Quê hương

03:10, 06/10/2021
.
*Truyện ngắn của HOÀNG KHÁNH DUY
 
(Báo Quảng Ngãi)- Người ta đã giăng dây ngay đầu hẻm của Quyên. Ở khuất sâu trong hẻm, dãy nhà trọ quét vôi hơi cũ nhưng thoáng mát, Quyên vẫn thường nghe tiếng còi hụ của xe cấp cứu vang lên ngoài đường lớn. Âm thanh ấy bây giờ trở thành nỗi ám ảnh lớn của người thành phố. Họ sống trong tâm trạng âu lo, thấp thỏm, không biết bao giờ bác sĩ sẽ gọi tên...
 
Ở bên kia má vừa gác máy, nước mắt Quyên ứa ra. Cô cố nén không để tiếng nấc bật ra trong lúc nói chuyện với má, nhưng mắt cô ướt đẫm, giọng cô run run. Má hỏi Quyên bệnh hay sao mà tiếng nghèn nghẹt kỳ vậy. Quyên cười, gằn giọng để má tin rằng Quyên vẫn ổn. “Chắc tại mấy nay trời nóng, con uống nhiều nước đá nên cổ họng bị viêm!”. Má nói Quyên có chuyện gì thì tâm sự với má, hết tiền thì má gửi lên cho Quyên, đừng có nhịn ăn rồi sinh bệnh. Con gái, một thân một mình giữa thành phố cực trần thân chứ chẳng phải chuyện đùa.
 
Quyên ngồi sụp xuống một góc phòng. Nước mắt chứa chan. Cu Bin đã ngủ say trên giường, quạt gió vù vù mà mồ hôi thằng nhỏ chảy ra ướt cả trán, ngực, bụng và hai cánh tay. Nhìn con, Quyên thương đứt ruột. Quyên thường trách mình không lo nổi cho con một cuộc sống đầy đủ, một mái ấm gia đình có cả cha lẫn mẹ. Cu Bin thiếu thốn tình yêu thương của ba nên hễ gặp ai ngoài đường hao hao giống cái người đàn ông trong tấm ảnh mà Quyên để trong ngăn tủ, lâu lâu lấy ra ngắm nghía, cu Bin lại gọi “Ba ơi, ba!”. Người lạ đi xa, cu Bin rưng rưng. Níu tay Quyên, cu Bin thều thào: “Chắc ba không nhìn thấy má con mình, má heng”.
 
Người thì xa, mà ảnh người thì Quyên vẫn còn giữ kỹ. Quyên để trong ngăn tủ, buồn buồn Quyên lấy ra xem. Cu Bin biết má vẫn còn giữ ảnh của ba nên nằng nặc đòi má cho xem. Quyên không đành lòng giấu. Từ đó, hễ thằng nhỏ không ngủ được là đòi ôm ảnh của ba, nó nói: “Ôm ảnh như ôm ba”, Quyên xót xa trong lòng. Em quay đi để đứa nhỏ không thấy hai dòng nước mắt.
 
Trong căn phòng trọ cuối hẻm, Quyên sống đời gà mái nuôi con. Má thương Quyên một mình nuôi cu Bin, sợ Quyên khổ bởi sống đơn độc không họ hàng, không chỗ dựa ở thành phố chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Má nói gần như là năn nỉ Quyên để Quyên dẫn con về với má. “Về đi con, ở xứ mình có gì ăn nấy, nghèo khổ mà ấm cúng, ba con không giận hờn gì con nữa đâu. Mày với cu Binh đều là con, là cháu của ba má, thương không hết lấy đâu mà giận dỗi?!”, má nói vậy, mắt má buồn như trái bần rụng xuống sông trong buổi chiều vắng nắng. Quyên nắm bàn tay gầy gò, xương xẩu và lấm tấm đồi mồi của má. Mỗi khi Quyên nắm bàn tay má hay tựa đầu vào ngực má Quyên đều cảm thấy ấm áp, bao nhiêu nhọc nhằn, buồn tủi biến tan. Quyên không đành lòng để ba má mang tiếng có đứa con gái học đòi lên thành thị, mới mấy năm trời mà hư hỏng, không có chồng mà lại có con. Rồi sao ba má Quyên dám ngẩng mặt lên nhìn đời, nhìn người? Quyên thương ba má lắm! Quyên dại thì Quyên chịu, Quyên không muốn ba má phải khổ. Với đồng lương ít ỏi, Quyên quyết định bám trụ lại thành phố. Cô gửi cu Bin cho một trường mầm non tư thục mỗi sáng rồi chạy đi làm, chiều về sớm ghé cổng trường đón con. Ngày chủ nhật ít ỏi hai mẹ con quấn quýt lấy nhau, Quyên dạy con học, Quyên nấu mấy món mà cu Bin thích rồi nhìn thằng nhỏ vừa ăn, vừa quệt mồ hôi, tự dưng Quyên cười. Niềm hạnh phúc với cô lúc này chỉ đơn giản như thế thôi!
 
