ISEF 2012: Sẵn sàng cho thử thách

09:05, 17/05/2012
.

Các học sinh Việt Nam đang hòa mình vào không khí vô cùng sôi động của Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế (ISEF) 2012 tại Mỹ. Phóng viên Dân trí đã có mặt tại sự kiện để đưa tin.

ISEF 2012 đã chính thức khai mạc tại thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania, Mỹ, vào tối 14/5 (giờ địa phương). Nhưng ngay từ ngày 13 và xuyên suốt tới hết ngày 15, hơn 1.500 thí sinh đến từ 70 quốc gia và vùng lãnh thổ đã hết sức bận rộn và khẩn trương lắp đặt các khu trưng bày sản phẩm dự thi của mình, đồng thời thực hiện mọi công tác chuẩn bị khác cho cuộc thi. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động bên lề, họ cũng đã có nhiều cơ hội làm quen, trò chuyện với nhau.
 
 

ISEF 2012 đã chính thức khai mạc tại thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania, Mỹ, vào tối 14/5 (giờ địa phương).
ISEF 2012 đã chính thức khai mạc tại thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania, Mỹ, vào tối 14/5 (giờ địa phương).

 
Đội Việt Nam gồm 3 học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam với đề tài “Xử lý nước mặn thành nước ngọt bằng kỹ thuật chân không và năng lượng mặt trời phục vụ cho sinh hoạt” cũng đã nhanh chóng hòa mình vào không khí làm việc nghiêm túc, cũng như những hoạt động giao lưu tích cực của ISEF. Thành viên nữ duy nhất của đội, Bùi Thị Quỳnh Trang, bày tỏ: “Em vô cùng hào hứng vì được gặp gỡ bạn bè đến từ khắp thế giới”.
 
Đồng đội của em, Vũ Anh Vinh, chia sẻ: “Em rất mong chờ được thi thố với các nhà khoa học trẻ đến từ nhiều quốc gia, nền văn hóa khác nhau. Đây sẽ là một thử thách rất lớn”.
 
Sau 3 ngày chuẩn bị, hôm 16.5, đội Việt Nam đã cùng các đối thủ trải qua một ngày làm việc vô cùng vất vả và căng thẳng, khi phải thuyết trình và bảo vệ các đề tài của mình trước đội ngũ giám khảo gồm những nhà khoa học hàng đầu thế giới. Toàn bộ khu vực trưng bày được bảo vệ nghiêm ngặt để các thí sinh và ban giám khảo làm việc, vì vậy các nhà báo chưa thể tiếp cận các thí sinh để phỏng vấn về cuộc sát hạch này.
 
Trao đổi với báo giới bên lề cuộc thi, bà Wendy Hawkins, Giám đốc Quỹ Intel, đơn vị phụ trách các hoạt động giáo dục và xã hội của Tập đoàn Intel, cho biết: “Cơ hội được đối mặt và thử thách bởi các nhà khoa học nổi tiếng chính là phần quan trọng nhất của cuộc thi, bởi họ sẽ hỏi các em những câu hỏi hóc búa nhất. Để bảo vệ công trình của mình, các em sẽ phải thể hiện một cách tốt nhất mọi kiến thức cũng như kỹ năng liên quan, điều đó sẽ giúp các em trưởng thành vượt bậc trên con đường trở thành những nhà khoa học thực thụ”.
 
Điều đáng kinh ngạc là rất nhiều trong số các công trình được các em học sinh trung học mang tới dự thi tại ISEF đã tiếp cận tới những biên giới của khoa học hiện tại và ngấp nghé giải quyết những vấn đề mà cả nhân loại chưa phá vỡ được. Một thành viên ban tổ chức, người từng có dịp làm việc trực tiếp với nhiều thành viên ban giám khảo, chia sẻ rằng bà đã từng nghe nhiều vị trong số họ kinh ngạc thốt lên: “Công trình của cô/cậu học sinh này còn tốt hơn cả luận văn tiến sỹ của tôi!”.
 
Theo bà Hawkins, mấu chốt của ISEF chính là ở chỗ đưa ra hướng tiếp cận khác hẳn đối với việc học và nghiên cứu khoa học. Thay vì đưa ra hàng chuỗi dữ kiện và bắt học sinh phải học thuộc lòng, thì để chuẩn bị cho học sinh tham dự ISEF, các trường lớp ở các quốc gia phải khuyến khích học sinh tự xác định mình quan tâm tới vấn đề gì, tự đặt ra những câu hỏi và tự nghiên cứu để tìm câu trả lời. Như vậy, các em không phải “học” khoa học, mà là trực tiếp thực hành và nghiên cứu như những nhà khoa học thực thụ, và mang lại những đóng góp thực sự cho sự tiến bộ của nhân loại.
 
Sau một ngày làm việc vất vả, tối 16/5, các thí sinh được tham dự một bữa tiệc sôi động với nhiều hoạt động giải trí hấp dẫn, để hồi phục năng lượng cho một ngày đầy thử thách nữa vào hôm sau, khi toàn bộ khu trưng bày sẽ được mở cửa cho công chúng vào tham quan, tìm hiểu.
 
Họ sẽ phải túc trực cả ngày để tiếp nhận, giải đáp mọi sự quan tâm của công chúng, cũng như bất kỳ câu hỏi thêm nào từ ban giám khảo. Đó cũng sẽ là dịp đầu tiên mà các nhà báo được tiếp cận và khai thác thông tin từ các thí sinh. Phóng viên Dân trí sẽ tiếp tục tường thuật về cuộc thi tới bạn đọc.
 
ISEF là sự kiện khoa học quốc tế lâu đời và uy tín nhất thế giới dành cho học sinh trung học, do Hội Khoa học và Công chúng Mỹ tổ chức từ năm 1950. Từ năm 1997 tới nay, Intel liên tục là nhà tài trợ chính của cuộc thi. Tổng trị giá giải thưởng năm nay lên tới hơn 3 triệu USD, với giải cao nhất – Giải Gordon E. Moore, trị giá 75.000 USD.
 
17 lĩnh vực tranh tài của ISEF:
 
Động vật học
Khoa học trái đất và hành tinh
Toán học
Hành vi học và Xã hội học
Năng lượng và Giao thông
Y học và Sức khỏe
Hóa sinh
Kỹ thuật: Điện tử và Cơ khí
Vi sinh học
Sinh học phân tử và tế bào
Kỹ thuật: Vật chất và kỹ sinh học
Vật lý và Thiên văn
Hóa học
Quản lý môi trường
Thực vật học
Khoa học máy tính
Khoa học môi trường

 

Theo Dân trí


.