Nơi những trận đầu đánh Mỹ

03:03, 29/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ - ngụy, vùng đất Quảng Ngãi đi đầu trong những trận đánh quan trọng. Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi (28.8.1959) của đồng bào miền núi đã phá ách kìm kẹp của chính quyền Sài Gòn, mở đầu thời kỳ đấu tranh chống lại chế độ tay sai. Chiến thắng Ba Gia ( tháng 5.1965) đặt dấu chấm hết cho chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở Việt Nam. Trận đánh Vạn Tường (8.1965) vang dội, giáng đòn chí mạng vào chiến thuật “tìm diệt” của quân đội viễn chinh Mỹ thử nghiệm ở miền Nam Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN

Thắng trận từ rừng xuống biển

Dải đất phía bắc của Quảng Ngãi, từ vùng núi Cà Đam đến làng biển Vạn Tường chạy dọc theo dòng sông Trà Bồng thơ mộng đã ghi dấu những sự kiện lịch sử đặc biệt trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ - ngụy của nhân dân Quảng Ngãi.

Vào dịp kỷ niệm ngày chiến thắng Ba Gia hằng năm, LLVT Quảng Ngãi và nhân dân huyện  Sơn Tịnh đều tổ chức dâng hương tại Tượng đài chiến thắng Ba Gia, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh).                                                                                                                                          Ảnh: XT
Vào dịp kỷ niệm ngày chiến thắng Ba Gia hằng năm, LLVT Quảng Ngãi và nhân dân huyện Sơn Tịnh đều tổ chức dâng hương tại Tượng đài chiến thắng Ba Gia, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh). Ảnh: XT


Mở đầu cho những sự kiện ấy, bắt đầu từ vùng đất quế Trà Bồng, Tây Trà, nơi có nhiều đồng bào người Cor sinh sống. Vào những năm cuối thập niên 1950 của thế kỷ trước, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đồng bào các dân tộc nơi đây đã nổi dậy chống lại ách kìm kẹp của chính quyền tay sai Sài Gòn. Sự kiện này nhanh chóng lan rộng ra các huyện miền núi của Quảng Ngãi, khiến chính quyền tay sai ở đây hoang mang, rút chạy, mở đầu cho phong trào đồng khởi ở miền Nam. Cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi (8.1959) giành thắng lợi, chính quyền cách mạng được thành lập, làm cơ sở vững chắc cho cách mạng sau này. Nơi đây trở thành một căn cứ địa vững chắc cho Quảng Ngãi và cả Quân khu 5. Chính quyền Sài Gòn đã vấp phải lòng trung thành và căm thù giặc sâu sắc, một lòng kiên trung theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng của người Cor và các dân tộc ở miền Tây Quảng Ngãi.

Sau khi cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi nổ ra, chính quyền tay sai của địch rơi vào hoang mang, còn phong trào cách mạng ở Quảng Ngãi và toàn miền Nam bắt đầu một cao trào mới. Tuy nhiên, với dã tâm của Mỹ là bảo vệ cho được chính quyền tay sai ở miền Nam để thực hiện chủ nghĩa thực dân kiểu mới ở Đông Nam Á, những nhà chiến lược của Mỹ đã đề ra và thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Kế hoạch được đưa ra trong vòng 4 năm (từ 1961 – 1965) với mục tiêu là "bình định miền Nam",  giành thế chủ động trên chiến trường. Mỹ, ngụy tăng cường sức mạnh quân sự, sử dụng nhiều khí tài chiến tranh hiện đại nhằm tiêu diệt các lực lượng vũ trang cách mạng của ta, nhưng chúng đã bị quân và dân ta giáng những đòn chí tử. Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”  đã bị phá sản.

