Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho ngành y tế: Nơi phát huy, chỗ thiếu đồng bộ

01:07, 19/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, tranh thủ nguồn đầu tư của Trung ương, địa phương và các chương trình dự án, ngành y tế đã huy động hàng trăm tỷ đồng để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho các đơn vị y tế cơ sở, nhằm nâng cao hiệu quả công tác khám, chữa bệnh, đem lại niềm tin cho nhân dân. Tuy nhiên, hệ thống y tế cơ sở vẫn còn thiếu đồng bộ, dẫn đến người dân chưa tin tưởng, đặc biệt là nơi khám, chữa bệnh ban đầu (tuyến y tế xã).
 

TIN LIÊN QUAN


Hiện đại tuyến trên

Tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, nhiều thành tựu y khoa được áp dụng trong khám, điều trị được triển khai, như: Thay khớp háng bán phần và toàn phần; mổ nội soi khớp gối và hầu hết các phẫu thuật nội soi bụng, kỹ thuật cắt trĩ bằng phương pháp longo; cắt u gan bằng máy cắt đối cao tần (RFA)... Những bước tiến này đã dần tạo được niềm tin cho người dân trong tỉnh khi đến khám, điều trị bệnh. Thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Trâm, Khoa xét nghiệm, BVĐK tỉnh, cho biết, rất vui khi Bệnh viện được đầu tư hệ thống máy xét nghiệm sinh học thử định lượng AND đối với bệnh nhân viêm gan B, C, lao... vào đầu năm 2015. Hệ thống này đã đáp ứng tốt trong công tác xét nghiệm vi sinh nói chung.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Trâm giới thiệu về máy xét nghiệm thử định lượng hiện đại tại BVĐK tỉnh.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Trâm giới thiệu về máy xét nghiệm thử định lượng hiện đại tại BVĐK tỉnh.


Nếu trước đây, bệnh nhân đến bệnh viện chỉ xét nghiệm thông qua kết quả định tính, thì nay qua ứng dụng thiết bị hiện đại này, bệnh nhân xác định được thành phần số lượng từng chủng loại vi rút, cũng như kết quả sau điều trị. “Ứng dụng này cũng áp dụng xét nghiệm đối với cả bệnh nhân ung thư cổ tử cung, hạn chế được tình trạng bệnh nhân đi tuyến trên”, thạc sĩ Trâm cho biết. Còn tại Khoa gây mê- hồi sức, nhờ có máy cắt đốt u gan bằng sóng cao tần đã giúp công tác điều trị bệnh nhân ung thư tốt hơn, giảm tình trạng bệnh nhân phải đi tuyến trên, hạn chế chi phí điều trị cho bệnh nhân trong tỉnh. Các thiết bị hiện đại như, dao mổ siêu âm, máy lọc máu liên tục, định kỳ, máy C-ARM, X-quang kỹ thuật số, máy X-Quang cao tần, máy CT- Scanner 64 dãy, máy MRI, thiết bị mổ nội soi hệ ngoại sản và nội soi chẩn đoán, thiết bị mổ Phaco, siêu âm màu… cũng được đầu tư trong thời gian qua, giúp BVĐK tỉnh phần nào đáp ứng nhu cầu khám, điều trị, đem lại sự hài lòng, tin tưởng cho bệnh nhân.

Sở Y tế cũng đã tận dụng các nguồn lực đầu tư xây dựng Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh giai đoạn 1, quy mô 50 giường, với tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng. Đầu tháng 7.2014, BV chuyên khoa Sản- Nhi chính thức được khởi công xây dựng. Đây là bệnh viện có quy mô hiện đại, với thiết kế 300 giường bệnh, tổng mức đầu tư 497 tỷ đồng. Theo kế hoạch, năm 2017 bệnh viện sẽ chính thức đi vào hoạt động. Ngành y tế cũng đã tăng cường mở rộng Khoa thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh và nâng cấp, mở rộng BVĐK Mộ Đức, Đặng Thùy Trâm; tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, ưu tiên cho các huyện miền núi.  

BVĐK huyện Mộ Ðức cũng được đầu tư hệ thống máy chụp cắt lớp hiệu Bright Speed Elite Select 16 lát cắt, với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng vừa được lắp đặt trong năm 2015. Ðây là cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện đầu tiên của tỉnh cùng với BVĐK Đặng Thùy Trâm được trang bị hệ thống máy chụp cắt lớp. Trong vòng 5 năm qua, BVĐK Mộ Đức được đầu tư khoảng 70 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại.

 Cơ sở thiếu đồng bộ

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có  65% Trạm y tế xã đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế, từng bước mang lại hiệu quả trong công tác khám, điều trị ban đầu cho người dân. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều nơi chưa được đầu tư đồng bộ, không cân xứng, dẫn đến chưa phát huy hiệu quả. Một số nơi, cơ sở thì khang trang nhưng tỷ lệ người dân đến khám, điều trị không nhiều. Năm 2015 có thêm 10 trạm y tế xã được xây mới, nâng tổng số trạm Y tế xã đạt chuẩn lên gần 70%, song công suất sử dụng giường bệnh có tỉ lệ khá thấp. Điển hình là Trạm y tế thị trấn Chợ Chùa. Cơ sở này cách BVĐK huyện Nghĩa Hành chỉ hơn 1km, vừa được đầu tư khang trang, quy mô 2 tầng, gồm 12 phòng chức năng, với tổng kinh phí 5 tỷ đồng, đưa vào sử dụng đầu năm 2015, nhưng chỉ có những dụng cụ y tế sơ cứu thông thường. Được biết, trạm có chức năng chăm sóc sức khỏe cho gần 10 nghìn dân, nhưng mỗi tháng chỉ điều trị ngoại trú cho 200 bệnh nhân có BHYT và khám cho khoảng 400 lượt bệnh nhân. Trạm y tế xã Long Mai (Minh Long) cũng tương tự như vậy. Trạm xây dựng đưa vào hoạt động đầu năm 2015, nhưng đến nay chủ yếu chỉ thực hiện các chương trình tiêm chủng quốc gia. Còn khám, điều trị ban đầu theo phân cấp vẫn còn hạn chế.

