Quy chế thi THPT quốc gia 2019: Những điểm cần lưu ý

08:04, 01/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bộ GD&ĐT vừa ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT 2019.

TIN LIÊN QUAN

Về cơ bản kỳ thi năm nay vẫn giữ ổn định về phương thức tổ chức như các năm 2017, 2018 để không ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh. Đồng thời, thực hiện một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi, nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập để đảm bảo tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, an toàn.

Nhiều điểm mới

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Kiên, năm nay Bộ GD&ĐT đã giới hạn đề thi nằm trong chương trình THPT và chủ yếu trong chương trình lớp 12. Điều này giúp thí sinh an tâm hơn trong việc ôn tập, sẵn sàng cho kỳ thi. Một điểm mới nữa của kỳ thi năm nay là thí sinh tự do, thí sinh học giáo dục thường xuyên và thí sinh THPT được bố trí dự thi chung, thay vì tổ chức điểm thi riêng như trước đây. Điều này tạo sự công bằng và tâm lý thoải mái cho các thí sinh.

Tuy nhiên, việc tổ chức thi chung sẽ có những khó khăn nhất định, bởi thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT chỉ thi một số môn để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Vì vậy, hội đồng thi sẽ bố trí cho các thí sinh ở phòng chờ, để thi những môn đã đăng ký.

 

Cán bộ Trường Đại học Đà Nẵng tư vấn tuyển sinh năm 2019 tại Trường THPT Trần Quốc Tuấn.
Cán bộ Trường Đại học Đà Nẵng tư vấn tuyển sinh năm 2019 tại Trường THPT Trần Quốc Tuấn.

Năm nay, Bộ GD&ĐT thay đổi tỷ lệ xét tốt nghiệp từ 50 - 50 thành 70 - 30. Tức là điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia cộng với 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh, cộng điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).  

Tăng cường bảo mật đề thi, bài thi

Nhằm tránh sai phạm xảy ra như kỳ thi trước, năm nay, quy chế thi siết chặt hơn quy định về việc bảo quản, sử dụng đề thi và bài thi tại điểm thi. Theo đó, Bộ GD&ĐT quy định quy cách niêm phong bài thi. Cụ thể, nhãn niêm phong do Bộ quy định và phải có chữ ký của phó trưởng điểm thi cùng 2 cán bộ coi thi, thay vì chỉ có chữ ký của phó trưởng điểm thi như trước đây. Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ cho các trường đại học, cao đẳng chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm tại các hội đồng thi.
 
Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm do lãnh đạo trường đại học, cao đẳng đảm nhiệm; có quyền thay đổi, hoặc đình chỉ việc chấm thi đối với những thành viên thiếu trách nhiệm, vi phạm quy chế thi, hoặc có nhiều sai sót khi thực hiện nhiệm vụ được giao; có trách nhiệm kiểm tra, xác minh khi có bất thường xảy ra theo yêu cầu của tổ giám sát.

Tại phòng chấm thi, nơi chứa bài thi được gắn camera và có cán bộ an ninh bảo vệ 24/24 giờ. Bộ thực hiện thanh tra trực tiếp tất cả các nhiệm vụ của Ban chấm thi trắc nghiệm theo quy định của quy chế.

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng), PGS-TS. Phan Cao Thọ cho rằng: Năm nay các khâu về mặt kỹ thuật, tổ chức thi, chấm, xét tuyển được quy định chặt chẽ hơn. Chủ trương của Bộ rất đúng khi giao cho các trường đại học, cao đẳng, nhằm nâng cao vai trò trách nhiệm của các trường.

Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Phạm Kiệt (Sơn Hà) Phạm Thành Tấn cho hay: Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhà trường đã cập nhật thông tin cho các bậc phụ huynh và thông báo cho học sinh vào những giờ chào cờ đầu tuần. Ngoài ra, nhà trường cũng tăng cường dạy học hoàn thành chương trình chính khóa và tổ chức ôn tập cho các em.
 

Quy định cộng điểm ưu tiên

Đối với học sinh THPT, học viên giáo dục thường xuyên có giấy chứng nhận nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp do Sở GD&ĐT, các trường dạy nghề cấp trong thời gian học THPT thì được cộng điểm như sau: Cộng 2 điểm, nếu xếp loại giỏi với giấy chứng nhận nghề, loại xuất sắc và giỏi đối với bằng trung cấp; cộng 1,5 điểm, nếu xếp loại khá với giấy chứng nhận nghề, loại khá và trung bình khá với bằng trung cấp; cộng 1 điểm, nếu xếp loại trung bình.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG


 

.