"Nút thắt" thiếu giáo viên (kỳ cuối)

08:05, 09/05/2019
.
Kỳ cuối: Tìm lối ra cho việc thiếu giáo viên
 
(Báo Quảng Ngãi)- Thiếu giáo viên (GV) là thực trạng đã diễn ra từ nhiều năm nay. Nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học, các địa phương đã hợp đồng GV, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế. Do vậy, để khắc phục tình trạng thiếu GV đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ.
TIN LIÊN QUAN

Thiệt thòi giáo viên hợp đồng

Theo thống kê của ngành nội vụ, toàn tỉnh có khoảng 700 GV hợp đồng tại các cơ sở giáo dục, tập trung từ mầm non đến THCS. Các địa phương hợp đồng theo nhiều kiểu khác nhau, có nơi UBND huyện hợp đồng, có nơi do trường và UBND huyện hợp đồng. Một số địa phương hợp đồng GV giảng dạy đủ số tiết, nhưng cũng có đơn vị chỉ hợp đồng GV giảng dạy 5-6 tiết/tháng, dẫn đến thu nhập của GV hợp đồng không giống nhau.
 Sơn Tây là một trong số những địa phương đi đầu trong việc xóa điểm trường lẻ.
Sơn Tây là một trong số những địa phương đi đầu trong việc xóa điểm trường lẻ. Trong ảnh: Cô và trò Trường Tiểu học Sơn Tân (Sơn Tây).

Phải thừa nhận rằng, những đóng góp của GV hợp đồng góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo việc thực hiện chương trình năm học theo quy định. Tuy nhiên, GV hợp đồng chịu rất nhiều thiệt thòi về vật chất lẫn tinh thần. Trung bình mỗi GV chỉ nhận khoảng từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng, tương đương với số tiền 40 nghìn đồng/tiết. Không chỉ lương thấp mà GV hợp đồng luôn thường trực nỗi lo bị chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc an tâm công tác của họ. Ấy vậy mà có nhiều thầy cô giáo phải dạy hợp đồng hơn chục năm vẫn chưa được vào biên chế chính thức.

Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bá Loan (Mộ Đức) Nguyễn Văn Chương thổ lộ: "Hằng năm, trường có từ 11 - 15 GV hợp đồng. Trong đó, một số GV hợp đồng 14 - 15 năm, nên đời sống rất khó khăn. Điều mà các thầy cô giáo mong muốn là địa phương bố trí biên chế, để họ an tâm công  tác". Thiệt thòi là vậy, nhưng họ vẫn luôn phấn đấu và gắn bó với nghề.

Gần 20 năm ra trường, cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy, dạy môn tiếng Anh, đã bị gián đoạn việc dạy học trong một thời gian, vì nhiều lý do khác nhau. Năm học 2018-2019, cô Thủy xin về dạy hợp đồng tại Trường THCS Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi), mỗi tiết dạy chỉ được nhận 40.000 đồng. Tuy nhiên, từ tháng 1.2019 đến nay, cô Thủy cũng như hàng trăm GV hợp đồng khác không biết đến tiền lương.

“Chồng đi làm ăn xa, một mình tôi phải lo cho bố mẹ già và 2 con nhỏ. Trong khi đó, bố bị tai biến nằm một chỗ, nên cuộc sống khó khăn trăm bề. Đã vậy, giờ vẫn chưa được nhận lương, nên cuộc sống càng bấp bênh hơn”, cô Thủy bộc bạch.

Hiệu trưởng Trường THCS Trương Quang Trọng Đặng Minh Hùng cho biết: “Hiện trường có 3 GV hợp đồng, do vướng quy định, nên từ tháng 1.2019 đến nay các thầy cô không được chi trả tiền lương. Nhà trường đã mượn các nguồn quỹ cho GV tạm ứng để xoay xở cuộc sống. Tuy nhiên, nhà trường cũng chỉ giải quyết cho GV trong 3 tháng thì hết nguồn”.

Không chỉ thiệt thòi về chế độ tiền lương, một số GV hợp đồng cũng không được đóng BHXH. Việc này dù sai quy định theo Bộ luật Lao động, nhưng đơn vị sử dụng không có tiền để đóng BHXH cho người lao động. Đó là thiệt thòi về vật chất.

Trong môi trường làm việc, GV hợp đồng còn chịu áp lực tâm lý với các đồng nghiệp cùng đơn vị. Công việc và trách nhiệm họ ngang nhau, thậm chí còn nặng nề hơn, nhưng quyền lợi và chế độ thì không thể bằng các GV biên chế. Đã thế, trong 4 tháng đầu năm 2019, thực hiện Nghị định 161 của Chính phủ về chấm dứt hợp đồng lao động tại các đơn vị hành chính sự nghiệp, nên Kho bạc Nhà nước không giải ngân chi trả lương cho GV hợp đồng.
 
Hệ quả là hơn 700 thầy cô giáo giảng dạy không lương đã 4 tháng nay. Điều này đã làm ảnh hưởng đến đời sống và gây tâm lý hoang mang đối với đội ngũ GV hợp đồng. Trong khi đó, chỉ còn một tháng nữa là kết thúc năm học 2018 - 2019.

