Những cây đa ở Sơn Tịnh

12:09, 25/09/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sáng 21/9, cây đa ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) bất ngờ ngã đổ. Có lẽ đây là cây đa duy nhất ở bờ bắc sông Trà Khúc bị bật gốc mà không phải do bão. Nhân sự cố trên, một số người thêu dệt đủ chuyện chung quanh hiện tượng hy hữu này. Có lẽ bản thân loài cây khổng lồ ấy đã là sự linh thiêng từ trong tâm tưởng của con người, nên bất cứ hiện tượng bất thường nào xảy ra cũng đều được phủ lên một lớp sơn huyền bí. Sơn Tịnh có hàng chục cây đa “huyền bí” như thế, đã song hành cùng con người nơi vùng quê này suốt mấy trăm năm nay.
[links()]
 
Những cây đa trong ký ức
 
Cây đa là tiếng phổ thông, nhưng dân Sơn Tịnh tất thảy đều gọi là “da”- cây da. Vì vậy, các cây đa ở Sơn Tịnh đều được gọi là “da” và gắn với nó là những huyền bí. Có thể kể tên hàng loạt cây đa như thế ở Sơn Tịnh đã ăn sâu vào ký ức của người dân vùng này. Đó là Hàng Da, là cây da bà Chấp, cây da Sơn Tịnh, cây da núi Long Đầu... Xin được điểm mặt một vài địa danh liên quan đến những cây đa nói trên mà tôi từng chứng kiến hoặc nghe kể lại.
 
Cây đa di sản phía trước khách sạn Mỹ Trà, trước đây thuộc huyện Sơn Tịnh, nay thuộc TP.Quảng Ngãi.       Ảnh: Phạm Linh
Cây đa di sản phía trước khách sạn Mỹ Trà, trước đây thuộc huyện Sơn Tịnh, nay thuộc TP.Quảng Ngãi. Ảnh: Phạm Linh
Kể cũng lạ, chẳng ai lý giải cho tận ngọn nguồn vì sao đất Sơn Tịnh lại xuất hiện nhiều loài cây này như thế! Loanh quanh ở thị trấn Sơn Tịnh cũ thôi (nay là phường Trương Quang Trọng), cũng đã có đến 3 - 4 cây khổng lồ hiện vẫn trường tồn cùng mưa nắng.
 
Những người già ở làng tôi hay lấy cây đa để định vị hoặc xác nhận về một hiện tượng nào đó. Chẳng hạn như có ai nói về một sự kiện xảy ra ở gần quận lỵ Sơn Tịnh (cũ) là hay kèm cụm từ này: “Ở gần cây da bà Chấp”. Tôi không rõ “bà Chấp” có chức sắc gì ở làng không, nhưng chắc là nhà bà ấy ở gần một cây đa to. Năm 1972, khi bắt đầu học lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ), tôi phải xuống thị trấn học Trường Trung học tỉnh hạt Sơn Tịnh (Trường THPT Võ Nguyên Giáp ngày nay), ngày nào cũng đi ngang qua “cây da bà Chấp”. Là cũng nghe mấy cụ già nói vậy chứ lúc ấy thì cây đa nọ cũng không còn nữa. Cha tôi kể, cây da bà Chấp sau một lần bị sét đánh nên bị chết khô. Người ta thêu dệt chung quanh “cây da bà Chấp” bao nhiêu là chuyện hoang đường. Để rồi những chuyện như thế khiến lũ trẻ con chúng tôi mỗi khi đi ngang qua đều cắm đầu đạp xe thật nhanh. Thực ra, đó cũng là một cách “tuyên truyền” nhằm cảnh báo người đi đường chớ có núp vào dưới gốc đa rất dễ bị dông sét mỗi khi trời mưa mà thôi. Thời trẻ, mỗi khi gánh hom tre đi bán dưới chợ Bờ Đắp ở xã Tịnh Hòa, cha tôi thường ngồi nghỉ dưới gốc đa này trong đêm và xem thử có giống như người ta đồn hay không nhưng tuyệt nhiên ông chẳng thấy gì ngoài sự hoang vắng đến lạnh người vì chung quanh toàn gò mả.
 
