“Loạn” sách tham khảo

03:07, 14/07/2013
.

(QNg)-  Trên thị trường đang xuất hiện “cuộc chạy đua” sách tham khảo (STK) dành cho giáo viên, học sinh. Điều này dẫn đến tình trạng “loạn” STK. Từ chỗ phục vụ đắc lực cho việc dạy và học theo đúng nghĩa, nhiều STK đã trở nên “rẻ rúng” bởi sự xào xáo, rỗng tuếch về nội dung, thậm chí có những sai sót nguy hại.
 
Tìm mua sách tham khảo như vào “mê hồn trận”

Dạo quanh các nhà sách, siêu thị ở TP Quảng Ngãi, chúng tôi nhận thấy các kệ STK chiếm khoảng 2/3 diện tích sử dụng để kinh doanh buôn bán sách. Tại Nhà sách Trần Quốc Tuấn, đơn vị buôn bán sách học sinh lớn nhất ở Quảng Ngãi, nhiều phụ huynh, học sinh tỏ ra lúng túng khi chọn mua STK. Họ như lạc vào “mê hồn trận” STK.
 
Cùng một bộ môn, cùng một bậc học, thế nhưng có quá nhiều STK của nhiều tác giả và nhiều nhà xuất bản. Một phụ huynh đứng tần ngần ở kệ sách tham khảo dành cho học sinh lớp 6. Cầm trên tay nhiều STK môn Toán, lật qua lật lại các quyển sách, phụ huynh này lắc đầu nói: “Nhiều quá. Không biết đâu là sách đúng để chọn mua”. Không chỉ đối với lớp 6 và các lớp học lớn hơn, ngay cả đối với học sinh cấp 1, thậm chí chỉ mới lớp 1 sách tham khảo cũng tràn lan.  
 
Sách tham khảo đang dần chiếm lĩnh thị trường và trở thành nỗi lo lắng của phụ huynh và học sinh.
Sách tham khảo đang dần chiếm lĩnh thị trường và trở thành nỗi lo lắng của phụ huynh và học sinh.

Nhìn thoáng qua cũng đủ thấy “ngợp” trước “rừng” STK dành cho học sinh. Chỉ riêng đối với môn Toán lớp 6, sơ bộ có đến gần 10 đầu sách tham khảo của các tác giả, nhà xuất bản khác khau, như: Toán thông minh và phát triển (NXB ĐH Sư phạm); Bài tập nâng cao về một số chuyên đề toán 6 (NXB GDVN); Toán hình học và nâng cao 6 (NXB GDVN); Bước đầu tự học toán 6 (NXB ĐHQG TP HCM)…

Môn Ngữ văn dành cho ôn thi đại học có đến hơn 15 đầu sách với nhiều NXB như: Tuyển tập 36 đề ôn luyện thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ (NXB ĐH Sư phạm); Các dạng đề luyện thi ĐH môn Văn (NXB ĐHQG TPHCM); Chuẩn bị kiến thức ôn thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ môn Ngữ văn (NXB GDVN)… Em Lê Thị Thúy (lớp 11, Trường THPT Tư Nghĩa 1) sau cả tiếng đồng hồ đứng “nghiên cứu” STK ở nhà sách, cuối cùng đành ra về. Thúy chia sẻ: “Em như bị rối không biết chọn sách nào. Mỗi sách có cái hay riêng, nhưng cũng có nhiều sách viết na ná nhau. Em về hỏi thăm ý kiến thầy cô giáo rồi mua sau”.

“Cười ra nước mắt” chất lượng sách tham khảo       
 
Trái ngược với sự "nở rộ" về số lượng các đầu sách tham khảo là sự giảm sút về chất lượng. Đáng lẽ người mua phải vui trước sự phong phú của STK, song chất lượng của nhiều cuốn sách khiến mọi người “cười ra nước mắt”. Nói như một giáo viên có kinh nghiệm lâu năm trong giảng dạy thì nhiều tác giả, nhà xuất bản có tên tuổi vì lợi ích kinh tế đã bán giấy phép xuất bản cũng như bán uy tín của mình trong việc liên kết xuất bản STK. Có không ít nhà xuất bản “khoán” cho các nhà sách tư nhân về mặt nội dung bản thảo. Các nhà sách này thuê giáo viên viết sách. Không phải nhà sách nào cũng có đủ năng lực để thẩm định nội dung, theo đó chất lượng STK bị “tụt dốc”…  
   
Thầy giáo Nguyễn Tấn Huy (dạy Ngữ văn, Trường THPT chuyên Lê Khiết), “bậc thầy” trong dạy bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ văn ở Quảng Ngãi cho hay, có nhiều sách tham khảo mới lướt qua đã phải “vứt” vì chất lượng quá tệ. Nhiều sách lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Ngay như câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Kahlil Gibran (người Li Băng) do nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chuyển ngữ: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”, thế nhưng có sách lại cho đây là ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
 
Theo thầy giáo Nguyễn Tấn Huy thì STK hiện nay có nhiều sai sót ngớ ngẩn, nguy hại đến nhận thức của học sinh như có quá nhiều lỗi chính tả, nghĩa câu không rõ ràng, không ghi rõ nguồn gốc trích dẫn… Có tình trạng cùng một tác giả nhưng đứng tên nhiều đầu sách. Có 5-7 cuốn sách tham khảo ở cùng một bộ môn nhưng thực ra là sao chép từ một cuốn.

