Giám sát chặt các bếp ăn trường học

10:03, 24/03/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Trước thông tin hàng trăm học sinh ở các trường phía bắc bị nhiễm sán lợn, nhiều phụ huynh ở Quảng Ngãi cũng rất lo lắng. Họ bắt đầu băn khoăn liệu bữa ăn bán trú ở trường của các con có đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm, TP.Quảng Ngãi có 600 học sinh từ lớp 1-4 theo học bán trú mỗi ngày. Điều này đồng nghĩa, trường phải thuê 13 cấp dưỡng phục vụ bữa ăn trưa đảm bảo ngay tại trường cho các em. Lo sức khỏe cho các em, trường đã hợp đồng với các đơn vị cung cấp thực phẩm, nguyên liệu tươi sống.
 
Cô Đoàn Thị Thúy Diễm- Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm cho hay: Tiểu học Nguyễn Nghiêm là trường có số học sinh bán trú đông nhất tỉnh. Khâu ăn uống, nghỉ ngơi của các em luôn được quan tâm hàng đầu. Nhà trường luôn sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, khâu tiếp nhận và chế biến thực phẩm một chiều. Các cấp dưỡng tham gia phục vụ ăn uống luôn mặc đồ bảo hộ, đeo găng tay theo đúng quy định.
 
Các cấp dưỡng chuẩn bị khẩu phần ăn cho các học sinh bán trú ở trường tiểu học Trần Hưng Đạo
Các cấp dưỡng chuẩn bị khẩu phần ăn cho các học sinh bán trú ở trường tiểu học Trần Hưng Đạo
 
Còn tại bếp ăn của trường tiểu học Trần Hưng Đạo, tất cả các khâu sơ chế, phân chia thức ăn luôn tuân thủ đúng quy định. Bà Trần Thị Bích Lâm- bếp trưởng của trường tiểu học Trần Hưng Đạo cho hay: Đảm bảo ATVSTP trong bữa ăn hằng ngày là điều quan trọng nhất. Chúng tôi luôn rửa tay sạch sẽ với xà phòng diệt khuẩn trước khi tiếp xúc với thực phẩm chuẩn bị bữa ăn cho các cháu.
 
Các bếp ăn trường học luôn đảm bảo đúng quy định là vậy, nhưng nhiều phụ huynh vẫn chưa thể yên tâm. Chị Nguyễn Thị T. có con gái đang theo học tại trường tiểu học Trần Hưng Đạo, TP.Quảng Ngãi mấy hôm nay đứng ngồi không yên khi có thông tin nhiều học sinh ở các tỉnh phía bắc bị nhiễm sán lợn từ những bữa ăn trường học. Ngày nào chị T. cũng hỏi xem con gái hôm nay ăn gì, các cô có cho ăn thịt heo không.
 
Thậm chí, vì quá lo lắng, chị T. cùng một số phụ huynh đã kiến nghị lên ban giám hiệu nhà trường, yêu cầu loại bỏ thịt heo ra khỏi thực đơn hàng ngày của các con. “Không lo sao được, bữa ăn buổi trưa của các con rất quan trọng. Nếu bếp ăn ở trường có vấn đề gì thì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ học sinh bán trú. Trong đó có con mình mà”- chị T. chia sẻ.
 
Kiểm tra quy trình chế biến bữa ăn bán trú tại trường tiểu học Nguyễn Nghiêm
Kiểm tra quy trình chế biến bữa ăn bán trú tại trường tiểu học Nguyễn Nghiêm
 
Còn chị Trần Thị Ánh L. cũng sốt vó rủ vài phụ huynh khác đi “mục sở thị” khâu nhận thực phẩm tươi sống và chế biến thức ăn của các con tại trường. Chị L. cũng nhất quyết yêu cầu nhà trường tạm thời không cho món thịt heo vào bữa ăn trong thời gian có bệnh sán lợn và dịch tả heo châu Phi đang hành hoành ở các tỉnh phía bắc.
 
Sau vụ học sinh nhiễm sán ở Bắc Ninh, Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi các sở GD-ĐT về việc tăng cường thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các bếp ăn bán trú, tăng cường tuyên truyền, giáo dục học sinh về an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, kiên quyết không sử dụng nguồn thực phẩm thiếu an toàn đưa vào trường học cho học sinh.
 
Sở Y tế Quảng Ngãi cũng đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra đi giám sát chặt các bếp ăn trường học. Tại các điểm kiểm tra, đoàn công tác kiểm tra nguồn gốc nhập thực phẩm với giấy tờ chứng minh kèm theo. Ngoài ra đoàn cũng giám sát khâu chế biến, bảo quản thức ăn có đúng quy định ATVSTP hay không. Thực hiện kiểm tra nhanh độ sạch sẽ, vệ sinh chén dĩa và lấy mẫu thực phẩm đưa đi xét nghiệm để lấy kết quả có nhiễm vi sinh có hại hay không.
 
Đoàn kiểm tra ATVSTP lấy mẫu thực phẩm để gửi đi xét nghiệm liệu có sự tồn tại của vi sinh có hại trong bữa ăn bán trú
Đoàn kiểm tra ATVSTP lấy mẫu thực phẩm để gửi đi xét nghiệm liệu có sự tồn tại của vi sinh có hại trong bữa ăn bán trú
 
Ông Nguyễn Huy Thao- Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Chúng tôi lập kế hoạch đi kiểm tra các bếp ăn trường học tại TP.Quảng Ngãi, Đức Phổ và Bình Sơn. Trước tình hình dịch tả heo châu Phi, dịch lở mồm long móng và tình trạng hàng trăm học sinh nhiễm sán lợn, dù Quảng Ngãi chưa phát hiện ca nào bất thường nhưng ngành chức năng cũng đề phòng, kiểm tra chặt chẽ hơn các bếp ăn trường học.
 
Ông Thao cũng khuyến cáo các phụ huynh phòng ngừa bệnh sán lợn ở người bằng cách giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. “Bệnh rất dễ đề phòng. Chỉ cần chúng ta đảm bảo ăn chín uống sôi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng đủ 6 bước theo quy định của Bộ Y tế trước và sau khi ăn hay đi vệ sinh. Với rau sống, hoa quả thì phải rửa bằng nước sạch nhiều lần, đề phòng ấu trùng sán lợn vẫn còn bám trong rau…”- ông Thao hướng dẫn.
 
Bài, ảnh: Khả Nhiên

 


.