Sau khi chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” thất bại, Mỹ liền thay đổi chiến lược, trực tiếp đưa quân viễn chinh vào tham chiến. Và một lần nữa quân và dân Quảng Ngãi lại tiếp tục đi đầu trong phong trào đánh Mỹ bằng chiến thắng Vạn Tường (1965), giáng đòn mạnh vào kẻ thù xâm lược. Trước khi quân Mỹ thử nghiệm chiến thuật “tìm diệt” trên chiến trường miền Nam, tháng 5.1965, ở vùng Ba Gia (Sơn Tịnh), lực lượng quân ngụy ở đây rất mạnh. Để tiêu diệt một bộ phận và làm tan rã quân chủ lực của ngụy ở đây, Trung đoàn I (Trung đoàn Ba Gia, Sư đoàn 2) được lệnh thực hiện trận đánh này. Đây là lần đầu tiên quân chủ lực của ta tiến xuống đánh địch ở vùng bán sơn địa, với tương quan lực lượng và hỏa lực mạnh thuộc về quân ngụy. Nhưng với tinh thần dũng cảm và cách đánh khôn khéo, sáng tạo, trong 3 ngày 2 đêm (từ 29.4 – 31.5.1965) quân ta đã đánh bại một chiến đoàn và 2 tiểu đoàn ngụy.

Sau khi giành chiến thắng ở Ba Gia, Trung đoàn I được điều về vùng Đông Sơn (khu đông Bình Sơn và Sơn Tịnh) để củng cố lực lượng, chuẩn bị chiến đấu. Phát hiện quân chủ lực của ta đứng chân ở Đông Sơn, quân viễn chinh Mỹ đã thực hiện trận đánh đầu tiên của mình sau khi vào miền Nam với chiến dịch “tìm diệt” mang tên “Ánh sáng sao”. Chúng đã đổ quân và nhiều máy bay, xe tăng vào Vạn Tường. Tại đây, quân và dân ta tiếp tục chiến đấu và đánh bại  cuộc hành quân của Mỹ. Từ trận đánh này, quân giải phóng của ta đã khẳng định ta có thể đánh Mỹ và thắng Mỹ.

Cuộc sống mới ở những vùng đất anh hùng

Sau 40 năm đất nước thống nhất, xây dựng lại quê hương, những vùng đất anh hùng năm xưa đã đổi thay mạnh mẽ. Đồng bào người Cor ở Trà Bồng, Tây Trà đã thoát khỏi thói quen làm nương rẫy lạc hậu, chuyển qua canh tác cây lúa nước, đầu tư vào những cây trồng, vật nuôi cho giá trị kinh tế cao. Cây quế, cây keo, những đàn gia súc lớn đã mang lại cuộc sống no đủ hơn cho đồng bào các dân tộc nơi đây. Cùng với nỗ lực vươn lên của người dân địa phương, Nhà nước đã quan tâm dành nguồn kinh phí lớn để đầu tư phát triển giao thông, thủy lợi, y tế, trường học, điện sinh hoạt… giúp cho bộ mặt nông thôn miền núi đổi thay đáng kể. Ông Hồ Văn Bảy, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Trà Bồng, là người tham gia trong cuộc khởi nghĩa của đồng bào mình ngày ấy, chia sẻ: “Không có gì vui sướng bằng khi vùng rừng thiêng nước độc ngày xưa, giờ đã trở thành trung tâm huyện lỵ của huyện Tây Trà bây giờ. Bà con người Cor ở đây đã không còn đói khổ nữa là nhờ ơn Đảng, Bác Hồ”.

Một góc trung tâm huyện Trà Bồng hôm nay.                                                                                           Ảnh: TL
Một góc trung tâm huyện Trà Bồng hôm nay. Ảnh: TL


Ở vùng đất lửa Vạn Tường xưa kia giờ đây là một đô thị hiện đại, nơi có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, biểu tượng của ngành công nghiệp lọc hóa dầu đầu tiên của đất nước. Chứng kiến sự đổi thay của vùng đất năm xưa mình đã từng đứng chân chiến đấu, cựu chiến binh Phạm Ngọc Trầm không khỏi tự hào và vui sướng: Ngày xưa bộ đội chúng tôi và nhân dân vùng đất lửa Vạn Tường đùm bọc nhau để chiến đấu, giờ đây, nhân dân vùng đất này đã hưởng được thành quả của cách mạng. Nơi đây đã trở thành vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung. Hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, cuộc sống nhân dân đã khá hơn xưa rất nhiều.

Chiến tranh đã lùi xa. Với những trận đánh đầu tiên mà quân và dân Quảng Ngãi giành thắng lợi, đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta sau 21 năm trường kỳ kháng chiến, đưa đến thắng lợi hoàn toàn vào mùa xuân 1975, thống nhất đất nước.

Xuân Thiên


 


.