Giúp người lao động tự bảo vệ mình khi đi lao động ở nước ngoài

08:01, 05/01/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Với mục tiêu thúc đẩy tiếp cận các thông tin chính thống và các kênh hợp pháp để đi làm việc ở nước ngoài một cách an toàn cho thanh niên, sáng 4.1, tại huyện Sơn Hà, Trung ương Đoàn TNCS HCM phối hợp cùng Tỉnh đoàn, Tổ chức lao động quốc tế ILO, Quỹ phòng chống mua bán người MTV Exit tổ chức chương trình giao lưu "Nâng cao kỹ năng tự bảo vệ cho người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài". 

TIN LIÊN QUAN

Trong những năm qua, theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, hàng năm có khoảng từ 1.200- 1.400 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thông qua kênh xuất khẩu lao động, đã đóng góp đáng kể cho việc cải thiện cuộc sống kinh tế của gia đình, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. 
 
Chỉ tính riêng tại huyện miền núi Sơn Hà, tính đến thời điểm cuối tháng 10.2013, toàn huyện có 367 lao động đi làm việc ở thị trường các nước: Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia..." Giai đoạn 2009- 2013, số tiền người lao động ở địa phương đi lao động ở nước ngoài gửi về cho gia đình khoảng 17,7 tỷ đồng. Số tiền các lao động gửi về, gia đình đã xây dựng lại nhà cửa, mua sắm nhiều trang thiết bị trong gia đình, đầu tư các trang thiết bị sản xuất... góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương"- ông Lữ Đình Ngọ- Phó Trưởng phòng LĐ TB &XH huyện Sơn Hà cho biết.
 
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng người lao động không nắm được thông tin chính xác về đơn vị đưa đi, nơi đến, các thủ tục chi phí liên quan để đi nước ngoài làm việc. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều người bị các đối tượng môi giới, cò mồi giăng bẫy lừa đảo.
 
 
Người lao động tiếp cận thông tin qua các tài liệu tuyên truyền tại buổi giao lưu
Người lao động tiếp cận thông tin qua các tài liệu tuyên truyền tại buổi giao lưu
 
 
Cùng với đó, đáng nói nhất là nhiều lao động ở tỉnh ta đang làm việc ở nước ngoài là lao động phổ thông, tay nghề, trình độ thấp, hạn chế hiểu biết pháp luật về XKLĐ, nên đứng trước nguy cơ bị lạm dụng và bóc lột sức lao động. Thậm chí, có những trường hợp bị đuổi về nước vì không chấp hành đúng hợp đồng lao động và pháp luật nước sở tại.
 
Như trường hợp Đinh Văn Sân ở huyện Sơn Hà đi lao động tại Malaysia, do thiếu hiểu biết nên đang làm việc theo đồng như Sân tự ý bỏ trốn ra ngoài làm việc tích lũy được khoảng 50 triệu VND đồng thì khi đi chợ bị cảnh sát Malaysia bắt giữ và thu toàn bộ số tiền này.
 
Với mục tiêu thúc đẩy tiếp cận các thông tin chính thống và các kênh hợp pháp để đi làm việc ở nước ngoài một cách an toàn cho thanh niên. Tại buổi giao lưu các ĐVTN và người lao động đã được xem các bộ phim về tội ác mua bán người, tham các trò chơi nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng tránh bị bóc lột, lừa đảo và mua bán người vì mục đích bóc lột lao động. Bên cạnh đó, ĐVTN, người lao động cũng được cung cấp những tài liệu, thông tin bổ ích liên quan đến XKLĐ.
 
Trong khuôn khổ chương trình, thông qua đối thoại, đại diện Sở Lao động, Thương binh & xã hội, Trung tâm hỗ trợ lao động khi đi làm việc ở nước ngoài tư vấn về quy trình tuyển dụng, các điều kiện về tuyển dụng, chi phí, tầm quan trọng của việc ký kết hợp đồng, những nguy cơ có thể xảy ra khi ở nước ngoài, các địa chỉ cần liên lạc để biết thêm thông tin và được hỗ trợ khi gặp khó khăn... nhằm phát huy được tối đa lợi ích khi đi làm việc tại nước ngoài. Đồng thời, đại diện Công an tỉnh, Ngân hàng chính sách xã hội huyện tư vấn cho người lao động về chính sách hỗ trợ của địa phương, chi phí thực tế cho các hợp đồng đi làm việc ở các nước tiếp nhận và nhiều vấn đề khác liên quan.
 
Cùng với sự chia sẻ, tư vấn của đại diện Tổ chức lao động quốc tế ILO, Quỹ phòng chống mua bán người MTV Exit, các Sở, ngành, Tỉnh đoàn, trong chương trình, những thanh niên địa phương đã từng đi lao động ở nước ngoài cũng đã chia sẻ kinh nghiệm và bài học rút ra từ trong thực tiễn đã giúp cho những lao động có ý định đi lao động ở nước ngoài có thêm nhiều kiến thức quý báu. 
 
Có ý định đi lao động nước ngoài để cải thiện đời sống gia đình, anh Đinh Văn Qua ở thị trấn Di Lăng cho biết:  Qua buổi giao lưu hôm nay, giúp người lao động như chúng em có được kiến thức, hiểu biết rõ hơn về những điều kiện cần khi tham gia đi lao động nước ngoài, từ đó tránh được những rủi ro tiềm ẩn cũng như phát huy được tối đa lợi ích khi đi lao động ở nước ngoài.
 
 
Những lao động từng đi lao động nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm với những ngời lao động có ý định đi lao động nước ngoài
Những lao động từng đi lao động nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm với những ngời lao động có ý định đi lao động nước ngoài
 
 
Anh Nguyễn Hoàng Hiệp- Phó Bí thư Tỉnh đoàn nhận định: Đây là một chương trình có ý nghĩa thiết thực nhằm tuyên truyền, phổ biến và cung cấp thông tin cần thiết để nâng cao nhận thức của thanh niên và gia đình về làm việc tại nước ngoài, hướng tới việc tăng cường số lượng thanh niên lựa chọn con đường làm việc tại nước ngoài với chi phí an toàn, rủi ro thấp; ngăn ngừa tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở thành nạn nhân của hoạt động mua bán người và bóc lột lao động. 
 
 
PV

.