Sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số: Còn nhiều trăn trở

09:12, 05/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 10 năm (2003-2013) thực hiện Pháp lệnh Dân số, công tác DS - KHHGĐ ở Quảng Ngãi đã có những chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương.

TIN LIÊN QUAN

Sau 10 năm thực hiện công tác dân số, tỷ lệ sinh con thứ 3 tiếp tục giảm nhanh qua từng năm. Nếu như cách đây 10 năm, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao 16-17% thì đến nay giảm còn 11,2%.

 

Tổ chức biểu dương, khen thưởng cho đội ngũ cán bộ dân số cơ sở nhằm động viên, khuyến khích họ trong công tác.
Tổ chức biểu dương, khen thưởng cho đội ngũ cán bộ dân số cơ sở nhằm động viên, khuyến khích họ trong công tác.


Trong quá trình thực hiện Pháp lệnh Dân số, các ngành, đoàn thể và các địa phương đã lồng ghép các nội dung dân số vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như xoá đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở; xây dựng nông thôn mới.  Đặc biệt, các đơn vị đều đưa các tiêu chí thực hiện chính sách DS-KHHGĐ vào trong việc bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm. Các huyện, thành phố đều có các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động về công tác DS-KHHGĐ với mục tiêu nhằm giảm mức sinh, không sinh con thứ 3 trở lên.

Qua đó, góp phần tạo chuyển biến căn bản về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc thực hiện Pháp lệnh Dân số. Điều này có thể thấy rõ ở một số chỉ tiêu cơ bản về dân số, kế hoạch hóa gia đình trong 10 năm qua: Tỷ suất sinh thô từ 21,3 phần nghìn (năm 2002) đến nay giảm còn 15 phần nghìn, tỷ suất sinh giảm còn 0,2 phần nghìn; tỉ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 0,9%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác DS-KHHGĐ ở Quảng Ngãi cũng vấp phải nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Đó là định kiến giới, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại và ăn sâu vào nhận thức của một bộ phận người dân, thậm chí trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Ở một số nơi, các cấp, các ngành chưa vào cuộc một cách đồng bộ, có lúc còn lỏng lẻo, sự phối hợp chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, việc xử lý các vi phạm về chính sách dân số chưa nghiêm, chưa thống nhất, chế tài chưa đủ mạnh để giáo dục, răn đe. Vì thế, mặc dù tỷ lệ sinh giảm hằng năm, song chưa bền vững khi mà quy mô dân số ngày càng lớn. Bên cạnh đó, việc bố trí kinh phí chưa kịp thời cũng gây khó khăn cho việc triển khai các hoạt động DS-KHHGĐ ở cơ sở.

Một vấn đề hạn chế lớn hiện nay là chính sách, chế độ đối với đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, nhất là đối với cán bộ làm công tác dân số ở cơ sở còn chưa phù hợp. Chế độ đãi ngộ, phụ cấp chưa tương xứng với cống hiến của đội ngũ cán bộ dân số cấp cơ sở. Cán bộ làm công tác tuyên truyền hiện còn thiếu và yếu,  chủ yếu  là cán bộ kiêm nhiệm. Mặc dù Thông tư 05 của Bộ Y tế đã được ban hành từ năm 2008, nhưng cho đến nay, đội ngũ 184 cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ ở Quảng Ngãi vẫn chưa được vào biên chế. Sự chậm trễ trong giải quyết chế độ chính sách đã ảnh hưởng đến đời sống, chưa tạo sự an tâm cống hiến cho đội ngũ chuyên trách dân số xã.

 Là cán bộ chuyên trách xã Hành Dũng (Nghĩa Hành), anh Trịnh Vân tâm sự: 13 năm gắn bó với công tác dân số, là ngần ấy năm đầy ắp tiếng cười và cũng mặn chát những giọt mồ hôi. “Điều mong mỏi của chúng tôi lúc này là sớm được vào biên chế để yên tâm công tác”, anh Vân mong ước. Đó cũng là nguyện vọng chính đáng cho những nỗ lực mà đội ngũ cán bộ dân số xã, phường, thị trấn đã đóng góp cho công tác dân số ở địa phương trong thời gian qua.


               Bài, ảnh:  KIM NGÂN
 


.