*
 
“Làm mẹ đơn thân khổ trăm bề!”. Bà chủ nhà trọ nấn ná trước cửa phòng Quyên nói với Quyên như vậy sau khi đã gom đủ tiền trọ. Quyên cười: “Khổ thì chịu thôi Tám ơi! Cái số con nó đã vậy, biết sao bây giờ. Mà có thằng Bin thì khổ bao nhiêu con cũng chịu đựng được hết”. Bà chủ nhà trọ cười hề hề, đưa tay vuốt lại mái tóc, khen Quyên bản lĩnh, gặp bà thì chắc không thể nào gồng gánh nổi.
 
Làm mẹ đơn thân, cái gì Quyên cũng làm một mình. Trong một lúc, Quyên vừa là cha, vừa là mẹ để dạy dỗ cu Bin. Mùa mưa năm ngoái, con hẻm lênh láng nước. Nhà trọ của Quyên nằm trong diện “nước tràn bờ đê”. Cơn mưa đi qua, bà chủ nhà trọ thông báo sẽ phải nâng nền dãy trọ, đóng lại trần nhà để mùa mưa không ngập, mùa nắng không nóng. Công việc sửa chữa dãy trọ vỏn vẹn có hai ngày mà với Quyên nó dài như hai tháng. Quyên chở con sang nhà cô bạn thân để gửi, dặn cu Bin ngoan, đừng nghịch ngợm kẻo bị đòn. Quyên khệ nệ kéo tủ, giường, bếp núc ra hàng ba lấy tấm nilon đậy lên tránh bụi. Từ chuyện khiêng đồ, sơn lại cái phòng, bày biện đồ đạc về vị trí cũ đến chuyện cơm nước, cà phê cho thợ xây một mình Quyên làm hết. Có anh phụ hồ vui tính chọc Quyên: “Lấy anh đi, anh phụ em nuôi con, anh không phải dân có học, nhắm mắt lại mơ toàn cát đá xi măng, em có chê anh không?”. Đám thợ phá lên cười, Quyên cũng đỏ mặt. Không lẽ Quyên nói chu đáo, có lòng như anh thì em còn chê gì nữa. Nhưng Quyên không nói, biết anh thợ hồ nói thiệt hay nói đùa. Mà giả sử có nói thiệt đi nữa thì Quyên cũng không muốn làm cho anh ta hy vọng về mình. Có cu Bin, Quyên thấy mình là “siêu nhân”, làm gì cũng chẳng biết mệt.
 
Nhà cửa xong xuôi, Quyên đón con về căn phòng “mới”. Trong căn phòng mỗi tháng Quyên trả 800 nghìn đồng, thuộc diện rẻ nhất nhì ở cái thành phố này, má con Quyên không ngớt tiếng cười tiếng nói. Đêm, bên cửa sổ gió mát lùa vào thoảng hương cỏ dại ven tường rào hẻm nhỏ, Quyên dạy con học bài, dạy con đọc mấy câu thơ “Quê hương là chùm khế ngọt”, “Quê hương là con diều biếc”... mà hồi nhỏ cô cũng đã từng được má dạy, má cầm tay để cô tập viết mấy chữ đầu đời.
 
