Xuất khẩu lao động tại các huyện nghèo: Bức tranh ảm đạm

10:09, 17/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xuất khẩu lao động (XKLĐ) được coi là "chìa khóa" để giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người lao động (NLĐ), nhất là đối với 6 huyện miền núi. Tuy nhiên, chủ trương vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.

TIN LIÊN QUAN

Năm 2013, UBND tỉnh giao chỉ tiêu XKLĐ cho 6 huyện miền núi 660 người. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ có 35 lao động đi XKLĐ sang Malaysia. Các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc…đang “giậm chân tại chỗ”.

Đi nhanh, về sớm

Với ước mơ được đổi đời, nhiều thanh niên ở miền núi háo hức đăng ký xuất khẩu lao động với mong muốn có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng “thuận buồm xuôi gió”, có không ít người sớm trở về trong thất vọng, rơi vào cảnh nợ nần.  

Năm 2010, anh Hồ Văn Tình, ở thôn 1, xã Trà Giang (Trà Bồng) đăng ký đi lao động ở Malaysia. Sau khi làm được 2 năm, anh đã tự ý bỏ về nước với lý do hết sức đơn giản “tiền quá ít, không đủ sống”. Câu chuyện của anh  là chuyện bi hài có thật, khiến ai nghe cũng chua xót. Chỉ vì anh không biết cách rút tiền qua thẻ ATM, nên nhờ một người trong công ty rút hộ. Và thế là, từ mức thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng mà đáng lẽ ra anh được nhận, thì người đồng nghiệp nọ chỉ đưa cho anh 300 -500 nghìn đồng. Giờ đây, anh Tình rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, không có công ăn việc làm ổn định nên đời sống hết sức khó khăn.

 

Anh Đỗ Văn Thảo (thứ hai từ trái sang) đã làm xong thủ tục hai năm nay nhưng vẫn chưa được xuất cảnh sang Hàn Quốc.
Anh Đỗ Văn Thảo (thứ hai từ trái sang) đã làm xong thủ tục hai năm nay nhưng vẫn chưa được xuất cảnh sang Hàn Quốc.


Còn anh Hồ Văn Vài Linh (SN 1992), theo hợp đồng với đơn vị đưa người đi XKLĐ là Công ty Châu Hưng, thời hạn làm việc ở Malaysia của anh Linh là 36 tháng. Thế nhưng chỉ sau 4 tháng xuất cảnh, anh Linh bị nhà máy thanh lý hợp đồng và trả về nước trước thời hạn vì lý do “quậy phá, rượu bia, vi phạm quy định nhà máy”. Hay như trường hợp anh Hồ Văn Mường, ở xã Trà Phong (Tây Trà), sau 8 tháng làm việc tại Malaysia cũng bị thanh lý hợp đồng trở về nước trước thời hạn do bị bệnh viêm phổi mà trước đó giấy khám sức khoẻ được cơ sở y tế xác nhận đảm bảo sức khoẻ.

 Theo thống kê của Phòng LĐTB&XH huyện Trà Bồng, từ năm 2010 đến nay trên địa bàn huyện có 16 lao động về nước trước thời hạn. Còn tại huyện Tây Trà cũng rơi vào cảnh tương tự với 17 trường hợp. Nguyên nhân chủ yếu là do số lao động này ốm đau, vi phạm kỷ luật lao động, công ty phá sản…

Khó tiếp cận thị trường tiềm năng

Thời gian qua, đa số lao động các huyện nghèo khó tiếp cận thị trường lao động có thu nhập cao như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… Bởi sức lao động, kỹ năng lao động và trình độ văn hoá chưa đáp ứng thị trường “khó tính” này.

Gia đình anh Đỗ Văn Thiện ở xã Trà Sơn (Trà Bồng) xây dựng được nhà cửa khang trang nhờ tiền công lao động ở Hàn Quốc.
Gia đình anh Đỗ Văn Thiện ở xã Trà Sơn (Trà Bồng) xây dựng được nhà cửa khang trang nhờ tiền công lao động ở Hàn Quốc.


