Chế độ chính sách cho người nhiễm chất độc da cam: Nhiều người mòn mỏi chờ

03:01, 08/01/2012
.

(QNg)- Để phần nào làm dịu nỗi đau và cải thiện đời sống cho những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam (CĐDC), Đảng, Nhà nước đã ban hành các chủ trương để hỗ trợ đối với các đối tượng này. Chính sách đã có, nhưng khi triển khai thực hiện lại bộc lộ không ít bất cập, trong khi các thủ tục thì khá phiền hà, gây không ít khó khăn cho các đối tượng thụ hưởng.

TIN LIÊN QUAN


Ở Quảng Ngãi, hàng chục ngàn hộ gia đình phải gánh chịu nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần do CĐDC gây ra. Thế nhưng nhiều người vẫn mòn mỏi chờ!

Nhiều chính sách

Theo số liệu thống kê, Quảng Ngãi hiện có trên 20 ngàn người bị phơi nhiễm CĐDC. Các nạn nhân CĐDC thường mắc nhiều loại bệnh tật mãn tính khác nhau, phải điều trị dài hạn nên sức khỏe yếu, tuổi thọ giảm. Họ bị hạn chế trong sinh hoạt, lao động, học tập, khó có cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội, y tế, giáo dục... Bệnh tật đeo đẳng khiến các nạn nhân khó tìm kiếm việc làm, thu nhập thấp và phần lớn họ là những người nghèo, khổ nhất.

Gia đình ông Thái Văn Thành - thôn Phước Kỳ, xã Phổ Nhơn (Đức Phổ), hai con ông Thành được hưởng chế độ chính sách người nhiễm CĐDC nhưng ông Thành lại chưa được hưởng chế độ này.
Gia đình ông Thái Văn Thành - thôn Phước Kỳ, xã Phổ Nhơn (Đức Phổ), hai con ông Thành được hưởng chế độ chính sách người nhiễm CĐDC nhưng ông Thành lại chưa được hưởng chế độ này.


Để góp phần xoa dịu nỗi đau, tạo điều kiện cải thiện đời sống cho các nạn nhân CĐDC, tháng 2/2000, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Đến 29/6/2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (số 26/2005/PL- UBTVQH11) và Chính phủ đã có Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 quy định người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là người có công với cách mạng.

Tiếp đó, ngày 20/2/2008, Bộ Y tế có Quyết định 09 quy định 17 loại bệnh có liên quan đến phơi nhiễm CĐDC... theo những chính sách này, 4.495 đối tượng ở Quảng Ngãi được giám định, công nhận là nạn nhân CĐDC và được hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị định số 54/NĐ-CP. Trong khi đó, các đối tượng còn lại đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ nào. Hiện nay, tỉnh ta có trên 4.000 hồ sơ xin khám, giám định còn tồn đọng chưa được giải quyết, người thì đang được xem xét tiếp, người thì không đủ thủ tục giấy tờ...

Bất cập từ đâu?

Sở dĩ số đối tượng được hưởng các chế độ nêu trên còn ít so với thực tế là do những bất cập trong công tác giải quyết chế độ mà chính các nạn nhân và các cấp, ngành đang gặp phải, nhất là việc triển khai thực hiện các thủ tục giấy tờ rất phức tạp. Những người làm thủ tục trước hết phải có một trong những giấy tờ gồm giấy chứng nhận đi chiến trường, Huân chương Chiến sĩ giải phóng hoặc giấy tờ gốc chứng minh đã ở chiến trường.

Ngoài ra còn phải có và kê khai 6 loại giấy khác gồm: Tờ khai bản thân, biên bản họp xóm có đủ 5 chữ ký (xóm trưởng, chi hội cựu chiến binh, bí thư chi bộ, phụ nữ, bí thư chi đoàn), giấy ra viện, bản trích sao bệnh án... và mỗi người phải làm 4 bộ. Trong khi đó, những người đi làm chế độ đều ít am hiểu về thủ tục, giấy tờ, dẫn đến việc hồ sơ sai, thiếu, bị trả về rất nhiều.