*
 
Anh không về. Đến tận bây giờ, khi cu Bin đã chững chạc, biết đọc, biết viết thì anh cũng không về với Quyên và cu Bin. Kể từ cái lần anh nói Quyên ở thành phố chờ anh, anh về quê thưa chuyện với bố mẹ rồi vào hỏi cưới Quyên làm vợ. Quê anh ở miền Trung nắng gió. Quyên chỉ nghe anh kể về quê xa xôi và đọng lại trong đầu Quyên về mảnh đất đó chỉ là cát trắng, nắng vàng và những lần lũ dữ. Mấy ngày đầu xa Quyên anh còn gọi điện thăm hỏi, nhắn tin dặn Quyên giữ sức khỏe đợi ngày anh trở lại thành phố. Đâu chừng một tháng trời thì anh bặt vô âm tín. Quyên gọi điện thì bên kia im lặng, ngay cả cái bản nhạc quen thuộc Quyên và anh từng nghe, anh cài làm nhạc chờ cho điện thoại cũng im bặt thinh không. Quyên đau xót. Giọt máu của anh mỗi ngày một lớn dần trong cơ thể của Quyên. Thôi thì nó đã có duyên với Quyên, nó không bỏ em thì thôi chứ sao em đành tâm bỏ nó. Vậy là Quyên giữ đứa bé, đợi đến ngày sinh con. Đứa bé chào đời đã không có cha bên cạnh. Cô bạn của Quyên nói anh ta là người bội bạc, đừng nhắc nhớ làm gì. Loại người đó không xứng đáng để Quyên nhớ Quyên thương.
 
Quyên cười: “Chắc tại mình với anh ấy không có duyên vợ chồng, trách là trách mình dại. Mà thôi, có cu Bin ngoan ngoãn, biết nghe lời, dại vậy mình cũng chấp nhận”. Thằng nhỏ đã ngủ say từ lâu. Khuôn mặt thiên thần không biết gì là âu lo, buồn khổ. Nhìn con, Quyên thầm mong cu Bin sẽ hồn nhiên, bình an trong cuộc sống, không phải lo nghĩ như Quyên, không phải lận đận trong cơ man những kế mưu sinh để hai mẹ con trụ chân được ở cái thành phố đông đúc này.
 
*
 
Dịch Covid-19 vẫn đang gõ cửa. Trong con hẻm này, Quyên và mọi người vẫn bình yên. Sự điều phối của các “chiến sĩ áo xanh” khiến Quyên có niềm tin vào một ngày không xa sẽ dập được dịch, thành phố sẽ lại đông đúc nói cười như xưa. Chừng đó, Quyên nói với má, Quyên sẽ đưa cu Bin về thăm ông bà, thăm quê. Cu Bin cũng đã lớn rồi, Quyên có trách nhiệm phải đưa nó về cái nơi mà ngày xưa má sinh cô ra, ba cày cuốc trên cánh đồng để nuôi cô khôn lớn.
 
Cho đến giờ, Quyên vẫn trụ được ở thành phố này. Từ rào chắn đầu hẻm trở vào trong là thế giới riêng của Quyên và những người lao động nghèo xóm trọ. Họ đùm bọc nhau, có mớ rau, mớ thịt lại í ới chia nhau mà vẫn giữ khoảng cách 2m để được an toàn trong mùa dịch. “Xa nhau là thương nhau”, Quyên đùa, mà đúng là như thế!
 
“Ngủ đi con, ngủ ngoan! Rồi đến khi hết dịch, má sẽ đưa con về quê ngoại. Ở đó, con sẽ thấy quê mình tuyệt vời biết bao nhiêu. Con sẽ được chân trần đi trên những cánh đồng. Con sẽ được ngửi hương lúa chín đầu mùa, sẽ được ông bà ngoại yêu thương có quả ngon bánh ngọt lại để dành và thương yêu con vô điều kiện như cái cách ông bà từng yêu thương má thuở còn thơ”...
 
Quyên thỏ thẻ vào tai cu Bin mấy câu như thế trước khi thằng bé chìm vào giấc ngủ sâu. Giấc ngủ không có bóng dáng của Covid. Giấc ngủ an yên. Giấc ngủ dịu hiền.
Những con phố vẫn hồn nhiên như chưa từng có dịch.
*
“Cu Bin thấy không! Quê mình đẹp lắm! Nào, lên lưng để má cõng con qua con đê, ngồi yên cạnh má để má bơi xuồng chở con qua dòng sông rộng. Về nhà. Kìa, đó là nhà của ông bà ngoại, nhà của má, nơi má đã lớn lên và ra đi. Nơi vẫn đón đợi má trở về. Đất quê vẫn âm thầm nuôi dưỡng tâm hồn của má, rồi sẽ lại nâng đỡ bước chân con vào đời”.
 
Quyên nói như thế. Trong giấc mơ, Quyên thấy hai má con trở về với quê hương./.
 

.