“Em không muốn bỏ học…”

04:08, 15/08/2012
.

(QNĐT)- Dù thiếu vắng tình yêu thương của cha, bàn tay chăm sóc của mẹ ngay từ thuở lọt lòng nhưng dường như, những thiệt thòi ấy đã không khiến em gục ngã mà nó còn tiếp thêm động lực để em mở toang cánh cửa đại học, chinh phục ước mơ trở thành kỹ sư chế tạo máy...

TIN LIÊN QUAN


“Không cha không mẹ đã là thiệt thòi, là nỗi đau lớn nhất của một con người. Nỗi tủi thân ấy đã có từ khi em chào đời. Tưởng chừng nó đã lặn vào trong suốt 18 năm qua, nhưng rồi lúc ốm đau, hay chí ít là những thời điểm quan trọng như thế này thì cái tủi thân ấy bỗng dưng trỗi dậy, nước mắt ở đâu lại tự nhiên trào ra chị ạ”, Trương Thanh Văn trải lòng.  

*Cậu bé mồ côi hiếu thảo

18 năm qua, hình ảnh cậu bé Văn ngoan ngoãn, học giỏi đã trở thành niềm ao ước của không ít ông bố bà mẹ ở thôn Xuân Đình, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành). Vì vậy nên khi hay tin Văn đỗ vào Khoa chế tạo máy, Trường ĐHSP Kỹ thuật TPHCM không khiến nhiều người ngạc nhiên.

Nhưng ít ai biết rằng, bố mẹ Văn đã bỏ em từ khi em vừa lọt lòng, đỏ hỏn. Thương đứa cháu vô tội, bà ngoại đem Văn về cưu mang, dưỡng dục. “Ngày đó nghĩ nó… sống không nổi vì ốm yếu. Nhà lại nghèo nên đâu có tiền mua sữa, chỉ tận dụng nước cơm gạo cho cháu uống. Cũng may trời thương nên nó lớn nhanh, khỏe mạnh”, chị Huỳnh Thị Hường, dì của Văn cho hay.

Tranh thủ lúc rảnh rỗi, Văn bê gạch, trộn vữa để dọi lại mái nhà dưới và sửa chuồng heo giúp dì.
Tranh thủ lúc rảnh rỗi, Văn bê gạch, trộn vữa để dọi lại mái nhà dưới và sửa chuồng heo giúp dì.


Thời gian thấm thoắt trôi qua, Văn lớn lên trong tình yêu thương của dì và bà ngoại. Dù nghèo khổ thiếu thốn nhưng bà cháu vẫn nương tựa, rau cháo qua ngày. Cứ ngỡ cuộc đời sẽ công bằng với em nhưng một lần nữa, nỗi đau lại ập đến khi Văn tròn 15 tuổi.

Lúc ấy, Văn vừa thi đỗ vào lớp 10 thì bà ngoại bị tai biến, sống thực vật. Nhà nghèo, giờ lại thêm người bệnh nặng nên thiếu đủ bề. Nhìn dì lam lũ, chạy ngược chạy xuôi để lo thuốc thang cho bà, Văn đã nghĩ đến chuyện nghỉ học. Nhưng hiểu tính Văn nên trước khi bị rơi vào trạng thái hôn mê hoàn toàn, bà ngoại đã dặn dò dì bằng mọi giá phải nuôi Văn ăn học nên người vì “nó ham học, lại chịu quá nhiều thiệt thòi rồi”.

Sau bận ấy, bạn bè thấy Văn bận rộn hơn, ít nói cười hơn. Vì sau giờ học, em phụ dì trồng rau, nuôi heo, gà và chăm sóc bà ngoại. “Bà nằm một chỗ nên phải lau rửa thường xuyên, ăn uống thì thực hiện qua đường ống nhưng nó vẫn làm đâu ra đấy. Thậm chí nhiều lúc bà trở bệnh, nó thức trắng đêm để vừa học vừa trông bà. Nhìn mà rớt nước mắt”, chị Hường nói mà mắt đỏ hoe.

*“Em không muốn bỏ học”

Từ lúc bà ngoại bệnh nặng nằm một chỗ, dì cũng ốm đau thường xuyên nên những việc đồng áng, Văn phải cáng đáng dù lúc ấy, em chỉ mới 15 tuổi, cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”.

Vậy mà suốt 3 năm THPT, Văn chưa từng bỏ học buổi nào và luôn là học sinh khá giỏi. Kỳ thi đại học vừa rồi, vì sợ đi thi nhiều trường… tốn tiền nên Văn chỉ dám nộp duy nhất một hồ sơ vào Trường ĐHSP Kỹ thuật TPHCM, Khoa chế tạo máy.

Mấy ngày nay khi hay tin đậu đại học, em và dì lại vui buồn lẫn lộn. Vui vì những nỗ lực học tập của em cũng đã được đền đáp; buồn vì rồi đây, em biết lấy đâu ra tiền để nhập học và trang trải cho thời gian học bốn năm rưỡi sắp tới. “Dì cũng đau ốm hoài, lại phải túc trực chăm bà nên nếu em đi học xa thì sợ dì sẽ không kham nổi. Lỡ dì mà có chuyện gì, ai chăm ngoại”, Văn nói buồn.

Khó là vậy, lo lắng là vậy nhưng đôi mắt Văn vẫn ngời sáng khi kể với tôi về những dự định sắp tới. Rằng “nếu may mắn được đi học thì em sẽ xin vào…chùa để ở! Sau đó, em sẽ xin đi làm thêm để có tiền học tập”, vừa nói Văn vừa tất tả bê gạch, trộn vữa giữa cái nắng nóng oi ả. “Nó nói tranh thủ thời gian sửa lại cái chuồng heo, dọi lại mái nhà bếp để mùa đông này, dì không phải vừa nấu cơm vừa…tránh mưa”, dì Hường nói mà mắt rưng rưng.


Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.