Đào tạo nghề hiệu quả phải gắn kết “4 nhà"

11:11, 03/11/2012
.

(QNg)- Mô hình liên kết "4 nhà": Nhà nông (người học), nhà trường (cơ sở đào tạo), nhà nước (địa phương có lao động học nghề) và nhà sử dụng lao động (doanh nghiệp), nếu thực hiện tốt sẽ giải quyết được bài toán việc làm cho lao động nông thôn.

TIN LIÊN QUAN


Các mô hình liên kết hay

Trường trung cấp Nghề Quảng Ngãi từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc của người dân khi muốn tìm hiểu và tham gia học nghề. Là một cơ sở đào tạo chuyên nghiệp với những khoa, phòng chuyên môn đáp ứng được nhu cầu của học viên, giúp người dân có cơ hội tiếp cận phương thức sản xuất hiện đại.

Liên kết đào tạo trong dạy nghề sẽ giúp người lao động vững tay nghề và có việc làm sau khi học nghề.         ảnh: T.Long
Liên kết đào tạo trong dạy nghề sẽ giúp người lao động vững tay nghề và có việc làm sau khi học nghề. ảnh: T.Long

Với 18 ngành nghề khác nhau được đào tạo như: Hàn, may công nghiệp, trồng trọt, bảo vệ thực vật… mỗi năm trường đã đào tạo cho hàng ngàn lượt lao động. Nhà trường đã thực hiện tốt việc giáo dục, tư vấn cho người lao động về vai trò của học nghề và khuyến khích học nghề, lấy việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm, bởi vậy nhà trường đã chủ động kết nối với một số doanh nghiệp, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng để triển khai đào tạo các nghề tương ứng.

Từ năm 2010 đến nay, trường đã liên kết đào tạo nghề cho lao động nông thôn,  đồng thời liên kết với các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp nhận học viên sau đào tạo. Nhờ đó, gần 90% học viên tốt nghiệp đã có việc làm ở các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Không chỉ Trường trung cấp Nghề Quảng Ngãi, Trung tâm Dạy nghề Dung Quất, Trung tâm đào tạo Nghề bậc cao Dung Quất cũng đã có những liên kết với doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần đem lại việc làm cho người lao động sau khi học nghề.

Tại huyện Mộ Đức, việc liên kết trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng mang lại kết quả khả quan. Hiện nay, huyện  chủ trương trong việc chuyển đổi cơ cấu lao động để tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Để đạt được mục tiêu này, chính quyền huyện tích cực, chủ động tìm hiểu, du nhập thêm nhiều nghề phù hợp với thực tế địa phương như trồng rau an toàn, trồng lúa năng suất cao…. đồng thời phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và dạy nghề huyện dạy nghề cho hàng trăm lao động với nhiều nghề khác nhau như nuôi lợn thương phẩm, thú y, nuôi trồng thủy sản…  

Chị Nguyễn Thị Thu - học viên học nghề trồng rau an toàn cho biết: "Qua tuyên truyền của địa phương tôi được biết trung tâm dạy nghề của huyện có dạy cách trồng rau an toàn, tôi thấy điều kiện gia đình phù hợp với nghề này nên đã đăng ký theo học". Sau khi học nghề, có kiến thức sản xuất, một số gia đình tự phát triển kinh tế bằng việc phát triển các ngành nghề đã học. Một số học viên thì vào các cơ sở sản xuất làm thuê với thu nhập khá ổn định.

Cần sự gắn kết

Có thể khẳng định, để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả, sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa "4 nhà" là điều cần thiết. Theo đó, người học phải xác định học nghề là cơ hội nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, năng suất lao động và thu nhập. Chỉ có qua đào tạo, có kiến thức về nghề nghiệp thì mới có cơ hội vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình và xã hội. Người lao động nông thôn phải phát huy vai trò chủ thể trong chương trình đào tạo nghề của các cơ sở, tổ chức đào tạo và doanh nghiệp. Vì vậy, trước khi tham gia học nghề phải xác định được nhu cầu học thực sự, xem nghề đó có phù hợp với khả năng và sở thích của mình không. Bên cạnh đó, ngành chức năng, cũng như các địa phương cũng cần tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp để người lao động lựa chọn nghề học thích hợp.

Các cơ sở đào tạo phải có chương trình giảng dạy phù hợp với đối tượng đặc thù là lao động nông thôn, trình độ còn hạn chế, việc sản xuất chủ yếu theo kinh nghiệm. Các cơ sở đào tạo cần chú trọng việc thực hành. Liên tục đổi mới các hình thức tổ chức đào tạo, bên cạnh các chương trình đào tạo chính quy, tập trung cần có những chương trình đào tạo ngắn hạn, đào tạo ngay tại thôn, ngay trên ruộng đồng.

Các doanh nghiệp, nơi sử dụng nguồn lao động cũng nên coi công tác đào tạo nghề cho người lao động là chiến lược để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm. Để làm được điều đó thì doanh nghiệp cần liên kết với cơ sở đào tạo, chính quyền địa phương "đặt hàng" nguồn lao động cần được đào tạo ngành nghề gì để các cơ sở chủ động trong chương trình giảng dạy; đồng thời giúp học viên yên tâm học tập đạt kết quả tốt khi biết rằng sẽ có việc làm ngay sau khi được đào tạo.

Trong năm 2012, thực hiện Đề án 1956, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã ký kết thực hiện đặt hàng đào tạo nghề với các cơ sở đào tạo nghề ở các huyện Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Bình Sơn với các doanh nghiệp sử dụng lao động có trụ sở đóng tại Khu công nghiệp Dung Quất…

 

Bà Cù Thị Thanh Mai - Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh khẳng định: "Liên kết "4 nhà" đóng vai trò chủ lực trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay. Qua tuyên truyền, hướng dẫn của địa phương, các thông tin nhu cầu của doanh nghiệp, cũng như chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề, người lao động nông thôn sẽ chủ động hơn trong việc tìm kiếm các ngành nghề phù hợp và có được việc làm hay đầu ra cho sản phẩm của mình".


Xuân Hiếu
 


.