“Ăn thì ăn không ăn thì biến!”

10:07, 18/07/2012
.

* Thanh Thảo


(QNĐT)- Đó được coi là câu “slogan” của một số quán ăn Hà Nội bây giờ. Nghe rất mạnh mẽ và bất cần, nhưng cũng đậm đà chất “văn hóa đường phố”, có thể về một mặt nào, nó cũng “vừa dân tộc vừa hiện đại”.
 

TIN LIÊN QUAN


Nói như thế không phải nói xấu dân tộc mình, nhưng đúng là khó tìm thấy ở bất cứ thủ đô nào trên thế giới lại có cách ứng xử lạ lùng với thực khách như ở thủ đô Hà Nội. Không phải tất cả các quán ăn, nhà hàng ở Hà Nội đều như thế. Nhưng cũng không phải chuyện “một con sâu làm rầu nồi canh”, vì nói như một vị lãnh đạo của ta thì, "có cả bầy sâu" chứ không chỉ một vài con.

Từ đâu có cách ứng xử này?
Phải nói ngay, gốc rễ của nó là từ thời bao cấp, cụ thể là từ thời “mậu dịch quốc doanh”. Thời đó, khách hàng không có sự lựa chọn, và “Thượng đế” chính là người bán chứ không phải người mua. Những cô mậu dịch viên có thể xinh đẹp hay không, nhưng trước những dòng người xếp hàng bất tận chờ tới lượt mình mua chút khẩu phần ít ỏi trong tem phiếu, thì tâm lý “bà chủ” không thể không nảy sinh.

Ảnh internet - có tính minh hoạ
Một quán ăn ở Hà Nội (Ảnh internet - có tính minh hoạ)


Cũng có khi do mệt quá, bán hàng từ sáng tới trưa luôn tay nên không nén nổi bực dọc. Nhưng nhiều hơn, là tâm lý thấy người ta phải quỵ lụy mình, tâm lý ban ơn cho người khác đã tạo nên những cách ứng xử và nói năng “không giống ai” của một số mậu dịch viên.

Điều lạ lùng, nhưng thực ra không lạ, là người mua, hay khách hàng, nghe quen những lời khó nghe này tới mức không còn có phản ứng gì. Họ cam chịu.

Chính những chủ quán một số quán tư nhân hôm nay, khi hàng hóa không còn phải phân phối, khi chuyện “xếp hàng cả ngày” đã chấm dứt từ lâu, nhưng do tâm lý “Thượng đế… mậu dịch viên” chưa chấm dứt trong họ, mà biến thái ở đương đại, nên họ vẫn tiếp tục hành xử như “thưở xa xưa” với khách hàng.

Dĩ nhiên, những quán tự cho mình có quyền “cửa quyền” với khách hàng đều là những quán ngon, có những món ăn nổi tiếng. Những quán ăn dở, thì cho ăn kẹo cũng không dám mặt nặng mày nhẹ với khách hàng.

Đừng nói đó cũng là “một phần tất yếu” trong văn hóa của người Tràng An, e hàm oan cho cha ông ta xưa ở Hà Nội. Cái “văn hóa… chửi” này, bảo đảm, chỉ xuất hiện từ hồi chống chiến tranh phá hoại của Mỹ trên miền Bắc. Thời đó, tôi đang học đại học ở sơ tán, nhưng mỗi năm cũng tìm cách “lượn” về Hà Nội nhiều lần, nên thấu hiểu cách cư xử mới nảy sinh này.

Có thể là từ một quán bia hơi (quốc doanh, dĩ nhiên), có thể là từ một cửa hàng MDQD (mậu dịch quốc doanh), có thể từ một điểm bán hàng lưu động nào đó (cũng của mậu dịch) mà ở đó, lần đầu tiên tôi nghe người Hà Nội… chửi, nói tục, hay mắng mỏ khách hàng. Nói thật, hồi đó, rất ít khách hàng dám phản ứng, trừ đôi lúc có một chú hay anh… thương binh, những người đã không tiếc máu xương ở chiến trường, những người vì quá thất vọng với cách “hành xử mới” này ở đất Thủ đô nên đã lên tiếng.

Nhiều khi họ phản ứng rất quyết liệt, và được đông đảo khách hàng ủng hộ trong… thầm lặng. Ủng hộ ra mặt thì sợ bị… trù úm, không mua được cốc bia tươi hay miếng thịt ngon, nên đành bày tỏ sự hưởng ứng với những người có “tinh thần phản biện” kia trong thầm lặng vậy.

Đó cũng là một nét văn hóa của người Hà Nội, họ không thích “dây” vào những chuyện rắc rối, họ thường ăn nói nhỏ nhẹ nên không biết phản ứng lại những lối “ăn to nói lớn” của những “Thượng đế-mậu dịch viên” theo kiểu nào cho phải.

Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là những “truyền nhân” của những “phở quát cháo chửi” bây giờ lại là những chủ quán tư nhân, chứ không phải quốc doanh. Tại sao họ là chủ những cửa hàng tư nhân mà lại hành xử theo kiểu cửa quyền của những “bà chủ cửa hàng quốc doanh” ngày xưa nhỉ?

Ở quê tôi bây giờ, sau khi mậu dịch quốc doanh đã cáo chung mấy chục năm, nhưng vẫn còn một sản phẩm đường hoàng mang tên "quốc doanh" tồn tại và được khách hàng đón nhận rất nồng nhiệt, đó là “bánh mỳ quốc doanh”. Không hiểu vì sao thời bao cấp khó khăn mà ở thị xã quê tôi lại sản xuất được một thứ bánh mỳ ngon đến thế, khiến cái tên “quốc doanh” trở nên niềm tự hào còn mãi tới bây giờ, và hứa hẹn sẽ còn sống lâu hơn nữa. Nhưng đó chỉ là trường hợp hết sức cá biệt.

Cái cách nhìn khách hàng khinh khỉnh, nửa con mắt, cách lườm nguýt “mắt có đuôi” mà một số chủ quán ở Hà Nội bây giờ vẫn thực thi, đúng là bắt nguồn từ các cô mậu dịch viên ngày xưa. Tôi đã từng bao lần đi xếp hàng từ 3 giờ sáng để mua thịt, tôi biết. Chỉ có điều lạ, là bây giờ có người vẫn muốn dùng cách ứng xử tệ hại như thế với khách hàng đương đại, những người có thừa sự lựa chọn và không hề phụ thuộc vào bất cứ thứ gì, trừ ví tiền của mình.

Nhưng đúng “rằng quen mất nết đi rồi”, nên…chửi cho nó sướng cái miệng, không chửi không chịu được. Còn khách hàng, có khi cũng vì chót… nghiện món… chửi mất rồi, coi nó như một thứ gia vị độc đáo, nên vẫn hàng ngày chấp nhận nghe chửi để xơi cho… khoái khẩu.

Con người, mãi mãi là một bí mật.               
 


.