Phòng trừ dịch bệnh gia cầm: Nhìn từ ý thức người chăn nuôi

10:02, 20/02/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bên cạnh điều kiện chăn nuôi và thời tiết bất lợi, thì việc “trắng” vắc xin được xem là nguyên nhân chính khiến gia cầm bị dịch bệnh tấn công, nhất là vi rút cúm A/H5N1…

TIN LIÊN QUAN

Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, từ ngày 3.1 đến 11.2, toàn tỉnh đã có 5.103 con gia cầm (1.368 con gà, 3.735 con vịt) của 6 hộ ở 5 thôn, 5 xã gồm Tịnh Hà, Tịnh Thọ (Sơn Tịnh), Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa); Phổ Cường, Phổ Hoà (Đức Phổ) bị chết và phải tiêu hủy vì nhiễm vi rút cúm A/H5N1. Điều đáng nói là phần lớn số gia cầm trên đều chưa tiêm vắcxin do chủ hộ “quên” tiêm phòng.

“Vịt, gà có bệnh đâu mà tiêm phòng”

Đó là câu “cửa miệng” của phần lớn hộ chăn nuôi mỗi khi đề cập đến việc tiêm vắcxin phòng bệnh cho đàn gia cầm nhà mình. Lý do muôn thuở mà họ đưa ra là: Tiêm vắcxin, gà vịt sẽ… bỏ ăn, chậm lớn; đã thế còn phải trả phí tiêm phòng. Mà thực ra, mức phí chỉ với 200 đồng/con. Nếu so sánh thiệt hại mà dịch bệnh gây ra thì con số 200 đồng/con khi được tiêm phòng sẽ chẳng là gì, bởi nếu bị nhiễm H5N1, giá trị của vịt, gà có khi đã đạt mức vài chục đến cả trăm nghìn đồng/con. Thế mới có chuyện không ít nhà bỗng dưng “cửa đóng then cài” khi có lịch tiêm phòng; thậm chí có hộ còn “gửi” hoặc “giấu” vịt ở nơi khác để “né” tiêm phòng, nhằm "đỡ tốn phí!".
 

Tiêm phòng được xem là biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn ngừa vi rút cúm A/H5N1 cho gia cầm.
Tiêm phòng được xem là biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn ngừa vi rút cúm A/H5N1 cho gia cầm.


Ngay như ông Trần Ngọc Liền ở thôn Nga Mân, xã Phổ Cường (Đức Phổ)-chủ nhân của 1.865 con vịt bị cúm H5N1 ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ cũng hồn nhiên nói rằng: “Vịt còn nhỏ nên tui nghĩ từ từ rồi hãy tiêm phòng. Ai ngờ…!”. Tuy nhiên, vịt 35 ngày tuổi khá lớn nên không thể gọi là nhỏ như lời của ông Liền. Hơn nữa, thời điểm ông Liền bắt đầu thả nuôi vịt cũng là lúc Chi cục Thú y tỉnh đang triển khai việc tiêm phòng vét cho đàn gia cầm (trước Tết Nguyên đán). Tuy nhiên, ông Liền đã không khai báo với cán bộ thú y xã về sự hiện diện của đàn vịt nhà mình, cũng chẳng yêu cầu họ tiêm phòng vắcxin. Đến khi xảy ra chuyện 400 con vịt sau Tết bỗng dưng lăn ra chết, ông mới đến xã cầu cứu. Kết quả, toàn bộ 1.465 con còn lại cũng bị tiêu hủy vì số vịt chết dương tính với vi rút cúm H5N1. Điều này cho thấy, những hộ chăn nuôi như ông Liền đã quá xem nhẹ việc bảo vệ an toàn cho đàn gia cầm của mình.

Có lẽ ông Liền không phải là trường hợp ngoại lệ về việc “quên” tiêm phòng cho đàn gia cầm. Bởi đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có đến 72,5% (tương ứng với 1.027.550 con vịt) “trắng” vắcxin.

Cần chế tài xử lý

Với đàn gia cầm “trắng” vắcxin thì khi xảy ra dịch bệnh, lỗi trước mắt là do hộ chăn nuôi nên Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô đã “cương quyết không hỗ trợ thiệt hại đối với những trường hợp này”. Nhưng nói thế không có nghĩa là chính quyền cơ sở vô can. Bởi, nếu công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát tại địa phương được thực hiện chặt chẽ thì liệu hộ chăn nuôi có thể “gửi”, “giấu” hoặc khai báo số lượng gà, vịt không đúng so với thực tế? Thậm chí nhiều hộ còn bảo rằng hiếm khi họ thấy cán bộ thú y xã trực tiếp đến kiểm tra số lượng và công tác vệ sinh phòng bệnh vịt, gà tại vùng nuôi, trừ khi xảy ra dịch bệnh.

Còn việc tiêm phòng thì người chăn nuôi than phiền là “mệt mỏi” vì mãi đợi thú y viên. Thế mới có chuyện hoặc người dân quên luôn vắcxin, hoặc tự mua vắcxin về tiêm phòng cho đàn vịt, gà nhà mình. “Tui mua vắcxin tiêm cho 600 con vịt đẻ lần này là lần thứ 6, nhưng có thấy ai đến thăm hỏi gì đâu”, ông Nguyễn Phu ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) cho hay.

Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Nguyễn Đình Tuấn cũng phàn nàn rằng: “Chính quyền một số địa phương chưa thực sự xem trọng công tác tiêm phòng cho đàn gia cầm”. Nghĩa là họ khoán trắng việc này cho thú y viên vì cho rằng đó là “quyền của người dân và trách nhiệm của ngành thú y”. Đã thế, có địa phương còn nợ tiền công tiêm phòng của thú y viên cả năm trời khiến họ nản. Tiến độ tiêm phòng vì thế cũng bị ảnh hưởng.

Trước tình hình này, ông Tuấn kiến nghị rằng, ngoài sự tăng cường phối hợp giữa ngành thú y và chính quyền cơ sở, ngành nông nghiệp cần nghiên cứu xây dựng và ban hành chế tài xử phạt nặng những hộ phớt lờ việc tiêm phòng, tránh tình trạng dịch bệnh bùng phát vì lý do không thuyết phục là “do gà, vịt chưa được tiêm vắc xin”.

Liên quan đến tình hình dịch cúm gia cầm tại huyện Đức Phổ, sáng 12.2, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Đức Phổ Nguyễn Văn Thịnh cho biết: Đến thời điểm này chưa ghi nhận ổ dịch mới phát sinh trên địa bàn. Hiện giờ, trạm đang tích cực thực hiện việc tiêu độc khử trùng vùng nuôi và tiêm phòng cho toàn bộ đàn gia cầm trong huyện từ 300 nghìn liều vắc xin do cấp trên hỗ trợ. Ngoài ra, Chi cục Thú y tỉnh cũng chỉ đạo lực lượng thú y các địa phương triển khai tiêm phòng bao vây; tiêu độc, khử trùng các vùng lân cận ổ dịch và vùng có nguy cơ cao.


Bài, ảnh: PV
 


.