Giá viện phí công lập sẽ tăng, nhưng tác động không lớn

10:09, 14/09/2011
.

Chi phí một lần khám bệnh sẽ tăng từ 6.000 đến 25.000 đồng/lần khám. Mức tăng sẽ được điều chỉnh phù hợp: tối thiểu 5.000 đồng/lần khám đối với Trạm y tế xã, tối đa 22.000 đồng/lần khám đối với bệnh viện hạng I, đặc biệt.

Trong thời gian xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 95/CP của Chính phủ sau 15 ban hành đã bất cập với hoạt động khám chữa bệnh hiện nay; theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang đề xuất điều chỉnh khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các đơn vị y tế công lập trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc đã quy định tại Thông tư liên Bộ số 14/TTLB và Nghị định số 95/CP ngày 27/8/1995 của Chính phủ.

Theo Bộ Y tế, về cơ bản việc điều chỉnh tăng viện phí theo đề xuất sẽ không ảnh hưởng lớn đến các đối tượng sử dụng dịch vụ y tế ở các cơ sở y tế công lập. Ảnh minh họa/internet
Theo Bộ Y tế, về cơ bản việc điều chỉnh tăng viện phí theo đề xuất sẽ không ảnh hưởng lớn đến các đối tượng sử dụng dịch vụ y tế ở các cơ sở y tế công lập. Ảnh minh họa/internet

Đối với ngày giường điều trị nội trú, dự kiến sẽ điều chỉnh tăng như sau: trạm y tế xã từ 10.000- 12.000 đồng/ngày/giường bệnh (đ/n/gb), hồi sức cấp cứu từ 30.000 đến tối đa là 120.000 đ/n/gb, điều trị nội khoa từ 20.000 đến 100.000 đ/n/gb, điều trị ngoại khoa, bỏng từ 25.000 đến tối đa là 240.000 đ/n/gb…

Theo Bộ y tế: mỗi hạng bệnh viện, loại giường điều trị theo chuyên khoa có khung giá khác nhau, mức thu trên đây sẽ được cơ quan có thẩm quyền quyết định mức cụ thể. Các khoa khác, hạng khác phải thu ở mức thấp hơn mức tối đa theo từng khoa, hạng bệnh viện.

Trong đợt điều chỉnh lần này còn bao gồm mức thu của các dịch vụ, kỹ thuật y tế được xây dựng trên cơ sở các chi phí cần thiết để thực hiện từng dịch vụ, kĩ thuật, y tế. Gồm: thuốc, máu, dịch truyền, vật tư khác…, chi phí điện, nước, nhiên liệu, duy tu bảo dưởng thường xuyên, vật tư thay thế…

Khi khung giá viện phí trên được ban hành, các địa phương cụ thể sẽ căn cứ theo tình hình kinh tế xã hội tại địa phương để áp dụng. Bộ trưởng Bộ y tế sẽ quyết định mức thu tại các bệnh viện thuộc trung ương; Chủ tịch UBND tỉnh sẽ quyết định mức thu của các bệnh viện thuộc địa phương trong phạm vi khung giá. Như vậy, nhiều bệnh viện sẽ chỉ thu ở mức trung bình của khung giá tăng thêm….

Tác động của việc điều chỉnh khung giá viện phí lần này, theo Bộ Y tế, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến 53 triệu người có thẻ BHYT hiện nay (chiếm 62% dân số, tỉ lệ này vào năm 2012 dự kiến khoảng 65-70%). Các đối tượng có thẻ BHYT (người làm công ăn lương, hưu trí, các đối tượng chính sách, người có công, người thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi) về cơ bản sẽ được BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh, kể cả một số dịch vụ kĩ thuật cao, chi phí lớn. Phần tăng thêm cũng được BHYT thanh toán theo tỉ lệ quy định tại Luật BHYT.

Đối với nông dân và người thuộc hộ cận nghèo: về cơ bản sẽ không ảnh hưởng nhiều của việc điều chỉnh khung giá viện phí trên nếu tham gia BHYT. Theo lộ trình thực hiện luật BHYT từ năm 2009 đến 2014, Nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ từ 30% đến 70% cho các đối tượng là hộ cận nghèo, học sinh-sinh viên, người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp…

Đối với các đối tượng có mức thu nhập trung bình khá trở lên, hoàn toàn có khả năng chi trả viện phí theo mức điều chỉnh tăng trên. Theo Bộ Y tế, tuy có điều chỉnh tăng, nhưng giá dịch vụ y tế ở nước ta còn rất thấp so với các nước trong khu vực.

Cũng theo Bộ Y tế, lộ trình điều chỉnh dự kiến như sau: giai đoạn 2011-2012, chỉ điều chỉnh khung giá của các dịch vụ ban hành theo Thông tư 14 và một số dịch vụ quá bất hợp lý của Thông tư 03.

Từ 2013 trở đi, khi Chính phủ ban hành Nghị định, thực hiện đầy đủ chi phí, đồng thời thay đổi cơ bản phương thức thanh toán, chuyển thanh toán theo phí dịch vụ sang thanh toán trọn gói, thanh toán theo định suất với người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám cjwax bệnh ban đầu.
 
Theo GDTĐ

.