Ký ức về một hòn đảo xanh

10:07, 09/07/2012
.

(QNg)- Cách đây hơn 37 năm về trước, sau khi đảo Lý Sơn được giải phóng hơn vài tháng, Đoàn 10 Pháo binh có lệnh của trên đưa toàn bộ đơn vị ra trấn giữ và bảo vệ vùng biển, trời của Tổ quốc. Để chuẩn bị cho "Đại đoàn" quân ra đảo, chúng tôi một nhóm cán bộ chiến sĩ gồm bốn người đi tiền trạm để lo việc đo tọa độ cho đài chỉ huy và trận địa pháo. Bốn người đi lần đầu tiên này gồm một Tiểu đoàn phó chính trị, một B trưởng chỉ huy, hai chiến sĩ trinh sát - kế toán pháo binh trong đó có tôi.

Không thể diễn tả hết nỗi háo hức của tôi trước một vùng đất mới, mà đó lại là một hòn đảo cách xa đất liền gần 30km. Sau hơn ba giờ vượt sóng, từ xa tôi đã thấy giữa biển hiện lên một dải xanh rì, lô nhô nhú lên những ngọn núi từ thấp đến cao trông như nàng con gái đang ngửa mình nhìn lên trời xanh thẳm.

Đó là năm ngọn núi trải dài từ đông sang tây mà dân Lý Sơn gọi là Ngũ Linh trong đó cao nhất là ngọn Thới Lới với 169 mét so với mặt nước biển mà bản đồ quân sự lúc đó ghi nhận. Đến gần bờ, điều làm tôi cảm thấy mát dịu giữa cái nắng chói chang là một rừng dừa bạt ngàn đến hút tầm mắt nằm dọc theo bờ đảo phía nam chạy dài từ xã Bình Vĩnh (nay là An Vĩnh) đến tận giáp giới hòn Mù Cu Bình Yến (An Hải). Không rõ, dừa đâu mà nhiều đến thế! Sau khi ở với dân tìm hiểu tôi được biết dừa được trồng qua nhiều thế hệ có đến hơn 50.000 cây trên đảo.

Cánh đồng hành Lý Sơn.              Ảnh: Internet
Cánh đồng hành Lý Sơn. Ảnh: Internet

Hầu như nhà nào cũng có năm, bảy cây, có nhà có cả vườn dừa. Dừa Lý Sơn cơm dày, béo và nước thì ngọt đến lạ kỳ. Có lẽ nó được hun đúc một bên là hơi thở của muối biển và một bên là đất bazan được hình thành hàng triệu triệu năm về trước. Đây là món quà vô giá của thiên nhiên ban tặng, có lẽ vậy nên người dân thuở đó không xem dừa là nguồn thu nhập mà chỉ làm quà để mát lòng cho khách đường xa… Đêm, cột võng nằm dưới tán lá dừa, xuyên qua kẽ lá là ánh trăng mát dịu, bên ngoài tiếng sóng biển rì rầm gợi nhớ một làng quê thanh bình và ít ai nghĩ rằng cả đất nước vừa trải qua một cuộc chiến tranh ác liệt.

Cả tuần lễ hầu như nơi nào trên đảo chúng tôi cũng đến, nhất là những núi cao, rừng rậm. Có điều ở đảo này rừng tuy ít nhưng rừng vẫn còn nguyên không ai chặt phá. Khi đi băng qua khu rừng để lên ngọn Thới Lới, tuy lượn theo đường mòn nhưng rừng dày đặc. Rừng lý Sơn cây không to, lớn nhất cũng bằng bắp chân và chằng chịt ràng buộc nhau bởi những cây gai có lá. Có phải vậy mà rừng chịu đựng được gió lộng cả bốn mùa và trụ vững trước những cơn bão lớn chăng? Tôi có hỏi em Sơn - người dẫn đường, vì sao người dân không đốn rừng để làm củi đun bếp? Em giải thích rất thành thật: "Những gia đình nghèo - như em, thì dùng chất đốt bằng vỏ trái dừa, cành, bẹ dừa, những cây củi khô trên núi; giàu một tí thì nấu bằng "Rờ sô" (bếp dầu) còn tuyệt đối không ai đốn cây xanh làm củi cả, bởi mọi người đều ý thức được rằng nếu chặt cây đồng nghĩa với việc trên đảo sẽ không còn nước…". Ra vậy, hằng chi suối Chình cụt ngủn nhưng vẫn có nước quanh năm và hàng chục cái giếng khác không bao giờ cạn nước kể cả mùa hè nắng rát.