Cây da bà Chấp không còn nữa, song những gì liên quan đến nó vẫn tồn tại rất lâu trong dân chúng. Những ông táo, bình vôi mà người dân thường “gửi” dưới gốc đa mỗi bận cuối năm vẫn còn rơi vãi khắp nghĩa địa này.
 
Một  địa danh nữa cũng liên quan đến cây đa ở vùng đất Sơn Tịnh. Không chỉ là một cây như “cây da bà Chấp” mà là cả một hàng da. Đó là hàng da nằm trên trục lộ từ thôn Phong Niên, xã Tịnh Phong lên chợ Ga, xã Tịnh Thọ hiện nay. Hàng Da không chỉ là hàng cây mà là địa danh mỗi khi ai đó nói về một trận lũ lớn. “Nước lụt băng qua Hàng Da rồi”, nghĩa là nước từ sông Trà dâng lên và chảy ra tận Hàng Da ngoài Tịnh Phong đủ biết lũ lớn đến nhường nào. Cư dân vùng Sơn Tịnh nằm phía đông đường sắt, cách sông Trà dăm mười cây số mà nghe “nước băng qua Hàng Da” là đồng nghĩa với việc đang có lụt lớn. Khi tôi lớn lên thì hàng da ấy cũng không còn, cũng không rõ vì lý do gì mà người ta chặt cả một hàng da như thế. Dù không còn một dấu vết nào sót lại của hàng da, song dân vùng Tịnh Phong, Tịnh Thọ ai cũng biết địa danh Hàng Da gắn liền với một thời gian khó của mình.
 
Cây di sản trong lòng dân
 
Trong những cây đa hiện hữu tại bờ bắc sông Trà hiện nay thì có lẽ cây đa vừa đổ hôm 21/9 là lâu đời nhất. Khi người Pháp làm đường cái quan ngang qua đây, hẳn nhiên cây đa ấy đã có từ trước đó rồi. Cả trăm năm qua, bao nhiêu bận mở rộng đường số 1 nhưng cây đa này tuyệt nhiên không ai dám đụng vào. Nhìn gốc cây u nần và sần sùi như thế đủ để biết tuổi thọ của nó lên đến hàng trăm năm chứ không ít.
 
Cây đa ấy cũng đã gồng mình chịu đựng biết bao cơn bão lớn nhỏ càn qua nó suốt mấy trăm năm nhưng cây chẳng ngã vì bão lớn mà đổ không vì một lý do nào rõ ràng cả. Một điều lạ nữa là, trong lúc các cây đa khác ở Sơn Tịnh, tuổi thọ ít hơn nhưng được công nhận là “cây di sản”, như cây đa cạnh khách sạn Mỹ Trà chẳng hạn, còn cây đa vừa ngã đổ thì lại không! Có lẽ nó đã là cây di sản trong lòng người dân Sơn Tịnh từ thuở nào rồi.
Cây đa thường gắn liền với các di tích lịch sử hoặc các đình chùa, miếu mạo. Thế nhưng, phần lớn các cây đa ở Sơn Tịnh thì không nằm trong quy luật đó. Nó đứng độc lập và luôn tỏa bóng như một thách thức với mọi khắc nghiệt của một vùng đất lắm mưa bão và nhiều nắng gió này.
 
Như một quy luật ở đời, có sinh thì có diệt, song cây đa trăm tuổi bỗng dưng ngã đổ, để lại một khoảng trống tiếc nuối mênh mông của bao lớp người vùng đất này. Những đàn chim xanh từ nay không còn về mỗi mùa cây cho quả chín nữa... 
 
TRẦN ĐĂNG
 
 
 

.