Ứng phó với dịch cúm A/H5N1 và H7N9: Chặn trong, siết ngoài

01:02, 20/02/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong khi dịch cúm A/H5N1 đang có chiều hướng lây lan ra diện rộng thì virút cúm A/H7N9 từ Trung Quốc cũng rình rập, tìm cơ hội xâm nhập vào nước ta. Vì vậy, việc dập dịch cúm A/H5N1 và ngăn chặn sự nhập cư của virút cúm H7N9 được xem là nhiệm vụ cấp bách...

TIN LIÊN QUAN

Cúm A/H5N1 hướng vào gà

Bất chấp dịch cúm A/H5N1, việc mua bán gia cầm sống vẫn diễn ra tấp nập tại chợ Nghĩa Dõng.                        Ảnh: mỹ hoa
Bất chấp dịch cúm A/H5N1, việc mua bán gia cầm sống vẫn diễn ra tấp nập tại chợ Nghĩa Dõng. Ảnh: mỹ hoa


 

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H5N1 và chủng virút mới H7N9, trong buổi họp trực tuyến vào chiều ngày 18.2, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương xây dựng và ban hành “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người” và Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng khẩn cấp; cũng như thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp kỹ thuật, truyền thông và hợp tác quốc tế.

Theo đó, tập trung kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn-nhất là những loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ; bố trí lực lượng chốt trực nhằm kịp thời ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới; thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc và vệ sinh, tiêu độc khử trùng vùng dịch, khu vực có nguy cơ cao. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công khai đúng, kịp thời thông tin tình hình dịch bệnh để người chăn nuôi, buôn bán gia cầm biết và chủ động thực hiện công tác an toàn vệ sinh, đảm bảo giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng, hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Khi phát hiện có virút cúm A/H7N9, phải tạm dừng buôn bán gia cầm sống ở nơi có vi rút H7N9 từ 7-9 ngày để xử lý triệt để, không để virút phát tán ra diện rộng. Những trường hợp cố tình vi phạm về việc đảm bảo an toàn dịch bệnh phải bị xử lý nghiêm theo pháp luật.

Liên tiếp những ngày qua, dịch cúm A/H5N1 không ngừng mở rộng địa bàn. Từ xã Phổ Cường, Phổ Văn, Phổ Hòa, Phổ Vinh (Đức Phổ) đến Tịnh Hà (Sơn Tịnh) rồi ngược lên thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) với gần 6.000 con gà, vịt của người dân bị chết hoặc tiêu hủy bắt buộc. Tuy nhiên, điều khiến những hộ chăn nuôi cảm thấy lạ là đối tượng mà virút cúm A/H5N1 tấn công lần này phần lớn là gà, chứ không phải vịt. “Thường thì vịt mới mắc bệnh này chứ gà dễ gì. Tui nuôi gà bao nhiêu năm nay, có con nào chết đâu”, bà Lê Thị Việt, ngụ thôn Phú Vinh Tây, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) cho hay. Thế nhưng không hiểu sao năm nay, đàn gà 400 con của bà đã bị cúm A/H5N1 quật chết từ ngày 7.2, số còn lại phải tiêu hủy.  

Còn ông Nguyễn Lê Nhẫn, ngụ thôn Đông Thuận, xã Phổ Vinh (Đức Phổ) cũng cảm thấy bất ngờ khi đàn gà 350 con của mình bị chết vì virút cúm A/H5N1.  “Tui nuôi gà kỹ lắm, lại cho gà uống kháng sinh đều đặn nên mấy năm nay có hề hấn gì đâu. Sao giờ lại thế”, ông Nhẫn thắc mắc.

Quả thật, 4/6 ổ dịch cúm được phát hiện ở 6 xã là của gà với gần 2.200 con bị chết và tiêu hủy. Điều này cho thấy, virút cúm A/H5N1 không chỉ nhắm vào vịt - đối tượng truyền thống của mình mà còn hướng vào gà - đối tượng “trắng” vắc xin (vì gà không nằm trong diện được tiêm phòng của ngành thú y).

Ứng phó dịch bệnh: Chặn trong, siết ngoài

Gà hay vịt, một khi đã bị cúm A/H5N1 ghé thăm thì không chết cũng tiêu hủy. Thế mới có chuyện nhiều hộ tiếc của (và cả chủ quan), không báo cáo với các ngành chức năng chuyện nhà mình có gà, vịt chết mà giấu kín để tự chạy chữa số còn lại. Đã thế, có hộ còn nghĩ gà, vịt chết hay biếng ăn, lừ đừ là do trời “độc” nên vẫn hồn nhiên buôn bán, giết thịt. Điều này không chỉ khiến hộ chăn nuôi “gánh” thêm thiệt hại mà còn khiến dịch bệnh có điều kiện lây lan ra diện rộng.

Thế nên, những ngày qua Chi cục Thú y  chỉ đạo thú y các địa phương ngoài việc tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vắc xin, tiêu hủy gia cầm bệnh... còn phải phân công cán bộ thường xuyên “thăm” những hộ chăn nuôi gia cầm, nhất là vùng có ổ dịch để tuyên truyền, phát hiện kịp thời tình trạng gia cầm chết đột ngột; cũng như ngăn chặn việc buôn bán, giết thịt gà, vịt nhiễm bệnh. Vì nói như Chi cục trưởng Chi cục Thú y Nguyễn Đình Tuấn thì: “Phải chặn ngay từ chủ hộ thì may ra dịch bệnh mới không có cơ hội lây lan, bùng phát”.

Cùng với gà, vịt nội tỉnh thì gia cầm nhập ngoại hoặc qua địa bàn tỉnh cũng không rời khỏi tầm kiểm soát chặt chẽ. Lý do, các tỉnh hàng xóm là Quảng Nam, Kon Tum và Phú Yên đều đã xuất hiện dịch cúm A/H5N1 nên nếu không “siết chặt việc kiểm tra thì việc lây lan dịch bệnh trong quá trình vận chuyển là điều khó tránh khỏi”, quản lý trạm kiểm dịch động vật Sa Huỳnh (Đức Phổ) Nguyễn Khắc Dũng cho hay.   

Người dân vẫn giết mổ gia cầm ngay tại chợ.
Người dân vẫn giết mổ gia cầm ngay tại chợ.


Tuy nhiên, điều khó khăn đối với trạm Sa Huỳnh lẫn Dốc Sỏi (Bình Sơn) là ngoài đội ngũ cán bộ mỏng, rồi một số tài xế điều khiển xe chở gia cầm chạy quá tốc độ giữa đêm khuya để “né” trạm kiểm dịch thì, việc kiểm tra gia cầm trên xe chỉ dừng lại ở dạng cảm quan-tức nhìn bằng mắt thường. Do đó, để hạn chế tình trạng dịch cúm A/H5N1 lây lan, cũng như chặn virút H7N9 đã đến lúc ngành thú y cần có biện pháp quản lý chặt chẽ việc  lưu thông gia cầm giữa các địa phương, cũng như kiểm soát việc buôn bán, giết mổ tránh tình trạng “dịch cứ dịch, bán cứ bán” như hiện nay.
   


Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.