trước chương trình thì các em sẽ nhàm chán khi học trên lớp, vì các em phải học bài ấy hai lần. Dạy thêm là phải bổ khuyết cho học sinh yếu kém để nâng cao trình độ; đối với học sinh khá giỏi thì bổ trợ thêm kiến thức để đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc xét tuyển vào đại học. Do vậy, dạy thêm cần phải có phương pháp phù hợp thì mới đáp ứng nhu cầu của học sinh.


Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.