Đừng lạm dụng rượu, bia

09:10, 10/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tại Hội thảo chia sẻ về thực trạng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam diễn ra cuối tháng 9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Ở Việt Nam có đến 77,3% nam giới sử dụng rượu, bia. Đây là con số tiêu thụ rượu bia cao nhất thế giới nếu tính riêng nam giới”.

Thật không có gì ngạc nhiên về chuyện ăn nhậu của đàn ông Việt Nam. Bởi đi đâu cũng thấy ăn nhậu, từ thành thị đến thôn quê, từ thanh niên cho đến người già, từ nghèo cho đến giàu. Cứ vào mỗi chiều, bước ra phố, hai bên vỉa hè được người ta tận dụng để mở quán nhậu, dù bị người bộ hành chỉ trích rất nhiều về việc lấn chiếm lòng lề đường.

Đã nhiều thập kỷ qua, men bia rượu là “người bạn” không thể thiếu đối với dân văn phòng, công chức. Bia bọt như “chiếc cầu nối” trong quan hệ kinh doanh. Rượu, bia cuốn giới trẻ vào các cuộc chơi vô độ trong nhà hàng, quán ăn, karaoke, vũ trường... Ban đầu, phụ nữ rất ít khi uống rượu, bia vì cơ địa, vì gia phong lễ giáo, trừ một số vùng miền có tập tục riêng. Nhưng dần dần, phụ nữ  cũng tham gia vào chuyện ăn nhậu cũng vì tính cộng đồng, tạo mối quan hệ, xã giao...

 

Nam giới sử dụng rượu bia ngày càng tăng ở Việt Nam.                                        ảnh: internet
Nam giới sử dụng rượu bia ngày càng tăng ở Việt Nam. ảnh: internet


 Sau nhiều cuộc họp quan trọng hay chỉ lấy lệ, người ta lại tổ chức một bữa tiệc thân mật. Tất nhiên ở đó đều có bia để sẵn. Muốn hợp đồng được ký trót lọt thì nhân viên được công ty giao nhiệm vụ quan trọng này phải biết uống bia để làm vui lòng đối tác.

Như hồi tôi mới ra trường, dù có người quen giới thiệu, hồ sơ rất OK nhưng tay trưởng phòng nhân sự vẫn thòng thêm một câu: "Chú mày có biết uống bia, rượu không?". Ông ta hỏi thế để biết mà sắp xếp cho tôi làm phòng ban nào.

Nhưng rõ ràng uống ít là một điều tệ hại, theo cách nghĩ của ông và cũng theo thời cuộc. Bởi hầu như trong cơ quan ai cũng uống từ 5 chai bia trở lên, dù đó là nam hay nữ. Lập trường nói không với bia, rượu sẽ lung lay, thậm chí là thay đổi vì những nhân viên nơi này khi mới vào làm.

Chẳng những dân văn phòng mà nhiều ngành nghề khác cũng phải uống bia, rượu. Cứ mỗi tuần, thợ hồ được ông thầu khao cho một chầu bia hoành tráng để bù lại bảy ngày cơ cực. Nhà nông, khi đến lúc nông nhàn, thường tự thưởng bia, rượu cho mình sau một thời gian dài bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Làm bồi bàn mà khách mời một hai ly không uống coi như quán ế...

Không thể phủ nhận dùng rượu, bia là cách để giải trí, giải tỏa căng thẳng đầu óc. Thỉnh thoảng uống một ly bia, một ly rượu sẽ tốt cho sức khỏe. Nhưng uống vô độ, vô lượng, không biết điểm dừng sẽ dẫn đến những hệ lụy đau lòng như gây ra tai nạn giao thông, đâm chém, ảnh hưởng đến sức khỏe, lãng phí tiền bạc...

Do thói quen lâu ngày nên ăn nhậu đã trở thành điều khó bỏ trong suy nghĩ và phong cách của người Việt. Nhiều người ngoại quốc qua Việt Nam làm ăn phải chào thua khi thấy chiều nào người Việt cũng lao vào quán xá để nhậu nhẹt. Dù khó bỏ nhưng không phải không nghỉ chơi với ma men được. Nhà nước cần ban hành các quy định cấm các cơ quan, địa phương tổ chức ăn nhậu sau các cuộc họp, nhất là không dùng tiền công quỹ sử dụng vào mục đích ăn nhậu.

 Thế hệ đi trước cần giáo dục con cái trong cách suy nghĩ về ăn nhậu: Không nên khuyến khích con nhậu ngay từ lúc bước sang tuổi thành niên. Các cơ quan nên hạn chế tiệc tùng vào các ngày lễ lớn và không nên lấy "thước đo" ăn nhậu để đánh giá  năng lực của một nhân viên mới. Quan trọng nhất, để hạn chế chuyện ăn nhậu vẫn là ở bản thân của mỗi người. Có quyết tâm, kiên trì thì lâu dần việc xóa bỏ ăn nhậu quá đà sẽ thay đổi trong cách nghĩ của mọi người.


NGUYỄN THANH VŨ



 


.