Giải quyết tình trạng dạy thêm-học thêm ở bậc tiểu học: Cần sự quyết tâm

08:11, 15/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, có rất nhiều văn bản từ cấp Bộ, tỉnh, phòng đến các trường về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với bậc tiểu học. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng dạy thêm-học thêm tràn lan này vẫn diễn ra khiến nhiều bậc phụ huynh bức xúc.

TIN LIÊN QUAN

Nghiêm túc ở nhà trường  

Bộ GD&ĐT vừa có Chỉ thị số 5105/CT-BGDĐT, ngày 3.11.2014 về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học nhằm thực hiện nghiêm túc Thông tư số 17 quy định về dạy thêm, học thêm và Thông tư số 30 quy định về đánh giá học sinh tiểu học. Theo đó, Sở GD&ĐT tỉnh đã có công văn chỉ đạo các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm Chỉ thị của Bộ GD&ĐT.

Cô Nguyễn Thị Thắng-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), cho biết: Ngay sau khi có công văn của Sở GD&ĐT, BGH nhà trường đã triển khai đến toàn thể giáo viên của nhà trường trong các cuộc họp hội đồng, họp chuyên môn. Trong Chỉ thị số 5105, Bộ GD&ĐT nêu rõ, đối với các trường và các lớp học 2 buổi/ngày, giáo viên có trách nhiệm hướng dẫn HS hoàn thành nội dung học tại lớp, nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho HS, khuyến khích tổ chức cho HS để sách vở, đồ dùng học tập tại lớp.

Dạy thêm, học thêm sẽ tạo áp lực không đáng có cho HS tiểu học. Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Chánh Lộ - TP.Quảng Ngãi (ảnh minh họa).
Dạy thêm, học thêm sẽ tạo áp lực không đáng có cho HS tiểu học. Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Chánh Lộ - TP.Quảng Ngãi (ảnh minh họa).


Đối với các trường và lớp dạy 1 buổi/ngày thì giáo viên chỉ được giao bài tập về nhà tối đa bằng số lượng bài tập của HS  học 2 buổi/ngày và không giao bài tập ngoài sách giáo khoa. Ngoài ra, Bộ cũng quy định rõ, nhà trường không được tổ chức thi HS giỏi đối với HS tiểu học, không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ. Không tổ chức khảo sát HS  đầu năm học cũng như không tổ chức thi tuyển HS  vào lớp 6.

Cô Trương Thị Thanh Hoan- Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm thì cho hay, nhà trường mới bước đầu tuyên truyền và giáo viên ký cam kết thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT. Trước đây,  trường  có kiểm tra đột xuất đối với một số giáo viên về việc dạy thêm. Qua kiểm tra cho thấy chủ yếu giáo viên rèn nét chữ và dạy năng khiếu cho HS chứ không dạy tri thức; đồng thời phòng dạy phải đảm bảo về không gian, ánh sáng.

Còn đó nỗi lo  

 Trong thời gian qua, ngành giáo dục đã có nhiều văn bản và giải pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, một số nơi vẫn còn tình trạng dạy thêm, học thêm đã gây áp lực với HS, tạo bức xúc trong xã hội và giảm uy tín của ngành giáo dục. Nguyên nhân một phần là do sự quản lý chưa chặt chẽ của ngành giáo dục, nhận thức của một bộ phận giáo viên, HS và các bậc phụ huynh chưa cao.

Chị H. có con học lớp 1 tại Trường Tiểu học Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) phản ánh: Tuy con chị mới học lớp 1, nhưng chị vẫn phải cho cháu học thêm dù không có nhu cầu. “Vì thấy các phụ huynh khác cho con đi học thêm nên chị không dám cho con ở nhà vì sợ con thua thiệt các bạn”, chị H. lý giải.

Còn chị N. có con học lớp 2 tại Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm thì cho biết: Hai vợ chồng chị đặt niềm tin rất nhiều vào cậu con trai nên ngoài giờ học trên trường, vợ chồng chị còn cho cháu học thêm ở nhà cô giáo những mong cháu có thể học thêm được nhiều kiến thức cho những năm học sau này. Cả tuần từ thứ 2 đến thứ 6 ngoài học buổi chiều trên trường, buổi sáng chị cho con học thêm ở nhà cô giáo chủ nhiệm các môn Toán và tiếng Việt.

Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm Trương Thị Thanh Hoan cho biết: Việc dạy thêm một phần là do nhu cầu của phụ huynh. Phụ huynh HS ở đây phần lớn là cán bộ công chức, đi làm cả ngày nên có nhu cầu gửi con cho giáo viên dạy chữ, dạy năng khiếu và cả kiến thức. Đến chiều tối phụ huynh mới đón con về.

Có phụ huynh đi làm về trễ nên buổi chiều còn nhờ giáo viên chở về nhà chăm sóc, dạy thêm. Bên cạnh đó, một số phụ huynh nhận thức chưa đúng nên có tính cạnh tranh không lành mạnh, chỉ nghĩ đến sự hãnh diện của gia đình dẫn đến việc ép trẻ học thêm, học kèm quá mức. Điều này đã làm ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Cô Nguyễn Thị Thắng- Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chánh Lộ thì khẳng định: Từ khi có Thông tư 17, trường không cấp giấy phép dạy thêm cho bất kỳ giáo viên nào. Việc phụ huynh có phản ánh, trường sẽ đi kiểm tra và nếu có sẽ có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Về phía Sở GD&ĐT, quan điểm của ngành là sẽ xử lý nghiêm đối với giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm-học thêm. Với những đổi mới trong nhận xét, đánh giá HS tiểu học theo chiều hướng tích cực, khuyến khích sẽ là một bước quan trọng giúp thay đổi nhận thức cho phụ huynh, HS và giảm áp lực điểm số. Hy vọng rằng, với sự quyết tâm của ngành giáo dục, tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan ở bậc tiểu học sẽ sớm được khắc phục.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.