Còn tại TP.Quảng Ngãi, hệ thống y tế cơ sở cũng tồn tại nhiều bất cập, có khoảng 50% cơ sở y tế xã, phường xuống cấp. Năm nay chỉ mới xây dựng được 3/9 cơ sở xuống cấp, với tổng kinh phí 12 tỷ đồng. Đối với Bệnh viện Đa khoa thành phố, từ khi thành phố được mở rộng địa giới hành chính thì lượng người đến khám và điều trị tăng gấp đôi, nhưng cơ sở vật chất chưa có nhiều thay đổi. Bệnh viện có gần 95 ngàn thẻ đăng ký khám BHYT. Lưu lượng bệnh nhân quá đông đã gây áp lực cho BV trong việc thu dung, điều trị.

Mạng lưới y tế cơ sở là tuyến y tế gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp nhất. Vì vậy, việc khắc phục các hạn chế, bất cập nêu trên sẽ góp phần tăng niềm tin của người dân vào hệ thống y tế cơ sở.

*Ông Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở Y tế
Thời gian qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều quan tâm đến ngành y tế trong quá trình đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Tuy nhiên, hệ thống y tế cơ sở đến nay vẫn chưa đồng bộ, nhất là cơ sở vật chất hệ dự phòng chưa đáp ứng yêu cầu. Một số trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh như HIV; sốt rét, nội tiết, giám định chưa có trụ sở riêng. Dù tỉnh có chủ trương bố trí quy hoạch diện tích đất với 9ha, nhưng vì thiếu kinh phí nên chưa triển khai xây dựng. Thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án, công trình đang đầu tư và từng bước nâng cấp, hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.

*Bác sĩ CKII Phạm Ngọc Lân- Giám đốc BVĐK tỉnh
Từ 2011 đến nay, Bệnh viện được quan tâm đầu tư lớn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân. Tính đến nay đã có hơn 80 tỷ đồng đầu tư vào bệnh viện. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện tại chỉ mới đáp ứng tương đối với bệnh viện hạng II. Để đưa BVĐK tỉnh nâng cấp lên hạng I theo kế hoạch đề ra trong năm 2015, thì cần kinh phí lớn hàng trăm tỷ đồng để hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị. Riêng về cơ sở hạ tầng bệnh viện sau 6 năm đưa vào sử dụng đã có nhiều bộ phận xuống cấp cần được tu sửa mới đáp ứng nhu cầu hiện tại.

*Bác sĩ CKII Lê Thị Bích Thu- Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP. Quảng Ngãi
Cơ sở vật chất xuống cấp cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh tại các trạm y tế, làm cho người dân ít tin tưởng. Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố mong muốn Sở Y tế tiếp tục đầu tư một số trạm y tế trong năm 2016. Mới đây, Thành ủy cũng đã cho chủ trương UBND thành phố chuẩn bị trình HĐND thành phố để thống nhất phương án phối hợp với Sở Y tế đầu tư xây dựng các trạm y tế theo phương án 50 - 50 trong giai đoạn 2016 – 2017.

*Y sĩ Nguyễn Thị Hoàng Yến- Trưởng trạm y tế thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành)
Trạm y tế thị trấn chưa có máy siêu âm, điện tim. Chính vì thiếu thiết bị chẩn đoán cận lâm sàng, nên nhiều trường hợp bệnh không đáng chuyển tuyến nhưng chúng tôi buộc phải chuyển. Hơn nữa, bác sĩ định biên không có, chỉ có bác sĩ tăng cường 2 ngày/ tuần khám chữa bệnh tại trạm. Cái khó của trạm nữa là chưa có cán bộ y học cổ truyền, nên khi bệnh nhân cao tuổi có nhu cầu châm cứu, điều trị thì không đáp ứng được. Chính vì vậy mà  người dân chưa “mặn mà” đăng kí khám chữa bệnh BHYT tại trạm.

*Bệnh nhân Đỗ Ngọc Vinh, xã Bình Long (Bình Sơn)
Tôi bị bệnh tim đã 11 năm nay, hiện tôi chuẩn bị cắt thùy phải bướu cổ. Bệnh tình của tôi thường xuyên điều trị nội trú tại BVĐK tỉnh. Nếu trước đây muốn chụp citi mạch vành tim tôi phải ra Huế, tốn kém rất nhiều kinh phí. Nhưng 2 năm nay BVĐK tỉnh có máy citi 64 lát cắt giúp nhiều bệnh nhân như tôi được chẩn đoán điều trị kịp thời. Mới đây tôi cũng được nội soi dạ dày với máy móc hiện đại. Chúng tôi rất hài lòng khi được điều trị tại đây với nhiều phương tiện kỹ thuật cao.                  

 

Bài, ảnh: KIM NGÂN

 


.