Nâng cao chất lượng sinh hoạt đoàn ở khu dân cư

06:04, 06/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chi đoàn ở các thôn, tổ dân phố là một bộ phận rất quan trọng trong cơ cấu thành phần của tổ chức cơ sở đoàn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc sinh hoạt chi đoàn, tập hợp thanh niên còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, một số địa phương đang tìm giải pháp để nâng cao chất lượng sinh hoạt đoàn ở các thôn, tổ dân phố.

Hiến kế cho Đoàn

Mới đây, Thành đoàn Quảng Ngãi tổ chức hội nghị bàn giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn ở thôn, tổ dân phố. Các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong việc tổ chức sinh hoạt chi đoàn ở thôn, tổ dân phố hiện nay; đồng thời, trao đổi, đề xuất các giải pháp, nhân rộng các mô hình có hiệu quả, nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Nhiều đoàn viên, thanh niên ở nông thôn mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Ảnh: N.T
Nhiều đoàn viên, thanh niên ở nông thôn mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Ảnh: N.T


Theo Bí thư Đảng ủy phường Nghĩa Lộ Trương Thanh Bình, tổ chức đoàn không nên ôm đồm quá nhiều việc. Trong điều kiện, hoàn cảnh thực tế chỉ nên chọn những việc thiết thực và kiên trì thực hiện lâu dài, làm đến nơi đến chốn và có hiệu quả thật sự. Tổ chức đoàn cần chú trọng  bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ đoàn cũng như giáo dục thanh niên sống có lý tưởng, hoài bão.

Chia sẻ việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn ở thôn, tổ dân phố tại địa phương, Bí thư Đoàn phường Chánh Lộ Bùi Anh Tuấn cho biết: Đoàn phường đang triển khai thực hiện mô hình sinh hoạt chi đoàn theo cụm thi đua, áp dụng “phương thức 1+1” trong phát triển đoàn viên. Nghĩa là, mỗi đoàn viên phấn đấu giúp đỡ một thanh niên vào đoàn.

Nhiều ý kiến cho rằng, nên có mô hình kinh tế hiệu quả ngay từ chi đoàn nhằm tạo việc làm cho thanh niên, để thanh niên có thêm nhiệt huyết đến với tổ chức đoàn; đồng thời, cần nghiên cứu mô hình kinh tế phù hợp điều kiện từng địa phương.

Các đại biểu cũng đề xuất nên động viên đoàn viên là công chức, giáo viên, sinh viên, bộ đội xuất ngũ... về làm bí thư, phó bí thư chi đoàn nơi cư trú. Những nơi còn yếu, khó khăn, thì tham mưu cấp ủy để phân công đội ngũ đoàn viên trẻ là cán bộ, công chức, viên chức cấp xã, phường làm bí thư chi đoàn. Nếu chi đoàn có quá ít đoàn viên có thể ghép nhiều chi đoàn để sinh hoạt.

Hầu hết đoàn viên, thanh niên đều mong muốn, đoàn thanh niên xã, phường chủ động tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động chi đoàn và phụ cấp cho đội ngũ phó bí thư chi đoàn phù hợp với tình hình địa phương; quan tâm bố trí, luân chuyển cán bộ đoàn, nhằm tạo môi trường cho cán bộ đoàn tiếp tục rèn luyện và cống hiến.

“Kết nghĩa chi đoàn”

Thời gian qua, Huyện đoàn Đức Phổ đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn ở các khu dân cư, trong đó nổi bật có chương trình “kết nghĩa chi đoàn” và “sinh hoạt chi đoàn ghép”.

Hơn một năm nay, Chi đoàn thôn Thủy Thạch (xã Phổ Cường) và Chi đoàn thôn Phú Long (xã Phổ Khánh) đã tổ chức sinh hoạt giao lưu và kết nghĩa giữa hai đơn vị. Những buổi sinh hoạt ghép đầu tiên của hai chi đoàn thường có trên 40 đoàn viên thanh niên của hai thôn tham gia. Trước đó, Đoàn xã Phổ Khánh và Đoàn xã Phổ Phong đã triển khai mô hình “Sinh hoạt chi đoàn ghép” trên địa bàn xã, theo hình thức ghép từ 2 đến 3 chi đoàn thành một cụm và luân phiên tổ chức sinh hoạt. Mô hình này thu hút nhiều thanh niên nông thôn đến tham gia sinh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng tổ chức đoàn, đổi mới phương thức đoàn kết, tập hợp thanh niên tại Đức Phổ.

Theo Phó Bí thư Huyện đoàn Đức Phổ Trần Công Sứ, để nâng cao chất lượng sinh hoạt đoàn trên địa bàn dân cư, thì cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đoàn và xây dựng đội ngũ cán bộ, đoàn viên cốt cán làm nòng cốt trong các phong trào thanh niên. Trong sinh hoạt chi đoàn cần có nội dung thiết thực, phù hợp; lồng ghép với các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đơn vị, để đoàn viên tham gia thảo luận, bàn bạc, thực hiện...
 

NG.TRIỀU

 


.