Một thầy giáo khác khi nghe chúng tôi hỏi về STK đã thở dài nói: “STK đang trong tình trạng nhiễu loạn. Sẽ rất có hại cho học sinh nếu không kịp thời chấn chỉnh”. Vị thầy giáo này dẫn chứng trong một cuốn sách tham khảo môn vật lý lớp 12 có ghi: “Hai ông bà Pierre Curie và Marie Curie lại tìm thêm được hai chất phóng xạ là Pô-lô-ni và rađi, trong đó rađi có tính phóng xạ mạnh hơn nhiều so với U-ra-ni và đến năm 1934, hai ông bà Curie tìm ra hiện tượng phóng xạ nhân tạo…”. Tuy nhiên, thực tế thì ông Pierre mất năm 1906 và bà Marie mất năm 1934 và hiện tượng phóng xạ nhân tạo do con rể, con gái của ông bà là Frédéric và Irene Joliot-Curie nghiên cứu phát hiện và nhận giải thưởng Nobel năm 1935.

Tầm quan trọng của sách tham khảo là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trước thực tế tràn lan sách tham khảo với sự “thiếu chuẩn mực”  của không ít STK hiện nay là điều đáng lo ngại.
 
Ông Trần Hữu Tháp-PGĐ Sở GD&ĐT: “Cần tăng cường công tác quản lý”

Đối với môn tiếng Anh bậc tiểu học, Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản cấm sử dụng một số loại sách tham khảo, chỉ sử dụng sách theo danh mục giới thiệu của Bộ nhằm đảm bảo tính chuẩn xác. Để có bộ sách tham khảo chất lượng cần phải tăng cường công tác quản lý  Nhà nước, nhất là khâu kiểm duyệt nội dung.

Thầy giáo Nguyễn Tấn Huy (Trường THPT chuyên Lê Khiết): “Dựa dẫm vào sách tham khảo dẫn đến thiếu tính sáng tạo”

Sách tham khảo giúp cho bài giảng của giáo viên phong phú, hấp dẫn. Đối với học sinh, ngoài kiến thức thầy cô giảng trên lớp thì nhiều em bù đắp thêm kiến thức thông qua sách tham khảo. Tuy nhiên, có nhiều nhận xét chủ quan của tác giả sai biệt so với chuẩn kiến thức. Có không ít học sinh quá dựa dẫm vào sách tham khảo dẫn đến thiếu tính sáng tạo, cứ nghĩ nội dung sách tham khảo đã chuẩn nên ngay cả Ngữ văn cũng học thuộc lòng. Học sinh cần được định hướng trong việc lựa chọn sách tham khảo để tránh lãng phí thời gian và tiền của.  

Chị Nguyễn Thị Ngọc Thảo (ở xã Bình Khương, huyện Bình Sơn): “Sách tham khảo nhiều gây “rối”

Thấy sách tham khảo nhiều quá tôi cũng rối bời, không biết mua sách của nhà xuất bản nào cho đứa con học lớp 4 và đứa học lớp 2. Người thì nói nên mua sách của nhà xuất bản giáo dục in tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, người thì nói mua sách của nhà xuất bản trẻ... Còn sách in tại các tỉnh Thanh Hóa, Đà Nẵng, Đồng Nai... không đáng tin cậy. Không thể đứng đây mà đọc, nghiên cứu hết được. Nhiều loại sách quá cũng khổ.

Em Vy Thị Thành (lớp 12, Trường THPT số 1 Sơn Tịnh): “Có khi còn dở hơn học sinh viết”

Em quyết định thi đại học khối A, nhưng mỗi môn có nhiều sách tham khảo quá mà tiền thì ít nên không mua nhiều được. Em với các bạn trong lớp đã hùn tiền mua mỗi môn vài quyển sách tham khảo rồi đem photocoppy. Riêng đối với sách tham khảo môn Văn, em thấy nhiều sách viết lãng xẹt. Cứ nghĩ đã là sách thì chắc hay nhưng có khi còn dở hơn học sinh giỏi văn viết.
 
 
Phương Lý - Lê Đức
 

.