Trước phản ánh của các địa phương, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi thanh toán tiền lương cho các GV, người lao động hợp đồng ở các cơ sở giáo dục, y tế. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng có văn bản gửi Bộ Nội vụ cho phép tuyển dụng viên chức sự nghiệp GD&ĐT, y tế tại các địa phương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, để đảm bảo hoạt động giảng dạy, khám và điều trị tại cơ sở.
 
Đây là tin vui đối với những GV đang ngày ngày đứng lớp. Nhưng đấy chỉ là giải quyết tạm thời. Bài toán thiếu GV và đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ nhà giáo cần có những giải pháp căn cơ, mang tính lâu dài hơn.
 
"Trong tháng 5.2019, Sở Nội vụ sẽ thẩm định cho 14 huyện, thành phố sắp xếp xong đề án sáp nhập các trường tiểu học, THCS và các trường mầm non. Việc thẩm định của Sở Nội vụ cũng chính là quá trình sàng lọc để xem số lượng giáo viên và viên chức thiếu chính xác là bao nhiêu. Sở Nội vụ đã làm việc với lãnh đạo Sở GD&ĐT và trong tháng 5 này sẽ ban hành kế hoạch thu hồ sơ. Năm nay, 14 huyện, thành phố vẫn tổ chức thi như kỳ thi trước. Nếu huyện nào có chỉ tiêu thấp thì ghép với huyện liền kề để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, đề thi và đáp án chấm thi phải do Sở GD&ĐT thực hiện. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tổ chức thi tuyển các viên chức khác như kế toán, văn thư, y tế học đường... theo đề án vị trí việc làm".
Giám đốc Sở Nội vụ ĐOÀN DỤNG
Giải pháp nào cho bài toán thiếu giáo viên?

Với thực trạng thiếu, thừa GV diễn ra trong nhiều năm qua, ngành giáo dục cần có những giải pháp căn cơ và có lộ trình để đảm bảo ổn định đội ngũ. Trong đó, cần chú trọng đến công tác quy hoạch và dự báo về đội ngũ theo lộ trình hằng năm, để có phương án tuyển dụng phù hợp.

Bên cạnh việc đảm bảo về số lượng, cần phải có những chính sách đào tạo bồi dưỡng GV đáp ứng với những thay đổi, phân công giảng dạy kiêm nhiệm theo nhu cầu thực tế, đồng thời đáp ứng với những bộ môn mới theo chương trình phổ thông mới. Ở tỉnh ta, thực hiện Nghị quyết 19 NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Sở GD&ĐT và các địa phương trong tỉnh đang triển khai việc sáp nhập các trường học, nhằm tinh gọn biên chế, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Hiện nay, các địa phương đang tiến hành sắp xếp lại mạng lưới trường lớp học. Trong đó, huyện Tư Nghĩa đã rà soát và quy hoạch  thành lập các trường đa cấp học, giảm đi bộ máy và tập trung tinh giản đội ngũ. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tư Nghĩa Trương Quang Dũng cho biết: UBND huyện Tư Nghĩa đã xây dựng Đề án sáp nhập một số đơn vị trường học, trong đó sẽ sáp nhập các trường tiểu học trên cùng một địa bàn xã, để mỗi xã chỉ có một trường tiểu học. Trước mắt địa phương sẽ thành lập Trường cấp 1- 2 La Hà. Theo lộ trình đến năm 2021 sẽ sáp nhập 6 trường tiểu học thành 3 trường. Đến năm 2030 hợp nhất trường cấp 1-2, để mỗi xã chỉ có 1 trường mầm non và 1 trường cấp 1-2.

"Việc sáp nhập trường lớp và hình thành trường đa cấp học sẽ giúp tinh gọn bộ máy; đồng thời giúp theo dõi học sinh được liên tục từ cấp 1 lên cấp 2. Cơ sở vật chất cũng được tập trung đầu tư, tạo điều kiện trong việc tổ chức các hoạt động", ông Dũng nhấn mạnh.

Ở huyện Đức Phổ, trong thời gian tới, huyện sẽ hoàn thành việc sáp nhập 14 trường tiểu học và THCS thành 7 trường tiểu học, trường THCS và trường liên cấp tiểu học và THCS. Các huyện miền núi đã và đang sáp nhập các điểm trường lẻ, nhằm tinh gọn bộ máy, giải quyết tình trạng thiếu GV. Trong đó, Sơn Tây là một trong số những địa phương dẫn đầu về việc xóa các điểm trường lẻ. Trưởng phòng GD&ĐT Sơn Tây Bùi Thế Giới chia sẻ: “Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND huyện sáp nhập một số trường, điểm trường. Đến thời điểm này, địa phương đã giảm 16 điểm lẻ, với 50 lớp, tương đương 82 GV. Như vậy, khi thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, Sơn Tây cơ bản đảm bảo tỷ lệ GV đứng lớp theo Thông tư 16 của Bộ GD&ĐT”.

Để giải quyết rốt ráo bài toán thiếu GV như hiện nay, ngoài việc dự báo, quy hoạch, thì việc đẩy mạnh thực hiện các đề án quy hoạch mạng lưới trường, lớp học là rất quan trọng. Từ đây, các cơ sở giáo dục sẽ nắm bắt được nhu cầu GV, nhân viên trong từng năm, để có lộ trình đảm bảo số lượng GV vừa đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng chuyên môn phục vụ cho phát triển giáo dục địa phương.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 

.