Nhận diện thơ Bích Khê

07:07, 18/07/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cho đến cuối năm 1988, khi Sở Văn hóa - Thông tin Nghĩa Bình phát hành rộng rãi tập thơ Bích Khê thì di sản thơ ca của người con miền núi Ấn- sông Trà này mới có dịp đến với bạn đọc tương đối đầy đủ. Nói “tương đối”, bởi vì một số không ít thơ Bích Khê đã bị thất lạc vì nhiều lý do, mà đến nay thật khó lòng tìm lại.

TIN LIÊN QUAN

Những tác phẩm được công bố chỉ mấy dòng thơ cũ, Tinh huyết, Tinh hoa, và phần phụ lục - với lời giới thiệu kỹ lưỡng và trân trọng của nhà thơ Chế Lan Viên. Nhưng dẫu sao những gì còn lại cũng đủ xác nhận Bích Khê như là một khuôn mặt độc đáo, một con “khổng tước” (chữ của Quách Tấn) trong làng thơ mới, đáng cho chúng ta tìm đến với tấm lòng trân trọng, thông cảm và thương yêu.

Một số ấn phẩm về thơ Bích Khê.
Một số ấn phẩm về thơ Bích Khê.


Đọc thơ Bích Khê, ta dễ dàng nhận ra một đặc điểm nổi bật, đó là tính cách tân. Chế Lan Viên đã nói rất đúng: “Bích Khê làm thơ, còn Hàn Mặc Tử bị thơ làm” (giới thiệu “thơ Bích Khê”). Bài Duy Tân được Hoài Thanh tuyển trong “Thi nhân Việt Nam” chính là một “Tuyên ngôn nghệ thuật”: Đường kiến trúc nhịp nhàng theo điệu mới/ Của lời thơ lắng đẹp. Hạt châu trong/ Hạt châu trong ngời nhỏ giọt vô lòng/ Tràn âm hưởng như chiều thu sóng nắng... Một hỗn hợp đẹp xô bồ say dậy/ Bằng cảm tình, bằng hình ảnh yêu thương/ (Ai có nghe sức tiềm tàng bí mật?)/ Thơ lõa thể! Giai nhân, tuần trăng mật/ Nữ thần ơi! Ta nô lệ bên người.

Đi từ tâm trạng suy tư của chính mình, tìm kiếm, nắm bắt và khai thác tích cực thủ pháp của các bậc thầy phương Tây từ Edgar Poe, Mallarmé đến Rimbaud, Valéry... đồng thời tận dụng nguồn năng lực “Tiềm tàng bí mật” của thi ca và văn hóa Đông Phương, Bích Khê đã tìm ra một con đường riêng, một bản sắc riêng, vừa gần gũi, vừa không giống bất cứ một nhà thơ mới nào, kể cả Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên, hai người bạn tri kỷ trong đời và trong thơ. Ở “Tinh huyết” và đặc biệt là “Tinh hoa” sau này, nhà thơ đã “duy tân” triệt để, từ cách dùng chữ đến cách ngắt câu, từ cách tạo hình ảnh đến điệu thơ.

Một đặc điểm nữa ở Bích Khê là sự say mê tìm kiếm “nguồn hoan lạc vô viên” nơi xứ sở huyền diệu của âm thanh và hình ảnh bằng một trực giác mạnh mẽ, đầy đủ năng lực thâm nhập vào thế giới bên trong của sự vật. Đặc điểm thứ ba của thơ Bích Khê là sự say đắm và ngợi ca nhục cảm một cách thuần khiết, mỹ lệ và thanh tao.

Bích Khê đi xa để tìm kiếm khác lạ nhưng cũng để tìm thấy chính mình. Càng về sau, trong thơ Bích Khê, dấu vết kỹ thuật, những tìm tòi hình thức, bút pháp, dường như biến mất, nói cách khác là đã tan vào tình ý, xúc cảm. Hiện rõ dần, rõ dần một Bích Khê ray rứt, đau thương và gần gũi, chân thành.

Bệnh tật hiểm nghèo cướp mất Bích Khê, như đã cướp Hàn Mặc Tử, giữa tuổi hoa niên, khi tài thơ đang độ chín. Những ngày cuối đời, trên giường bệnh, Bích Khê đã nguyện cầu: Sau nghìn năm nữa trên trần thế/ Hồn vẫn về trong bóng nguyệt soi. Vâng! Bích Khê vẫn đi về với Thu Xà, với sông Trà, núi Ấn, với đất nước, quê hương và quê hương, đất nước cũng đã mở lòng đón tấm linh hồn chân thật ấy.

Bài, ảnh: Lê Hồng Khánh
 


.