Kiểm định lại vắc xin Quinvaxem trước khi đưa vào sử dụng

01:08, 23/08/2013
.

 Được Thủ tướng Chính phủ cho phép tái sử dụng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem vào chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế yêu cầu cần kiểm định tất cả các lô vắc xin còn thời gian bảo quản trước khi đưa vào sử dụng.


Ngày 22/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký ban hành Quyết định số 3029 /QĐ-BYT về việc phê duyệt “Kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng”, trong đó đề cập đến nhiều vấn đề từ kiểm định vắc xin, giám sát tiêm chủng đến truyền thông… để đảm bảo cao nhất chất lượng tiêm chủng và đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em.

Kiểm định vắc xin thường xuyên


Theo Bộ Y tế, để đảm bảo công tác tiêm chủng, chất lượng vắc xin là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng. Vì thế, mọi loại vắc xin đều phải kiểm định theo quy định trước khi đưa ra thị trường.
 


Riêng với vắc xin Quinvaxem sau một thời gian gián đoạn vì tạm dừng sử dụng phục vụ cho việc điều tra, hiện vẫn đang được bảo quản ở các tuyến, Cục Quản lý Dược chỉ đạo Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế lập kế hoạch lấy mẫu kiểm định tất cả các lô vắc xin còn thời gian bảo quản trước khi đưa vào sử dụng.

Khi đã đưa vào sử dụng, Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế lấy mẫu kiểm định ngẫu nhiên và cũng chịu trahcs nhiệm thực hiện kiểm định mẫu vắc xin liên quan khi xảy ra phản ứng nặng sau tiêm chủng.

 Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, ngoài yêu cầu tuyệt đối về chất lượng vắc xin, Bộ Y tế cũng yêu cầu cần tập huấn lạicho cán bộ y tế về thực hiện tiêm chủng an toàn.

Theo đó, tất cả các cán bộ tiêm chủng chưa được tập huấn và những cán bộ đã được tập huấn và được cấp Giấy chứng nhận từ 3 năm trở lên (kể cả ở các bệnh viện tuyến trung ương) cần phải được tập huấn lại về việc tiếp nhận, vận chuyển, cấp phát, bảo quản vắc xin, thực hành tiêm chủng an toàn, hướng dẫn chăm sóc theo dõi sau tiêm chủng, giám sát thực hành tiêm chủng và điều tra phản ứng sau tiêm chủng.

Tất cả các cán bộ tham gia khám sàng lọc, sơ cấp cứu phản ứng sau tiêm chủng cần được tập huấn về khám sàng lọc, theo dõi, xác định chẩn đoán nguyên nhân, xử trí phản ứng sau tiêm chủng. Các thành viên Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế tỉnh, thành phố cũng sẽ được tập huấn nâng cao năng lực về đánh giá phản ứng sau tiêm chủng.

Một buổi tiêm chủng không quá 50 trẻ


Khác với trước đây, buổi tiêm chủng mở rộng chỉ được tổ chức trong một ngày, có những nơi, buổi tiêm chủng tiếp nhận từ 80 - 100 trẻ, số lượng trẻ đông ảnh hưởng nhiều đến công tác khám sàng lọc, theo dõi sau tiêm chủng.

 Theo quy định mới, một buổi tiêm chủng không được quá 50 trẻ/ngày.
Theo quy định mới, một buổi tiêm chủng không được quá 50 trẻ/ngày.


Vì thế, Bộ Y tế yêu cầu, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định chọn một hoặc nhiều ngày tiêm chủng mỗi tuần hay mỗi tháng tại các điểm tiêm chủng trên địa bàn đảm bảo số lượng trẻ tiêm không quá 50 trẻ/buổi tiêm. Đối với các Bệnh viện sản nhi tiêm chủng với số lượng lớn phải bố trí các điểm tiêm phù hợp để đảm bảo số trẻ mỗi buổi tiêm chủng tối đa không quá 50 trẻ.

Trước tiêm, cán bộ y tế phải tư vấn, giải thích đầy đủ về tiêm chủng và chỉ tiêm khi được sự đồng ý của gia đình, người tiêm chủng. Trước khi tiêm chủng cán bộ y tế phải đưa gia đình/người được tiêm chủng kiểm tra tên vắc xin, hạn sử dụng của lọ vắc xin sẽ tiêm.

Sau tiêm cần cử cán bộ theo dõi thường xuyên tình trạng sức khỏe của người được tiêm chủng trong thời gian 30 phút sau khi tiêm tại cơ sở tiêm chủng. Hướng dẫn gia đình theo dõi sức khỏe của trẻ. Khi có dấu hiệu phản ứng toàn thân hoặc phản ứng trở nên nghiêm trọng thì phải đưa ngay người được tiêm đến cơ sở y tế để được theo dõi, điều trị đến khi ổn định.

Sở Y tế cần bố trí các đội cấp cứu lưu động tại các điểm tiêm chủng để xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng nặng. Công bố công khai số điện thoại của điểm tiêm chủng và tên người có trách nhiệm xử lý các vấn đề liên quan đến tiêm chủng.


Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho các buổi tiêm chủng, Sở y tế các tỉnh cần tổ chức thanh tra, kiểm tra tất cả các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn, triển khai khắc phục những tồn tại của các cơ sở tiêm chủng đảm bảo cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng mới được thực hiện tiêm chủng, bố trí đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị cho điểm tiêm chủng bao gồm cả các đội cấp cứu lưu động.
 
Bộ Y tế sẽ thành lập 2 đoàn và tiếp tục tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 6 tỉnh thành phố về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế. Các đoàn thanh tra của các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur tiếp tục kiểm tra các tỉnh theo khu vực phụ trách.
 

Theo Tú Anh/Dân Trí

 


.