Muỗi chống sốt xuất huyết sắp đến Việt Nam

02:10, 12/10/2010
.

Lần đầu tiên trên thế giới, một loại muỗi nhiễm vi khuẩn có khả năng ngăn ngừa sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết - sốt Dengue (SXH) đã được chấp thuận thử nghiệm trong môi trường tự nhiên ở miền Bắc Australia. Dự kiến, loài muỗi này sẽ được thử nghiệm ở Việt Nam vào năm sau.

Vi khuẩn ngăn ngừa muỗi truyền SXH

Thông tin trên được đại diện Dự án loại trừ bệnh SXH do Quỹ Bill và Melinda Gates tài trợ công bố cuối tuần trước. Theo đó, loại muỗi Aedes aegypti, thủ phạm truyền bệnh SXH sẽ được cho lây nhiễm vi khuẩn Wolbachia, một loại vi khuẩn phổ biến ở ruồi giấm và khoảng 2/3 các loài côn trùng khác nhưng chưa từng được phát hiện ở muỗi Aedes aegypti.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Queensland, đứng đầu là GS Scott O’Neill đã tạo được một chủng Wolbachia mới, có khả năng sống được trong cơ thể muỗi truyền SXH. Kết quả ban đầu cho thấy, loại vi khuẩn này làm giảm một nửa tuổi thọ của muỗi. Đây là điều đặc biệt có ý nghĩa, vì thời gian trung bình để muỗi có thể truyền bệnh SXH là khoảng 2 tuần (do virus cần có thời gian để phát triển trong cơ thể vật chủ).

Như vậy, muỗi nhiễm khuẩn thường chết trước khi có khả năng truyền bệnh. Gần đây, các nhà nghiên cứu còn phát hiện một hiện tượng lý thú khác: Vi khuẩn Wolbachia giúp muỗi đề kháng với virus gây SXH, hạn chế sự phát triển của virus trong cơ thể muỗi. Nói cách khác, muỗi đã nhiễm khuẩn sẽ rất ít có khả năng nhiễm mầm bệnh SXH từ người bệnh để truyền sang người lành.

GS Scott O’Neill trong chuyến công tác triển khai dự án ở Việt Nam.
GS Scott O’Neill trong chuyến công tác triển khai dự án ở Việt Nam.
Một ưu điểm lớn của việc sử dụng vi khuẩn Wolbachia là loài vi khuẩn này có thể phát tán nhanh chóng trong cộng đồng muỗi. Vi khuẩn trong trứng của những con muỗi cái đã bị lây nhiễm truyền cho các thế hệ kế tiếp. Trong một số trường hợp, nếu muỗi đực nhiễm khuẩn Wolbachia giao phối với muỗi cái không mang khuẩn, trứng do chúng sinh ra sẽ chết. Do đó, loài muỗi không truyền bệnh SXH sẽ nhanh chóng chiếm ưu thế trong tự nhiên.

Vi khuẩn Wolbachia rất phổ  biến ở các loài côn trùng, bao gồm cả một số loài muỗi đốt người, do đó, nguy cơ  đối với con người là vô cùng nhỏ. Vấn  đề mà các nhà khoa học quan tâm hiện nay là  duy trì hiệu quả lâu dài cho phương pháp này, vì  sau một vài thế hệ, muỗi sẽ xuất hiện khả năng đề kháng với vi khuẩn. Do đó, họ phải liên tục phát triển những chủng khuẩn Wolbachia mới để sử dụng khi các chủng cũ đã bị nhờn. 

"Vaccine" chống SXH

Nhóm nghiên cứu đã thử  nghiệm thành công muỗi nhiễm khuẩn không truyền SXH trên người tình nguyện trong môi trường phòng thí nghiệm. Họ vừa được cơ quan chức năng chuẩn y kế hoạch thử nghiệm ngoài tự nhiên ở một số vùng ngoại ô phía bắc Australia vào tháng 1/2011.

GS O’Neill cho biết, sau đó khoảng 6 tháng, ông và đồng nghiệp sẽ tiến hành thử nghiệm với quy mô lớn ở Việt Nam, nơi dịch SXH xảy ra nghiêm trọng hơn Australia. Hiện tại, dự án nhận được sự ủng hộ rất lớn của cộng đồng ở cả Australia và Việt Nam. Toàn bộ giai đoạn thử nghiệm sẽ kéo dài khoảng 3 năm.

Nếu thành công, đây sẽ là phương pháp đòi hỏi chi phí thấp nhưng cho hiệu quả cao trong việc kiểm soát và đẩy lùi SXH. Đặc biệt, nó thân thiện với môi trường hơn rất nhiều so với việc sử dụng các hóa chất diệt muỗi. Theo GS O’Neill "đây có thể coi như một dạng văcxin phòng chống SXH, nhưng không dùng cho người mà dùng cho muỗi".
 
Theo Bee

.