Khóa tình yêu trên đỉnh Nam San

02:02, 13/02/2012
.

* TRẦN ĐĂNG


(QNĐT)- Trên đỉnh Nam San ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc), các bạn trẻ của xứ sở Kim Chi có cách thể hiện tình cảm của mình bằng những “ổ khóa tình yêu” rất lãng mạn, càng làm cho điểm tham quan này trở nên hấp dẫn.

Với tốc độ 4m/s, chiếc thang máy đưa du khách nhanh chóng chiếm lĩnh tháp N.Seoul cao 479 mét so với mực nước biển.  Đập vào mắt du khách nơi chân tháp là những ổ khóa dày đặc được sắp xếp rất ngay ngắn theo hình chóp của cây thông. Cứ mỗi ổ khóa kèm theo một miếng mica, trong đó là những lời “vàng ngọc” của những cặp tình nhân.


Tôi không biết tiếng Hàn nhưng nhìn cái cách “khóa” của những câu “thần chú” này đủ biết đó là những lời thề non hẹn biển của những đôi bạn trẻ. Hàng mấy chục “cây thông” xếp một dãy dài dọc bên hông tháp N.Seoul đủ biết điểm tham quan này đã đón biết bao những cặp tình nhân kể từ khi tháp đưa vào sử dụng (1970).

Anh Kim, người thiết kế chuyến đi cho đoàn chúng tôi giải thích rằng, nếu ai muốn mua một ổ khóa tình yêu thì vào quày lưu niệm dưới chân tháp, người bán hàng sẽ kèm cho khách một cây bút mực, khi viết vào tấm mica ấy là “chết chữ” luôn, khó mà phai nhạt được. Viết câu gì đó thì tùy mình, xong mang ra “cây thông” móc khóa vào đó, rút chìa ra rồi quăng chìa luôn xuống vực. Cặp nào muốn bỏ nhau thì đến đó mà tìm chìa khóa rồi mở ổ khóa ra, lấy tấm mica cùng “lời nguyền” và… giải hạn!

Sau hơn 20 năm kể từ khi tháp N.Seoul được đưa vào sử dụng, những “cây thông tình yêu” đã mọc lên như nấm sau mưa nơi ngọn núi này. Ở đó giăng mắc cơ man nào là ổ khóa cùng những lời thề non hẹn biển. Chỉ có những chiếc chìa khóa thì mất hút tận vực sâu.

Hẳn trong số những cặp tình nhân ấy, không ít ngườ đã chia tay nhưng những ổ khóa hoen gỉ thì vẫn còn nguyên đó. Nó là nhân chứng của những lời thề sắt đá nhưng cũng có thể là kết quả của những nông nỗi dại khờ. Nhưng không sao, người Hàn Quốc đã có cách của riêng mình để trói buộc lòng thủy chung trong tình yêu đôi lứa hết sức nhân văn vậy.

Trong lúc chúng tôi đang bàn luận là làm cách nào để tìm cho ra chìa khóa mà “giải hạn” cho đỡ ray rứt thì thấy xuất hiện bên dưới vực núi có một cụ già đang loay hoay tìm một vật gì đó. Chừng 15 phút sau, cụ ông đã trở lại chân tháp, nơi có cụ bà đang đợi, tay ông cầm một chùm hoa đỗ quyên rực rỡ. Cứ ngỡ cụ ông đi tìm chiếc chìa khóa mà ông bà đã vất nó từ 50 năm trước, ai ngờ, cụ bảo: “Tôi đi tìm hái cho bà ấy chùm hoa đỗ quyên Cheolijuk đây. Thời chúng tôi yêu nhau, làm gì có “khóa tình yêu” như bây giờ mà đi tìm chìa? Với bà ấy, hoa đỗ quyên Cheolijuk cũng là một thứ chìa khóa không bao giờ gỉ sét anh bạn trẻ ạ”.

Tôi nào có còn trẻ trung gì nữa nhưng câu chuyện về chùm hoa đỗ quyên mà cụ ông tìm hái tặng bà cứ bừng lên giữa sắc nắng thu, khiến lòng tôi chợt xốn xang như tuổi đôi mươi mười tám. Qua lời phiên dịch của anh Kim, tôi biết cụ ông người Hàn Quốc ấy, hơn 50 năm qua, chưa năm nào ông vắng mặt trên đỉnh Nam San này vào mỗi tiếc thu, chỉ để hái cho cụ bà chùm hoa đỗ quyên mà ông xem như một chiếc chìa khóa tình yêu luôn vĩnh cửu trong ông./.
 


.