"Nút thắt" từ thiếu giáo viên (kỳ 1)

02:05, 08/05/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây chất lượng giáo dục ở Quảng Ngãi được nâng lên. Tuy nhiên, vẫn còn những "nút thắt" cần được tháo gỡ, trong đó thiếu giáo viên (GV) là "nút thắt" lớn nhất hiện nay. Mặc dù Quảng Ngãi đã tổ chức thi tuyển GV, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu dạy học. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến việc nâng cao chất lượng giáo dục bền vững và gây trở ngại trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới trong thời gian đến.

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 1: Loay hoay giải "bài toán" thiếu giáo viên

Hầu hết các huyện trên địa bàn Quảng Ngãi đều thiếu GV. Câu chuyện thiếu GV đứng lớp đã tiếp diễn từ nhiều năm nay. Dù năm 2017, qua kỳ thi tỉnh ta đã tuyển được 1.600 chỉ tiêu, nhưng con số này chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tiễn.


Đến thời điểm hiện tại, ngành giáo dục thiếu trên 1.000 cán bộ, GV và nhân viên. Vậy đâu là nguyên nhân?

Vừa tuyển đã thiếu

Mặc dù đợt tuyển dụng viên chức GV năm 2017, tất cả các huyện đều tiến hành tổ chức thi tuyển. Tuy nhiên, theo thông tin từ Sở Nội vụ, hầu hết các huyện đều thiếu GV, với số lượng khoảng 700 người. Để đảm bảo cho công tác giảng dạy, thực hiện đúng chương trình năm học, các trường học đã chủ động "chữa cháy" bằng cách hợp đồng GV, nhân viên.

Để rồi vướng mắc phát sinh, khi Nghị định 161 của Chính phủ được ban hành yêu cầu chấm dứt hợp đồng lao động tại các đơn vị sự nghiệp (trong đó có các đơn vị giáo dục) kể từ tháng 1.2019. Trong  đó, huyện Mộ Đức là một trong những địa phương bị ảnh hưởng "nặng" nhất, khi đã ký hợp đồng 134 GV. Huyện Tây Trà cũng đang hợp đồng với 67 GV và 34 nhân viên...

Thành phố Quảng Ngãi là địa phương có số lượng GV thiếu nhiều nhất hiện nay. Trong ảnh: Cô và trò Trường Tiểu học Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi).
Thành phố Quảng Ngãi là địa phương có số lượng GV thiếu nhiều nhất hiện nay. Trong ảnh: Cô và trò Trường Tiểu học Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi).


Theo Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Tư Nghĩa Trần Thanh Tịnh: "Cuối năm 2017, địa phương đã tổ chức thi và đã tuyển 110 GV trên tổng số 111 chỉ tiêu. Tuy nhiên, hiện tại Tư Nghĩa vẫn thiếu hàng chục GV. Để đảm bảo đủ số lượng GV đứng lớp, trong năm học này, huyện có nhu cầu tuyển dụng 62 chỉ tiêu. Tuy nhiên, theo thống kê của Phòng Nội vụ Tư Nghĩa, thì từ ngày 1.8 đến 31.12.2019, dự kiến có tối thiểu 13 GV nghỉ hưu. Như vậy, kỳ thi tuyển cho năm học 2018-2019 chưa thực hiện, thì số GV của năm học tiếp theo lại phải hụt do nghỉ hưu và nhiều nguyên nhân khác, nên số GV sẽ lại tiếp tục thiếu".

Thành phố Quảng Ngãi là địa phương thiếu GV nhiều nhất hiện nay. Trưởng phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi, TS.Nguyễn Văn Hưng, cho biết: Dựa trên chỉ tiêu biên chế được giao so với số lượng GV hiện có thì TP.Quảng Ngãi còn thiếu 120 GV. Theo quy định từ nay đến năm 2021, thành phố sẽ tinh giản 10% biên chế, nhưng việc tinh giản là không phù hợp đối với ngành giáo dục. Bởi trên thực tế, hiện tại TP.Quảng Ngãi đang hợp đồng 200 GV để đảm bảo cho hoạt động giảng dạy.

Chất lượng giáo dục luôn gắn liền với đội ngũ GV và cán bộ quản lý giáo dục. Một khi lực lượng GV không ổn định sẽ dẫn đến chất lượng giáo dục cũng rất bấp bênh. Vì thế, cần sớm ổn định đội ngũ GV để đảm bảo phát triển giáo dục bền vững trong thời gian đến.

