Mỹ: Đột phá mới trong việc điều trị ung thư

07:10, 06/10/2012
.

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu ung thư Lombardi thuộc Trường Đại học Georgetown (Mỹ) vừa nghiên cứu thành công phương pháp "nuôi dưỡng" các tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm, qua đó giúp thử nghiệm các loại thuốc và các phương pháp điều trị.
 

 Tế bào ung thư. Hình minh họa
Tế bào ung thư. Hình minh họa

 
 
Đối với nhiều bệnh nhân ung thư, việc phải trải qua hàng chục, thậm chí hàng trăm ca phẫu thuật có thể là một cơn ác mộng. Tuy nhiên, hiện nay một nhóm bác sĩ thuộc Trung tâm nghiên cứu ung thư, Đại họ Georgetown (Mỹ) đã tìm ra một phương pháp mới giúp các bệnh nhân ung thư giảm thiểu tối đa những đau đớn và tiết kiệm thời gian trong quá trình chữa bệnh, mang đến hy vọng chữa trị cho hàng triệu bệnh nhân ung thư trên toàn cầu.
 
Theo đó, các bác sĩ sẽ lấy những tế bào ung thư của bệnh nhân, phát triển thành những khối u mini trong phòng thí nghiệm. Bác sĩ, Giáo sư Richard Schlege, Trung tâm nghiên cứu ung thư Lombardi, Đại học Georgetown cho biết: “Các phương pháp truyền thống của chúng tôi cho phép lấy các tế bào ung thư từ người bệnh và nuôi dưỡng chúng trong phòng thí nghiệm. Điều quan trọng là phải duy trì được cùng một kiểu gen của những tế bào này giống như tế bào gốc”.
 
Phương pháp "nuôi dưỡng" tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm này có ý nghĩa hết sức quan trọng vì nó cho phép các bác sỹ thử nghiệm trực tiếp các loại thuốc cũng như các phương pháp hoá trị khác nhau trên các tế bào ung thư của bệnh nhân trong phòng thí nghiệm để lựa chọn hướng điều trị thích hợp. Nhờ đó, sẽ giúp giảm thiểu tối đa những tác dụng phụ của thuốc cũng như các cơn đau mà bệnh nhân phải trải qua.
 
Bác sĩ Schlege cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã sinh khiết và phát triển thành công trong phòng thí nghiệm khối u tuyến tiền liệt, u vú, u đại tràng và một vài khối u khác. Mặc dù phương pháp này còn cần được thử nghiệm đối với các căn bệnh ung thư khác nhau, các nhà khoa học tin rằng nó sẽ giúp giảm thiểu chi phí cũng như đơn giản hoá các phương pháp chữa bệnh. Các bác sĩ đại học Georgetown đang chuẩn bị để đăng kí bằng sáng chế cho phương pháp mới này.

 

Theo  VTV

 


.