Hàng rong trước cổng trường: Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm

04:09, 27/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tình trạng học sinh ăn quà vặt trước cổng trường diễn ra ở nhiều trường học. Bánh kẹo, bánh tráng trộn, nước uống nhiều màu sắc, trà sữa... bày bán tràn lan xung quanh khu vực trường học, nhưng ngành chức năng và chính quyền địa phương khó kiểm soát về chất lượng các món ăn, thức uống này.

TIN LIÊN QUAN

Dạo quanh một số trường học ở TP.Quảng Ngãi dễ dàng bắt gặp những quán hàng "di động”. Theo quan sát của phóng viên, dụng cụ hành nghề của các quán hàng rong khá đơn giản, gồm những chiếc mẹt, xô đá, cốc nhựa, hoặc xe đẩy nhỏ để dễ dàng tránh lực lượng chức năng.

Hàng rong được bày bán tràn lan trước cổng nhiều trường học.
Hàng rong được bày bán tràn lan trước cổng nhiều trường học.


Các loại nước ngọt có gas với hương vị cam, vải, nho... được học sinh ưa chuộng, bởi giá chỉ có 5.000-7.000 đồng/ly. Mặc dù các loại nước đều có thương hiệu, nhưng đa số người bán không đeo găng tay để chế biến đồ uống. Thậm chí, nhiều hàng quán còn vô tư bày bán đồ ăn gần nơi tập kết rác thải, rất mất vệ sinh.

Nhiều loại bánh kẹo, thạch rau câu, nước giải khát không có nguồn gốc rõ ràng cũng được bày lẫn với các loại thức ăn khác, giá cả cũng chênh lệnh so với bánh kẹo có thương hiệu... Khi được hỏi nhiều người bán hàng chỉ ậm ừ về nguồn gốc, xuất xứ các mặt hàng này.

Để hạn chế học sinh sử dụng hàng rong, hầu hết các trường học đều đóng cổng trường giờ ra chơi, không cho học sinh ra ngoài mua hàng rong; tuyên truyền cho các em về ATVSTP... Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) Trịnh Thị Thu Hồng cho biết: “Trong mỗi buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, Đội... thầy cô giáo đều tuyên truyền, không cho các em mua đồ ăn xung quanh trường.

Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp với phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở, không cho các em đem theo tiền khi đến trường, để hạn chế tình trạng các em mua thức ăn không đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, bên ngoài cổng trường không thuộc trách nhiệm quản lý của trường, nên chỉ có thể thực hiện biện pháp tuyên truyền”.

Việc quản lý, chấn chỉnh buôn bán hàng rong thuộc trách nhiệm của UBND phường, xã, thị trấn. Tuy nhiên các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý. Điển hình như tại TP.Quảng Ngãi dù đã tổ chức nhiều đợt ra quân lập lại trật tự vỉa hè, chấn chỉnh tình trạng buôn bán hàng rong, nhưng vì nhiều người bán hàng “di động”, nên việc kiểm tra chất lượng ATVSTP rất khó khăn. Việc dẹp bỏ chỉ mang tính chất tạm thời.

Để hạn chế tình trạng mất ATVSTP bày bán ở cổng trường, các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra và xử lý đối với người buôn bán hàng rong vi phạm các quy định. Nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho học sinh kiến thức về ATVSTP; đồng thời phối hợp với phụ huynh nhắc nhở học sinh không sử dụng thực phẩm hàng rong không đảm bảo ATVSTP.


Bài, ảnh: PV



 


.