 

Lý Sơn thuở đó, ngoài rừng dừa, rừng cây trên núi còn có những loại cây ăn trái mà đến tận bây giờ khi nhắc lại tôi vẫn còn thèm. Đó là cây mận, cây mãng cầu, cây khế… đều cho trái ngon với hương vị đặc trưng, đậm đà của vùng đất đảo và nhất là dưa hấu, khi chín ngọt đến tận vỏ xanh. Điều dễ nhận thấy nữa là cây dâm bụt và cây keo lá nhỏ. Hai loại cây này người dân trồng để chắn gió từng thửa ruộng hành, tỏi. Đến mùa, trên cánh đồng tỏi, hành ở Đồng Hộ nổi lên cả một màu đỏ tươi của hoa dâm bụt gợi nhớ trong tôi màu phượng hồng thời còn đi học. Còn lá keo xanh được ủ để làm phân bón, tốt tươi không gì sánh kịp…

Đó là Lý Sơn của những năm 70 của thế kỷ trước, còn bây giờ… Năm 2008, tôi được "ủy quyền" của Hội VHNT tỉnh đưa các anh nhạc sĩ của Hội Nhạc sĩ Việt Nam ra thăm đảo nhân các anh về họp BCH thường niên tại Quảng Ngãi. Điều đầu tiên cảm nhận là màu xanh trên đảo gần như biến mất. Rừng dừa rậm rì năm xưa nằm quanh phía nam đảo giờ còn mấy cây khẳng khiu, trơ trọi trông như dừa cảnh mới trồng ở các khu Resort. Năm ngọn núi hầu như không còn màu xanh cây lá, duy chỉ trên ngọn Thới Lới còn lại một ít cây dứa dại nhưng chơ vơ, đơn độc.

 

Các cụ cao niên, các bạn bè cùng thế hệ đều tỏ ra bức xúc khi tôi đặt vấn đề tại sao để đảo mất màu xanh. Họ đều nói rằng, sau giải phóng bộ đội thì có than đá để làm chất đốt, còn dân thì chỉ nhìn vào mấy cây dừa. Hết vỏ trái dừa, bẹ, tàu (lá) đến lúc phải vạt cả vỏ cây dừa để làm củi đốt. Đối với dầu hỏa không có để mà thắp đèn lấy đâu mà dùng đốt "rờ sô". Còn nấu bằng gas lại càng là chuyện viễn tưởng.  Cùng lúc "vặt" cây dừa ở bờ đảo là tiến lên "hủy diệt" rừng cây trên núi. Cạnh đó, biển xâm thực ghê gớm, đất đai không tăng nhưng con người không thể không sinh sản và chuyện chặt dừa lấy đất để sản xuất, làm nhà là lẽ đương nhiên. Và cứ thế, cứ thế đảo xanh Lý Sơn chẳng mấy chốc hẹp lại và trở thành đảo “trọc" nắng, nóng như bây giờ.

Chủ trương trồng lại cây xanh trên đảo là hoàn toàn hợp lòng dân và đúng quy luật, nhất là đảo Lý Sơn đang trở thành đảo du lịch và cấp bách cho công tác môi trường, quốc phòng, an ninh. Nhưng trồng cây gì cũng cần xem lại bởi đất đai khí hậu không giống như đất liền. Điều cần kíp phải giáo dục cho thế hệ trẻ từ mẫu giáo đến hệ phổ thông có ý thức về bảo vệ cây, rừng trên đảo. Cần tham khảo ý kiến của các vị cao niên trên đảo xem trồng cây gì mà năm xưa đã sống thành rừng, cần thiết phải gây lại giống. Hy vọng rằng, mười, mười lăm năm sau, đảo Lý Sơn sẽ phát triển toàn diện trong đó có màu xanh của cây lá như màu xanh trong ký ức của mọi người về hòn đảo một thời…


Minh Điền

 


.