Ngoài thủ tục khá "chặt chẽ", nguyên nhân nữa là đối tượng thụ hưởng còn thiếu... thông tin. Mặc dù mỗi lần bổ sung các điều kiện, cơ quan chức năng đều tập huấn, phổ biến nhưng mới chỉ dừng lại ở một số cán bộ thực thi, còn những nạn nhân bị nhiễm CĐDC thì đa số không hay biết gì về những thay đổi đó, dẫn đến việc nộp hồ sơ chậm (sau ngày 7/4/2009) nên không được xét duyệt hoặc không "trưng" đủ các thủ tục giấy tờ làm ảnh hưởng tới việc làm hồ sơ xét duyệt. Nhiều gia đình có người bị nhiễm CĐDC đều có chung một nỗi bức xúc khi làm hồ sơ, đó là việc triển khai các hướng dẫn cho dân chưa cụ thể, rõ ràng.

Thủ tục và quy trình xét duyệt hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi cho các nạn nhân hiện nay cũng còn nhiều tranh luận. Đã có chuyện con được hưởng chính sách nhưng cha thì không, chỉ vì cha không thu thập đủ giấy tờ, do thất lạc, đơn vị cũ đã giải tán hoặc đổi phiên hiệu không tìm lại được để xin chứng thực thời gian và địa điểm đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Rõ ràng là cần cách làm mới, thực tế hơn, để thể hiện rõ chính sách "Đền ơn đáp nghĩa" của Đảng, Nhà nước ta, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

 Ngoài ra, sau khi thực hiện Nghị định 54, Bộ LĐ-TB&XH đã cắt giảm 11.447 trường hợp ra khỏi danh sách hưởng chế độ, chỉ vì tiêu chí công nhận. Trong khi Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội qui định có ba tiêu chí công nhận là: Suy giảm khả năng lao động, sinh con dị dạng, dị tật và vô sinh thì Bộ đã gộp hai điều kiện đầu làm một (suy giảm sức khỏe lao động và sinh con dị dạng, dị tật là một điều kiện; vô sinh là điều kiện thứ hai), từ đó cắt giảm hơn 11.000 trường hợp nói trên (vì họ không sinh con dị dạng, dị tật), trong số này tỉnh ta có trên 500 trường hợp. Như vậy, tuy nhiều gia đình được hưởng chế độ ưu đãi hơn khi thực hiện Nghị định 54 nhưng cũng không ít trường hợp mất hy vọng được hưởng chế độ khi Nghị định này ra đời.

Ngày 23/5/2011, Bộ LĐ-TB&XH lại có Công văn số 1609 hướng dẫn xử lý vướng mắc khi tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ người bị nhiễm CĐDC, nhưng quy định trước mắt chỉ giải quyết đối với trường hợp bị bệnh hiểm nghèo, bệnh ung thư và trường hợp có bệnh án trước ngày ban hành Thông tư số 08/2009 ngày 7/4/2009 của Bộ LĐ-TB&XH, đồng thời chỉ tiếp nhận hồ sơ và giới thiệu tới Hội đồng giám định Y khoa giám định 17 bệnh, tật nằm trong danh mục của Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT... Hàng ngàn hồ sơ của tỉnh ta cũng bị tồn đọng lại không thể giải quyết khi Công văn này ra đời.
 Lời kết

Chia sẻ nỗi đau với các nạn nhân CĐDC, rất nhiều ban, ngành, tổ chức xã hội đã cùng chung tay quyên góp tiền ủng hộ các nạn nhân nhiễm CĐDC. Tiêu biểu như năm 2010, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin đã vận động được 1,5 tỷ đồng; năm 2011 trên 1,2 tỷ đồng từ các cơ quan, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trong và ngoài nước hỗ trợ cho nạn nhân vốn làm ăn, xây nhà… Năm 2011, thông qua các nguồn tài trợ Tỉnh hội và các Huyện hội đã xây dựng được 30 căn nhà cho nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn. Đây là điều đáng mừng song việc cần thiết ở đây là làm thế nào để người nhiễm CĐDC được hưởng các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước một cách thỏa đáng nhất, bền vững nhất chứ không phải chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.
 

