Mối nguy hại từ rác thải điện tử

12:07, 03/07/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Rác điện tử (e-waste) là mối lo ngại lớn trên toàn cầu, đặc biệt khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển và tốc độ ra đời của sản phẩm ngày càng nhanh, nhiều. Nếu không có sự kiểm soát, các chất độc trong rác điện tử có thể ngấm vào đất hoặc các mạch nước ngầm, gây hại cho môi trường và sức khỏe con người. 
 
Mỗi năm thế giới thải ra từ 20 triệu đến 50 triệu tấn rác thải điện tử, chiếm hơn 5% khối lượng rác cứng tại các đô thị trên toàn cầu. Tại Liên minh Châu Âu (EU), khối lượng rác điện tử dự kiến tăng từ 3-5% mỗi năm.
 
Trong năm 2014, khoảng 41,8 triệu tấn chất thải điện tử đã được tạo ra trên toàn thế giới, trong đó có 12,8 triệu tấn thiết bị nhỏ, 11,8 triệu tấn thiết bị lớn, 7 triệu tấn thiết bị trao đổi nhiệt độ (thiết bị đóng băng và làm mát), 6,3 triệu tấn màn hình và các thiết bị hiển thị, 3 triệu tấn thiết bị công nghệ thông tin nhỏ và 1 triệu tấn đèn.

 

Lượng chất thải điện tử trên toàn thế giới ước tính có thể đạt mức cao kỷ lục 49,8 triệu tấn trong năm 2018, với mức tăng trưởng hàng năm là 4-5%. Trong các loại máy tính, tivi, radio, pin, điện thoại di động, máy ảnh và vô số các sản phẩm điện tử khác bị vứt bỏ đều chứa kim loại và chất hoá học độc hại như chì, thuỷ ngân, catmi, crom, brom và các chất làm chậm phân hủy hay FCB.
 
Trong số 41,8 triệu tấn chất thải điện tử được thống kê nêu trên, chỉ tính riêng một mình nước Mỹ con số này đã là 11,7 triệu tấn, trong khi trong cả năm 2014 chỉ có khoảng 6,5 triệu tấn được xử lý bằng hệ thống thu gom đồ điện tử quốc gia. Số liệu cho các năm 2015 và 2016 hiện vẫn chưa được công bố.
 
Hiện chỉ 40% rác thải điện tử được tái chế, 60% còn lại kết thúc ở các bãi chôn lấp rác thải. Trong năm 2018, dự kiến lượng rác thải điện tử trên toàn cầu sẽ đạt gần 50 triệu tấn, chưa dừng lại ở đó, con số này dự kiến sẽ tăng 4-5%/năm. Tuy nhiên, không có nhiều quốc gia được trang bị tốt để xử lý, tái chế số rác thải điện tử độc hại này.
 
Trong số lượng rác điện tử được tái chế, có đến 80% được xuất khẩu đến các nước nghèo, đậu lại những cửa hàng đồ cũ, nơi những công nhân nghèo phải tiếp xúc trực tiếp với mùi và hoá chất độc trong khi chiết xuất kim loại và linh kiện còn giá trị.
 
Tại một vài quốc gia trên thế giới, việc xử lý chất thải phi chính quy đang gia tăng, đặc biệt là các nước đang phát triển ở Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ, nơi mà việc xử lý chất thải theo phương pháp này vẫn đang được áp dụng. Thông thường, người dân đi thu lượm các máy tính, máy in, tủ lạnh cũ và đưa chúng về chất ở sân nhà. Những người này kiếm tiền bằng cách tháo tung chúng ra, thu hồi các linh kiện và tháo các kim loại quý.
 
Tuy nhiên, do thiếu kỹ năng và thiết bị trong quá trình hành nghề, họ đã làm hại chính mình và môi trường địa phương. Chẳng hạn như việc đốt các dây cáp đã thu lượm được để lấy lõi đồng ở trong mà không dùng máy/dao cắt bỏ lớp vỏ ngoài sẽ thải ra khói độc, ảnh hưởng tới sức khoẻ và môi trường. 
 
Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), trong rác thải điện tử có chứa hơn 1.000 hợp chất khác nhau, chủ yếu là thành phần kim loại nặng, kim loại quý, các chất hữu cơ cao phân tử khác… trong đó có chứa nhiều chất độc hại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
 
Ngoài ra, chất độc có trong đồ điện tử cũ khi bị phát tán ra môi trường sẽ khó có thể nhận biết, dễ gây tâm lý chủ quan với những tác hại mà các chất độc này có thể gây ra, những hóa chất này tiềm ẩn nguy cơ gây ra các chứng bệnh rất khó chữa trị và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người như bệnh ung thư, bệnh về đường hô hấp, bệnh tim mạch và thần kinh…
 
Trước tình hình này, hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã yêu cầu các công ty điện tử phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm của họ. Nhật Bản, Hàn Quốc và hầu hết các nước Châu Âu hiện đã buộc nhà sản xuất phải trả tiền và quản lý các chương trình tái chế sản phẩm. 
 
Trong số các nhà sản xuất máy tính, Dell nổi lên là hãng đi đầu trong việc tái chế hàng điện tử. Dell đã tái chế 80 triệu tấn thiết bị trong năm 2005. Một số máy tính được tân trang và bán lại – có thể xuất khẩu – trong khi linh kiện được tái chế ngay tại nước Mỹ. 
 
HP cũng là một trong những hãng có tên tuổi trong việc bảo vệ môi trường. Hãng đã tái chế 164 triệu tấn phần cứng và máy in trên toàn cầu trong năm ngoái, cao hơn 16% so với năm trước. Tại Mỹ, hãng đã tái chế khoảng 50 triệu tấn tại các nhà máy ở Roseville và Nashville, Tennessee mà không hề chuyển dòng chất thải đó ra bãi rác hoặc ra nước ngoài. Kể từ khi bắt đầu công việc tái chế cách đây 20 năm, HP đã thiết kế những sản phẩm có tuổi thọ cao hơn, và dễ dàng tái chế hơn. 
 
Tuy nhiên, rác máy tính là một chuyện. Hiện các nhà hoạt động đang lo ngại về tivi, mặt hàng khiến lượng rác điện tử trên thế giới tăng mạnh trong những năm qua. Bởi ngày càng nhiều người dùng tivi màn hình phẳng và họ vứt bỏ không thương tiếc loại máy lỗi thời. 
 
Theo Chương trình Môi trường LHQ (UNEP): Để giải quyết được vấn nạn trên vấn đề then chốt hiện nay là phải tạo ra một khuôn khổ toàn cầu về xử lý rác thải độc hại, kể cả việc quản lý, theo dõi hoạt động vận chuyển rác thải để biết được nguồn gốc và điểm đến của nguồn rác độc hại.
 
Việt Nam hiện nay, rác thải điện tử hầu hết đều qua các nguồn thu gom không chính thức, là những người thu mua đồng nát, cơ sở thu gom tự phát và được tập kết về các làng nghề để tái chế. Các cơ sở tái chế này đều nhỏ lẻ theo mô hình hộ gia đình, hầu hết đều ô nhiễm, không bảo đảm vệ sinh, không có các thiết bị hiện đại, ảnh hưởng sức khỏe công nhân và môi trường. Do đó, cần có chính sách đầu tư, khuyến khích, ưu đãi về vay vốn, công nghệ cho các cơ sở tháo dỡ và tái chế chính thức, đủ năng lực thu hồi, tái chế.
 
Hiệp Thịnh
 

 


.