"Để đảm bảo thực hiện Nghị quyết 29- NQ/TW đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng. Trong khi đó, sự biến động của đội ngũ cán bộ, giáo viên thường xuyên diễn ra, nhưng công tác tuyển dụng không thể dự phòng, nên việc thiếu giáo viên vẫn luôn tiếp diễn. Trong thời gian tới, ngành GD&ĐT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh có hướng chỉ đạo địa phương thực hiện căn cơ các giải pháp, nhằm góp phần khắc phục tình trạng thừa và thiếu giáo viên như hiện nay".

Giám đốc Sở GD&ĐT  ĐỖ VĂN PHU

Đâu là nguyên nhân?

Vấn đề đặt ra là, vì sao tỉnh đã tổ chức thi tuyển GV vào cuối năm 2017, nhưng đến nay Quảng Ngãi vẫn thiếu GV? Theo lý giải của các nhà quản lý giáo dục, việc thiếu GV sau thi tuyển có nhiều nguyên nhân. Trong đó, việc tăng dân số cơ học, quy mô trường lớp phát triển, dẫn đến số lượng lớp tăng đòi hỏi phải tăng GV đứng lớp.

 Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển viên chức giáo viên vào cuối năm 2017.
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển viên chức giáo viên vào cuối năm 2017.


Cùng với đó, những quy định của Bộ GD&ĐT về định mức GV đứng lớp tăng. Theo Thông tư số 16 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, thì số GV dạy 2 buổi/ngày phải đáp ứng tỷ lệ 1,5 GV/lớp, thay vì 1,2 GV/lớp như học 1 buổi/ngày. Hơn nữa, theo chương trình giáo dục phổ thông và thay sách giáo khoa mới thì các trường phải đáp ứng việc dạy 2 buổi/ngày.

Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Trà Nguyễn Hữu Duy cho hay: "Để đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc tiểu học, các cơ sở giáo dục tiến dần đến việc dạy 2 buổi/ngày và theo quy định của Thông tư 16, thì số lượng GV đứng lớp sẽ tăng. Bên cạnh đó, hằng năm số lượng GV nghỉ hưu theo đúng độ tuổi, nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 108 chưa kịp bổ sung, dẫn đến thiếu số lượng lớn GV ".

Còn đối với nhân viên, để đảm bảo trường đạt chuẩn mức độ 3 thì phải có 5 nhân viên, gồm: Thư viện, kế toán, văn thư, thủ quỹ, y tế. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị trường học thiếu các vị trí nhân viên trên, hoặc nếu có thì cũng là hợp đồng ngoài biên chế. Đơn cử như huyện Đức Phổ có 100% nhân viên y tế là hợp đồng. Mỗi nhân viên có vị trí việc làm khác nhau. Vì vậy, việc không tuyển dụng hay không hợp đồng sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của nhà trường...

Tuy nhiên, một trong số những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc thiếu GV đó là các địa phương chưa rà soát để xin tuyển dụng đúng với nhu cầu thực tế mà chỉ đưa ra con số tuyển dụng theo chỉ tiêu được giao. Bên cạnh đó, sự biến động của đội ngũ cán bộ, GV thường xuyên diễn ra, nhưng công tác tuyển dụng không thể dự phòng, nên luôn ở tình trạng thiếu hoặc thừa.

Nghị quyết 19 NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập quy định các đơn vị được hợp đồng trong biên chế được giao. Điều đó có nghĩa các đơn vị được phép hợp đồng khi có GV về hưu, hoặc vì lý do nào khác để đảm bảo số biên chế được giao. Tuy nhiên, Nghị định 161 có hiệu lực từ ngày 15.1.2019 lại nghiêm cấm hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nên mới xảy ra tình trạng GV hợp đồng không có lương như hiện nay.

Có địa phương đã “ém” biên chế để hợp đồng GV

Giám đốc Sở Nội vụ Đoàn Dụng cho biết: "Mặc dù tỉnh mới tuyển dụng 1.600 biên chế, nhưng vừa bắt đầu năm học mới, các địa phương vẫn thiếu GV. Điều này là không hợp lý. Việc GV nghỉ hưu theo đúng độ tuổi quy định, nghỉ hưu theo Nghị định 108, thuyên chuyển đi nơi khác hay nhiều nguyên nhân khác thì con số đó cũng không nhiều như các địa phương thông tin. Trên thực tế, một số địa phương đã “ém” biên chế để hợp đồng GV".


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

-------
Kỳ cuối: Tìm lối ra cho việc thiếu giáo viên
 


.