* Ông Đinh Xuân Sâm - Phó Giám đốc Sở LĐ -TB&XH tỉnh: Hiện nay, vướng mắc lớn nhất trong việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người nhiễm CĐDC là việc Bộ LĐ-TB&XH có Công văn số 1609 tháng 5/2011 hướng dẫn xử lý vướng mắc khi tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ người bị nhiễm CĐDC. Nhưng quy định trước mắt chỉ giải quyết đối với trường hợp bị bệnh hiểm nghèo, bệnh ung thư và trường hợp có bệnh án trước ngày ban hành Thông tư số 08/2009 của Bộ LĐ-TB&XH (ngày 7/4/2009). Ngoài ra, chỉ tiếp nhận hồ sơ và giới thiệu tới Hội đồng giám định Y khoa giám định 17 bệnh, tật nằm trong danh mục của Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT. Điều này dẫn đến trên 4.000 hồ sơ của tỉnh ta bị tồn đọng lại, trong khi những đối tượng này lại đang rất khó khăn về nhiều mặt. Sở LĐ-TB&XH cũng đã có nhiều kiến nghị lên Bộ LĐ-TB&XH nhưng đến nay vẫn chưa được phản hồi.

* Ông Phan Thanh Long - Chủ tịch Hội NNCĐDC/DIOXIN: Từ tháng 5/2011 đến nay, theo Công văn số 1609 của Bộ LĐ-TB&XH quy định "Sau khi có ý kiến phê duyệt của Viện giám định y khoa, hội đồng mới chuyển biên bản giám định đến nơi giới thiệu đối tượng", tỉnh ta có đến trên 4.000 hồ sơ trong đó có hàng ngàn hồ sơ đã qua giám định và 180 hồ sơ đã được kết luận nhưng khi chuyển về trung ương để giám định lại thì chỉ có 2 người đạt. Sau đó, Bộ Y tế lại có Công văn số 4418/ BYT-KCB vào tháng 7/2011 trong đó có chỉnh sửa quy định "Viện giám định y khoa không phê duyệt biên bản giám định của hội đồng y khoa tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương" nữa. Tuy nhiên từ đó đến nay, Sở LĐ-TB&XH vẫn chưa triển khai thực hiện chế độ cho 180 người đã được giám định được hưởng chế độ.

* Ông Vũ Đức Hạnh - Chủ tịch Hội NNCĐDC/DIOXIN huyện Tư Nghĩa: Huyện Tư Nghĩa mới có 443 người được hưởng chế độ theo Nghị định 54 của Chính phủ. Trên địa bàn huyện có rất nhiều trường hợp là nạn nhân CĐDC nhưng chưa nhận được chế độ nào. Đơn cử xã Nghĩa Thắng có trên 500 người nhiễm CĐDC (nhiều nhất tỉnh) nhưng chỉ mới có 173 trường hợp được hưởng chế độ.  Hiện nay, huyện có 160 hồ sơ bị trả về do không đáp ứng các yêu cầu quy định như: bệnh không nằm trong danh mục bệnh của Bộ Y tế, hồ sơ lập sau ngày 7/4/2009 và chưa 80 tuổi (?!!) mà nếu chỉ cần thiếu một trong ba điều kiện trên thì hồ sơ không hợp lệ. Ngoài ra, hiện có 10 hồ sơ đã được giám định nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết chế độ chính sách.

* Ông Nguyễn Thiện Thực (68 tuổi), người dân thị trấn La Hà (Tư Nghĩa):
Tôi tham gia kháng chiến trong vùng bị rải CĐDC, sau này về được bệnh viện xác định bị nhiễm CĐDC, nhưng khi tôi lập hồ sơ để được hưởng chế độ chính sách dành cho người bị nhiễm CĐDC thì bị loại do bệnh của tôi không nằm trong danh mục bệnh của Bộ Y tế quy định. Trong quá trình làm hồ sơ tôi phải tự tìm hiểu chứ không được phổ biến một văn bản, quy định nào nên rất lúng túng. Mong muốn thời gian tới các văn bản quy định được đến tay người dân để người dân làm thủ tục được nhanh và dễ dàng hơn.

 

Xuân Hiếu
 


.