Người chia sẻ nỗi đau

06:12, 01/12/2012
.

(QNĐT)- “Không có cô Duyên chắc con đã chết”, “Chị Thủy đã giúp chị vững tin mà sống”… Đó là câu nói xuất phát tận đáy lòng của những người nhiễm HIV/AIDS. Sự sẻ chia, tình yêu thương của cán bộ làm công tác phòng chống HIV/AIDS đã tiếp cho người bệnh sức mạnh để họ vượt qua nỗi đau, tiếp bước trong cuộc đời.
    

TIN LIÊN QUAN


* Sau cơn mưa trời sẽ sáng        
    
Chị Lê Thị Thu Thủy (47 tuổi, y sĩ phòng khám ngoại trú, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh) được nhiều bệnh nhân HIV/AIDS nhắc đến với niềm trân trọng và biết ơn. Chị T. (bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS ở huyện Mộ Đức), tâm sự: “Chị Thủy đã giúp chị vững tin mà sống. Chị gục ngã khi biết mình mắc bệnh, nhưng chị Thủy đã giúp chị đứng lên. Nỗi đau không thể chia sẻ cùng ai và cũng ít ai mở lòng chia sẻ với mình, riêng chỉ có chị Thủy…”.

 

Chị Trịnh Thị Duyên đến nhà thăm hỏi, động viên bệnh nhân HIV/AIDS.
Chị Trịnh Thị Duyên đến nhà thăm hỏi, động viên bệnh nhân HIV/AIDS.


Từ phố thị cho đến những vùng quê xa xôi, hẻo lánh, nơi có bệnh nhân HIV/AIDS sinh sống, chị Lê Thị Thu Thủy đều trải bước chân. Chị đến để động viên, chia sẻ nỗi đau, xua đi cơn tuyệt vọng trong mỗi bệnh nhân HIV/AIDS: “Hãy tin chị. Đây là bệnh phải dùng thuốc suốt đời. Em sẽ sống mạnh khỏe trở lại. Thời gian sẽ chứng minh điều chị nói”.

Sự kỳ thị của cộng đồng, xã hội khiến bệnh nhân HIV/AIDS sống trong mặc cảm, xa lánh và nhiều người “giấu” bệnh. Thế nên chẳng đơn giản để có thể tiếp cận bệnh nhân HIV/AIDS. Nhiều lần chị Thủy bị bệnh nhân HIV/AIDS và người trong gia đình của họ xua đuổi, thậm chí là đánh...

Chị Thủy vẫn không nản lòng, bởi chị hiểu và thông cảm với nỗi đau tột cùng mà bệnh nhân HIV/AIDS và người thân của họ đang phải gánh chịu. Với tất cả tình yêu thương và sự sẻ chia, chị đã đưa những bệnh nhân HIV/AIDS trở về với lối đi của cuộc sống đời thường. Lối đi ấy đong đầy tình yêu thương và nghị lực vượt qua số phận.

Chị Thủy bộc bạch: “Nhiều người nhiễm HIV/AIDS tưởng chừng gục ngã. Hệ miễn dịch suy giảm, họ mắc lao phổi nặng, thậm chí đi không nổi… nhưng giờ thì sống vui, lao động kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Sau cơn mưa trời sẽ sáng…”.

Chị Thủy bảo: “Tự bản thân bệnh nhân vươn lên và họ khỏe mạnh là nhờ dùng thuốc. Chị không chia sẻ được gì về vật chất, chỉ có tình cảm thôi”. Chẳng phải ai cũng tiếp cho bệnh nhân HIV/AIDS liều thuốc tinh thần vô giá như chị Thủy.

“Trong cơn đau buồn, tuyệt vọng, và bất kỳ lúc nào muốn chia sẻ… chị Thủy cũng đều ở bên cạnh chúng tôi. Chị không sợ bị chúng tôi lây bệnh như nhiều người khác. Chị luôn động viên chúng tôi dùng thuốc thường xuyên, động viên chúng tôi cố gắng vượt lên số phận”, một bệnh nhân tên H. (ở huyện Đức Phổ) nói.

Chị Thủy bảo, trong vùng nguy hiểm nhất lại là nơi an toàn, vì mình chủ động, cẩn trọng phòng bệnh. Bệnh HIV/AIDS không lây qua tiếp xúc thông thường. “Giúp bệnh nhân thoát khỏi nỗi đau âm thầm để vươn lên trong cuộc sống, đó là niềm vui của những người làm công tác phòng chống HIV/AIDS chúng tôi”, chị Thủy bộc bạch.

Như thể người mẹ

“Em nhớ cô Duyên lắm. Lúc nào cũng nhớ đến cô Duyên, nhờ cô mà em được cứu sống”, bệnh nhân N (ở huyện Mộ Đức) thổ lộ. Đối với N. chị Trịnh Thị Duyên (40 tuổi, cán bộ chuyên trách công tác phòng chống HIV/AIDS huyện Mộ Đức) như thể người mẹ. Chị Duyên đã đưa N cũng như nhiều bệnh nhân HIV/AIDS từ cõi chết của sự tuyệt vọng, của những căn bệnh nhiễm trùng cơ hội ở thể nặng do nhiễm virus HIV… trở về với sự lạc quan, tin yêu vào cuộc sống.

Hằng tháng, chị Duyên đều đặn vượt chặng đường hơn 30Km ra Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh lấy thuốc kháng HIV gởi vào Tp.HCM cho N (N đi buôn ve chai kiếm sống), công việc mà lẽ ra là của chính bệnh nhân và người nhà của họ. “Bù đắp cho công lao đã bỏ ra là mỗi lần nghe N báo tin khỏe mạnh, sống vui vẻ là mình cảm thấy vui lắm rồi”, chị Duyên nói.  

Chỉ từ tin đồn ở chợ, chị Duyên tìm đến nhà động viên N đi xét nghiệm. N lúc ấy như một cái xác không hồn, thân xác còm cõi đáng sợ. Mặc cho lời nói và hành vi “quá lối” của người nhà N, chị Duyên vẫn kiên trì động viên. Một lần đến động viên không được thì nhiều lần, chị Duyên vẫn cố làm cho bằng được công việc mà chị cho là quan trọng hơn cả, đó là trách nhiệm của lương tâm, của tình yêu thương giữa người với người. Nhờ thế mà N ngày hôm nay lạc quan trong cuộc sống, và mỗi lần nhắc đến chị Trịnh Thị Duyên là mỗi lần N nở nụ cười hạnh phúc.

Phụ cấp công việc của chị Duyên mỗi tháng 200.000 đồng, không thấm vào đâu so với tiền đổ xăng, quà bánh… cho bệnh nhân. Tốn kém, vất vả, nguy hiểm… dẫu thế chị Duyên vẫn thường xuyên đến thăm người bệnh để động viên, giúp đỡ họ. Chị Duyên tâm sự: “Hình ảnh bệnh nhân không được điều trị thấy thương lắm, tiều tụy, xanh xao, lở loét… Trong thâm tâm chị luôn động viên mình cố gắng để người nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận dịch vụ y tế, để được tiếp tục sống vui vầy bên người thân trong gia đình và cộng đồng”.


Phương Lý
 


.