Tự hào được làm người lính Hải quân

04:05, 22/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- "...Gửi về biển đảo yêu thương; niềm tin vô bến, niềm thương vô bờ..."- Lời thơ ấy đã thôi thúc tôi tìm đến gia đình có con em vừa trúng tuyển nghĩa vụ quân sự tại Lữ đoàn 957, Vùng 4- Hải quân Việt Nam (Cam Ranh, Khánh Hòa). Và gia đình nào cũng vậy, đều lấy đó làm niềm tự hào và luôn sẵn sàng là hậu phương vững chắc cho con em nơi biển đảo xa. Và giờ đây, sau ba tháng quân trường, các chiến sĩ mới đã sẵn sàng về  đơn vị, làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Những người lính trong một gia đình

Dù đã tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin và đang có việc làm tại Đà Nẵng với thu nhập ổn định, nhưng tháng 2 vừa qua, chàng trai 23 tuổi Nguyễn Bách Nhật ở xã Bình Trị (Bình Sơn) vẫn viết đơn xin phục vụ lâu dài trong quân đội. Điều đó không làm anh em xã đội Bình Trị bất ngờ. Bởi theo anh Nguyễn Văn Tuấn- Xã đội trưởng xã Bình Trị thì gia đình của Nhật từ trước đến nay đã nổi tiếng với truyền thống “đến tuổi là đăng ký, trúng tuyển là lên đường”. Ông nội Nhật là liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cả gia đình phía ngoại đều tham gia cách mạng.

Tân binh Nguyễn Phạm Ngọc  Sỹ tại Lữ đoàn hải quân 957.
Tân binh Nguyễn Phạm Ngọc Sỹ tại Lữ đoàn hải quân 957.


Còn tại Lữ đoàn Hải quân 957, Nhật và người anh họ Trần Kì Đôn đang từng ngày thực hiện lời hẹn ước tuổi thơ của hai anh em là mong trở thành người lính Hải quân để góp sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ước nguyện của Nhật và Đôn cũng là ước nguyện của cả gia đình. Tấm hình từ đơn vị gửi về, Nhật viết thêm phía sau mấy dòng: “Ba mẹ đừng ngại con đen. Da con đen mà lòng con chắc, ba mẹ cứ yên tâm về con”. Những dòng chữ thân thương và cứng rắn ấy, khiến mỗi lần đọc lại thư, mẹ và bà nội Nhật đều không cầm được nước mắt, vừa mừng vừa thương Nhật nhiều hơn. “Là gia đình người lính, còn niềm vui nào hơn khi thấy con mình mạnh mẽ và vững lòng tin trước biển khơi mênh mông sóng dữ. Chỉ mong nó giữ gìn sức khỏe, hoàn thành tốt nghĩa vụ của người thanh niên lớn lên trong thời bình”, ông Tọa chia sẻ.
 

Thượng tá Nguyễn Tấn Phụng - Trưởng ban Quân lực, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: Năm 2014, Quảng Ngãi được giao chỉ tiêu tuyển 220 thanh niên cho Quân chủng Hải quân, trong đó, đợt 1 giao chỉ tiêu 100 quân cho huyện Bình Sơn, đợt 2 giao chỉ tiêu 120 quân cho huyện Đức Phổ. Cơ bản đợt 1, huyện Bình Sơn đã hoàn thành chỉ tiêu, đạt cả chất và lượng. Thanh niên nhập ngũ đảm bảo sức khỏe, lí lịch và trình độ văn hoá, không xảy ra tình trạng “loại trả, đổi bù” sau giao quân.

Trên biển cả quê hương…

Vừa trở về sau một ngày đi biển, anh Nguyễn Ngọc Dũng (39 tuổi) quên cả mệt mỏi, nhấc bổng đứa con gái đang thút thít vì nhớ bố trên tay. Mùi biển vẫn mặn mòi trên bộ quần áo ướt, tiếng cười nói sang sảng vang lên, ngôi nhà nhỏ của anh Dũng chợt trở nên rôm rả hơn. Con trai của anh Dũng là tân binh Nguyễn Phạm Ngọc Sỹ (20 tuổi) là 1 trong 13 thanh niên của xã Bình Thuận trúng tuyển bộ đội Hải quân tại Vùng 4, Lữ đoàn 957 trong tháng 2 vừa qua. Sỹ là con trai đầu trong gia đình, em kế Sỹ mới học lớp 6, còn em gái út chưa tròn 2 tuổi. Hoàn cảnh gia đình khá khó khăn, dù thi đậu Trường Cao đẳng y dược Đà Nẵng nhưng Sỹ không đi học, ở nhà đỡ đần cho mẹ những khi bố đi biển. Ngày nhận quyết định đi nghĩa vụ quân sự, điều lo lắng nhất của Sỹ là bố mẹ ở nhà phải vất vả lo cho 2 em. “Biết phải khó khăn, nhưng niềm tự hào là người công dân hoàn thành nghĩa vụ với đất nước còn quý hơn tất cả”, anh Dũng kể lại lời động viên con như vậy, để Sỹ an tâm nhập ngũ.

Ở thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận, quê hương Sỹ, những người đàn ông bằng tuổi em đều đi biển. Vậy mà ngày Sỹ khoác trên mình bộ quân phục Hải quân, cả làng chài đến nhà đông đủ, niềm vui và tự hào như hơn cả cảm xúc của gia đình và bản thân em. Hơn ai hết, ngư dân nơi đây rất cần những chiến sĩ hải quân như Sỹ, rất cần sự bình yên nơi biển đảo để có điều kiện mưu sinh, làm giàu cho gia đình và xã hội.

Biết tháng này con trai sẽ biên chế về đơn vị, làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, anh Dũng càng thêm xao xuyến và tự hào với anh em ngư dân địa phương mỗi lần vươn khơi. Biển cả bao la, nhưng với anh giờ đây như một ngôi nhà lớn. Ở ngôi nhà đó, anh em, bạn nghề của anh vẫn một lòng đồng cam cộng khổ ngày đêm bám biển, vừa  làm ăn vừa khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Và ở đó, con trai của anh cùng đồng đội, từng giây, từng phút chắc tay súng, âm thầm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. “Có xa đâu, đều là trên biển cả quê hương, hai cha con, mỗi người mỗi nhiệm vụ”, anh Dũng vẫn dặn lòng như vậy để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, và để động viên Sỹ vững vàng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Tháng 4 vừa qua, vào đơn vị thăm con, anh Dũng đã khẳng khái nói với đồng chí Đại đội trưởng nơi Sỹ làm nhiệm vụ: "Nếu cần lính đi đảo Trường Sa, gia đình và con tôi luôn sẵn sàng”. Dù ở nhà vất vả thế nào, mỗi cuộc điện thoại ngắn ngủi, anh Dũng luôn dặn vợ chỉ nói chuyện vui cho con an lòng. Ông Đinh Văn Yết, xã đội trưởng xã Bình Thuận cứ tấm tắc khi nói về ngư dân Nguyễn Ngọc Dũng: “Vừa là ngư dân can trường, vừa là hậu phương vững chắc của lính hải quân, xã tôi rất tự hào có những người đàn ông như vậy”.
    

Bài, ảnh: Hà Xuyên
 


.