Chàng trai “phải lòng”… trái dừa

06:05, 09/05/2010
.

 Với sự đột phá về vật liệu thay thế và tính ứng dụng cao trong xây dựng, sản phẩm “Bê tông nhẹ cốt liệu gáo dừa” vừa đạt giải nhì cuộc thi “Ý tưởng xanh”. Tác giả sản phẩm là Nguyễn Tấn Khoa - chàng trai sinh năm 1987, tốt nghiệp ĐH Bách khoa TPHCM.

Nguyễn Tấn Khoa bên gian hàng triển lãm của mình tại cuộc thi Ý tưởng xanh.
Nguyễn Tấn Khoa bên gian hàng triển lãm của mình tại cuộc thi Ý tưởng xanh.

Lấy gáo dừa làm cốt liệu sản xuất bê tông

Khoa sinh ra tại TPHCM nhưng tình yêu với quê ngoại Bến Tre đã được nuôi lớn trong Khoa từ những ngày thơ bé. Những chuyến về thăm quê dài ngày là phần thưởng ba mẹ dành cho Khoa mỗi khi đạt thành tích học tập tốt. Bên cạnh đó, ba Khoa làm việc tại công ty chuyên chế biến cơm dừa nạo sấy nên những trái dừa có sức hút đặc biệt đối với Khoa.

Ấn tượng tuổi thơ đã tạo cảm hứng cho Khoa sáng tạo ý tưởng lấy gáo dừa làm cốt liệu sản xuất bê tông thay cho bột đá. Ý tưởng đó cũng đồng thời là nội dung khóa luận tốt nghiệp đại học của Khoa vào năm 2009. Với sự trợ giúp của thầy giáo - Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Khoa đã xây dựng được khung lý thuyết cơ bản và những thông số kĩ thuật. Sản phẩm bê tông nhẹ cốt liệu gáo dừa tận dụng phế thải gáo dừa từ công nghiệp sản xuất cơm dừa nạo sấy.
 
Qua rất nhiều công đoạn như chuẩn bị cốt liệu, trộn với xi măng, nước… và các phụ gia khác, bê tông cốt dừa sẽ được tạo hình, bảo dưỡng, cưa cắt, xử lý sản phẩm. Sản phẩm này dùng để làm vách tường bao che, có ưu điểm là nhẹ hơn bê tông thông thường.

Khi nhà cũng là công xưởng

Việc tìm ra kích cỡ cốt liệu là công đoạn phức tạp nhất trong quá trình sản xuất. Gáo dừa to nên phải gia công nó thành những mảnh nhỏ để làm cốt liệu thay thế đá. Những ngày đầu tiên bắt tay vào nghiên cứu dự án, công đoạn này hết sức lạ lẫm với Khoa. Lúc đó, “Cả nhà giúp đỡ Khoa rất nhiều, cụ thể là lúc mình chưa tìm được máy để gia công gáo dừa thì cả nhà xúm lại phụ giúp. Người dùng búa, người dùng chày để đập nhỏ gáo dừa. Cả nhà làm việc tích cực như một công xưởng” -  Khoa kể.

Quá trình mày mò nghiên cứu đã giúp Khoa phát hiện ra chiếc máy đập búa - giải pháp cơ khí hóa cho công đoạn gia công gáo dừa. Giá thành ước tính cho sản phẩm bê tông gáo dừa là 900.000 đồng/m3. 
Một tấm bê tông cốt liệu gáo dừa.

Sản phẩm “bê tông nhẹ cốt liệu gáo dừa” đã mang về cho Khoa hai giải nhì trong hai cuộc thi uy tín là cuộc thi “Thanh niên tham gia đề xuất các giải pháp và ý tưởng sáng tạo tiết kiệm năng lượng” do TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Công thương tổ chức năm 2009 và cuộc thi “Ý tưởng xanh” Toyota Việt Nam vừa phối hợp với Bộ GD-ĐT, Tổng cục Môi trường tổ chức vừa rồi. Đó là phần thưởng xứng đáng dành cho chàng trai đam mê sáng tạo này.

Sống trọn với đam mê

Ngoài đam mê nghiên cứu các sản phẩm ứng dụng, Khoa rất thích các hoạt động thể thao, đặc biệt là cầu lông. Khoa giải thích: “Tác dụng của chơi cầu lông nói riêng và thể thao nói chung là giúp cho con người mình lấy lại cân bằng trong cuộc sống và rèn luyện được nhiều đức tính, cụ thể như chơi cầu lông giúp mình rèn luyện tính cẩn thận, kiên trì…”.

Hiện tại Khoa đang nghiên cứu hoàn chỉnh sản phẩm và sẽ đưa vào thử nghiệm ở tỉnh Bến Tre. Sản phẩm ứng dụng thành công sẽ mở ra nhiều cơ hội cho người dân quê Khoa và cũng góp phần giảm thiểu lượng phế thải công nghiệp ra môi trường.

Hiện dự án ứng dụng sản phẩm “Bê tông nhẹ cốt liệu gáo dừa” đang ở giai đoạn bắt đầu. Còn rất nhiều thử thách trước mắt nhưng Khoa vẫn luôn nỗ lực hết mình. Ở tuổi 24, chàng trai nhiều duyên nợ với xứ dừa này tâm đắc nhất với quan niệm: “Hãy sống và làm việc theo những gì mình thích và đam mê, nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật”.
 
Theo Dantri

.