Nhân ngày Thế giới phòng chống lao (24/3): Người nhiễm lao ngày càng trẻ

11:03, 24/03/2013
.

(QNĐT)- Việt Nam đang đứng thứ 12/22 nước có số bệnh nhân lao nhiều nhất thế giới. Điều đáng lo ngại là số bệnh nhân mắc lao ngày càng trẻ. Đây là chướng ngại lớn trong việc củng cố mạng lưới chống lao ở cộng đồng, hướng đến mục tiêu “Một Việt Nam không còn bệnh lao”.

TIN LIÊN QUAN


Ở tỉnh ta, tình trạng người mắc bệnh lao đang có những thay đổi rõ rệt. Những năm trước, những bệnh nhân mắc lao ở độ tuổi 15-60 chiếm khoảng 80%, trong đó chủ yếu là từ 50-60 tuổi. Nhưng vài năm trở lại đây, tỷ lệ người trẻ (15-35 tuổi) nhiễm lao ngày càng tăng.

Khó trong quản lý và điều trị

Bác sĩ Nguyễn Bé- Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Quảng Ngãi cho biết: Hiện nay bệnh nhân lao ngày càng trẻ, đối tượng hầu hết là các đối tượng thanh niên đi làm ăn xa, làm việc trong các khu công nghiệp bị nhiễm vi trùng lao và quay về điều trị tại tỉnh nhà. Hiện tại, tỉ lệ người trẻ mắc lao đang tăng khoảng 5-10%.

Ngay tại Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Quảng Ngãi, cũng có nhiều bệnh nhân trong độ tuổi 15-25 đang nằm điều trị nội trú. Bệnh nhân Trần Thị H, 24 tuổi quê ở xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) là một trong số đó. Chị H cho biết: Tôi là công nhân làm tại Khu công nghiệp Tịnh Phong. Thời gian gần đây cảm thấy có triệu chứng tức ngực, đau hông, ho kéo dài. Đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán nhiễm lao và khuyên nên đến điều trị nội trú tại Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Quảng Ngãi. Từ trước đến giờ, sức khỏe tôi rất tốt nên cũng không hiểu vì sao mình mắc lao ngay tại môi trường làm việc.

 

Tỉ lệ người trẻ tuổi mắc bệnh lao ở tỉnh ta ngày càng tăng
Tỉ lệ người trẻ tuổi mắc bệnh lao ở tỉnh ta ngày càng tăng


Giống với chị H là anh Trần Cao S- ngụ ở xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) đang điều trị lao tại nhà. Anh S là công nhân xây dựng làm việc tại TP.Hồ Chí Minh. Sau 2 năm đi làm ăn xa, anh S cảm thấy sức khỏe sa sút dần, ho có đờm dài ngày. Khi đi khám, anh S cũng được kết luận là đã mắc lao. Anh S cho biết: Để điều trị khỏi, bác sỹ yêu cầu tôi sử dụng thuốc đặc trị lao liên tục từ 6-8 tháng. Bên cạnh đó, cũng hạn chế lao động nặng và tuân thủ nhiều nguyên tắc thì tỉ lệ khỏi bệnh mới cao.

Hiện tỷ lệ người trẻ mắc lao như chị H, anh S ngày càng tăng là một thách thức lớn của cộng đồng vì đây là lực lượng lao động chủ chốt. Không chỉ vậy, tỉ lệ này ngày càng tăng đồng nghĩa với tỷ lệ bệnh nhân mắc lao đa kháng thuốc có nguy cơ tăng cao.

Lý giải về điều này, bác sĩ Nguyễn Bé cho hay: Tình trạng người nhiễm lao ngày càng trẻ hóa đã gây ra nhiều khó khăn cho đội ngũ y tế trong việc quản lý và điều trị. Điều khó khăn nhất chính là ý thức kém của người bệnh.

Bệnh nhân vì chủ quan nên đã không đến cơ sở y tế, không điều trị lao liên tục trong 8 tháng theo đúng quy định. Đến khi bệnh trở nặng mới điều trị trở lại thì vi trùng lao đa kháng thuốc có cơ hội phát triển mạnh trong cơ thể. Nếu một bệnh nhân được điều trị liên tục thì tỷ lệ khỏi khoảng 90%. Tuy nhiên, tỷ lệ điều trị khỏi lao đa kháng thuốc chỉ khoảng 20%.

Khi mắc lao nhưng không điều trị kịp thời hoặc điều trị ngắt quãng thì bệnh nhân sẽ suy kiệt dần. Theo thống kê, nếu không điều trị kịp thời thì trong vòng từ 1-3 năm, khoảng 50% bệnh nhân bị tử vong, 25% người mắc lao có di chứng về sức khỏe, mất sức lao động vĩnh viễn. Riêng năm 2012, trong số gần 1.200 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện, đã có 40-50 trường hợp mắc lao đa kháng thuốc, chủ yếu rơi vào đối tượng bệnh nhân trẻ tuổi.

Củng cố mạng lưới chống lao tại cộng đồng

Đứng trước khó khăn này, Chương trình chống lao Quốc gia các cấp trong tỉnh đang nỗ lực củng cố mạng lưới cơ sở. Điều cốt yếu nhằm tuyên truyền tác hại của bệnh lao, từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy và hành động của người dân, đặc biệt là đối tượng bệnh nhân trẻ.

 

Tỉnh ta đang tích cực xây dựng mạng lưới xây dựng mạng lưới chống lao cơ sở để tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân
Tỉnh ta đang tích cực củng cố, xây dựng mạng lưới chống lao cơ sở để tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân


Hiện tại, tỉnh ta đã xây dựng được 14 tổ chống lao cấp huyện, 182/184 cán bộ chuyên trách lao cấp xã. Đây là nguồn lực quan trọng nhằm giúp ngăn chặn lây lan bệnh lao tại cộng đồng. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng ngừa và điều trị theo đúng cách được các cán bộ chuyên trách cấp xã, huyện lồng ghép vào những buổi sinh hoạt khu dân cư.

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy- cán bộ chuyên trách chống lao của phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ: Thông qua những buổi sinh hoạt khu dân cư, chúng tôi đã đến phát tờ rơi, hướng dẫn, động viên người dân đi kiểm tra, khám bệnh kịp thời khi phát hiện các dấu hiệu cơ bản của bệnh. Nhờ đó, tỉ lệ phát hiện nguồn lây tại cộng đồng ngày càng tăng cao. Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến công tác nâng cao ý thức, thay đổi tư duy của các bệnh nhân trẻ đang điều trị tại cộng đồng.

Bác sĩ Nguyễn Bé- Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Quảng Ngãi cho biết: Bệnh lao là bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc mãn tính. Bệnh nhân mắc lao nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ Chương trình chống lao Quốc gia bằng cách nhận thuốc đặc trị lao miễn phí cho đến khi khỏi bệnh.

"Chúng tôi cũng đang lên kế hoạch phối hợp quản lý bệnh lao tại các bệnh viện công lập theo Thông tư 02 vừa ban hành tháng 1/2013 của Bộ Y tế. Với động thái này, bệnh nhân lao sẽ có điều kiện điều trị mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, nâng tỷ lệ phát hiện và điều trị cho bệnh nhân lao ngày càng tăng. Qua đó, mạng lưới chống lao cơ sở sẽ dần được củng cố và phát huy hiệu quả"- Bác sĩ Nguyễn Bé nói.
 

 

Bài, ảnh: Thanh Phương

 


.