Ông Đỗ Ngọc Hiệu- cán bộ phụ trách XKLĐ, Phòng LĐ-TB&XH huyện Trà Bồng cho biết: Trong hai năm trở lại đây, thị trường Hàn Quốc đã “khoá cửa” tạm dừng tiếp nhận lao động, khiến cho một số lao động ở địa bàn miền núi Trà Bồng dù đã được học tiếng, thi đạt kết quả nhưng vẫn phải chờ. Cụ thể, năm 2011, huyện có 21 lao động thi đậu tiếng Hàn đang chờ bay thì gặp trục trặc, do chương trình bị tạm dừng; năm 2012, có 43 lao động của huyện cũng đã học tiếng Hàn, nhưng vẫn chưa được làm thủ tục vì thị trường Hàn Quốc vẫn chưa tiếp nhận lại. Trường hợp của anh Đỗ Văn Thảo, ở xã Trà Sơn là một trong số những lao động đang “dài cổ” chờ thị trường Hàn Quốc khởi động trở lại.

Gia đình anh đã đầu tư chi phí để làm thủ tục qua Hàn Quốc lao động,  nhưng từ năm 2011 đến nay, Thảo phải nằm nhà chờ trong vô vọng. “Nhờ anh trai nó đi xuất khẩu bên Hàn, nên tôi có điều kiện xây nhà khang trang. Gia đình kỳ vọng vào đứa con trai út nối gót anh đi tiếp, nào ngờ cháu đã hoàn thành các khóa học, đảm bảo các tiêu chuẩn, nhưng đến nay vẫn chưa được xuất cảnh. Không biết đến bao giờ thị trường này tiếp nhận lao động trở lại”, bố mẹ Thảo lo lắng.

Bài toán đặt ra cho XKLĐ miền núi

Ông Nguyễn Duy Nhân- Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh cho biết: Trong những năm qua, thông qua XKLĐ không ít gia đình ở miền núi có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do những nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan mà công tác XKLĐ tại các huyện nghèo không đạt kết quả như mong muốn. Riêng trong năm 2013, công tác XKLĐ ở một số huyện miền núi đạt rất thấp. Điển hình như huyện Sơn Tây, năm 2013, tỉnh giao chỉ tiêu 40 lao động đi xuất khẩu, nhưng đến thời điểm này huyện chưa có lao động nào xuất cảnh. Các huyện Trà Bồng, Minh Long chỉ có 1-2 lao động  sang thị trường Malaysia.

Lý giải điều này, ông Nhân cho biết thêm, đa số lao động tại các huyện nghèo chưa thay đổi được thói quen, tập quán sinh hoạt, tác phong lao động công nghiệp còn kém, năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp còn yếu. Một số lao động Việt Nam tại Hàn Quốc hiện nay hết hạn lao động nhưng vẫn chưa chịu về nước, ở lại bất hợp pháp gây khó khăn cho việc quản lý lao động cũng như tiếp nhận lao động kế tiếp...“Trong thời gian tới, chúng tôi tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao hiệu quả XKLĐ tại các huyện miền núi.

Bên cạnh đó, Sở sẽ tăng cường rà soát năng lực các doanh nghiệp có chất lượng, uy tín để tạo niềm tin cho lao động. Đồng thời tìm thị trường phù hợp với đặc thù  của lao động tại các huyện nghèo. Malaysia hiện đang có nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam khá lớn. Đây là thị trường tương đối dễ tính, đặc biệt từ ngày 1.1.2013, tiền lương tối thiểu của NLĐ tại các doanh nghiệp ở phía Tây Malaysia (tập trung lao động Việt Nam đang làm việc) sẽ là 900 RM/tháng (6,3 triệu đồng/tháng), nên đây là một trong những thị trường tiềm năng với lao động miền núi ở tỉnh ta hiện nay”- ông Nhân nói.


Bài, ảnh: KIM NGÂN

 


.