Ký ức của người cựu chiến binh về đường Hồ Chí Minh trên biển

09:10, 22/10/2011
.

(QNg)-Trong những ngày này, cả nước đang hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Chúng tôi gặp lại thuyền phó hoa tiêu của Đoàn tàu không số năm xưa - ông Nguyễn Tiến Hai và được nghe câu chuyện kể về những hành trình đã đi vào huyền thoại.
 

Sinh năm 1937, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại xã Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh) nên ngay từ nhỏ ông Nguyễn Tiến Hai đã sớm được giác ngộ cách mạng. Ông Hai kể, năm 1961 ông được đưa đi học ở Trường Sĩ quan Hải quân. Tốt nghiệp xong ông được điều về tàu phóng ngư lôi. Sau từ đó ông được điều về  Đoàn 759 - Đoàn vận tải thủy có nhiệm vụ chi viện vũ khí cho miền Nam bằng đường biển - tiền thân của Đoàn tàu không số". 
 
Các chiến sĩ Đoàn tàu không số năm xưa tại cảng Sa Kỳ- Sơn Tịnh - Quảng Ngãi (10/10/2011).
Các chiến sĩ Đoàn tàu không số năm xưa tại cảng Sa Kỳ- Sơn Tịnh - Quảng Ngãi (10/10/2011).

Đã 50 năm trôi qua, nhưng trong ký ức của cựu chiến binh 5 lần vượt biển ấy vẫn vẹn nguyên. Ông Hai hồi tưởng: Chuyến đi đầu tiên của ông khởi hành vào tháng 4/1964, tàu ông mang hiệu 43. Ông Hai cùng với 14 thủy thủ đoàn, nhận nhiệm vụ chở 43 tấn vũ khí vào Cà Mau. Sau gần một tuần vượt biển, tàu của ông đã cập bến an toàn, hoàn thành nhiệm vụ được giao trở ra miền Bắc an toàn.

Sau chuyến đầu tiên thành công, ông Nguyễn Tiến Hai cùng đồng đội còn tham gia vận chuyển 4 chuyến khác vào Cà Mau. Với ông, đó cũng là những ngày tháng có ý nghĩa nhất trong cuộc đời ông. Mỗi chuyến đi là những cuộc đấu trí vô cùng căng thẳng với bao nhiêu khó khăn, hiểm nguy, địch họa, nhưng ông Hai và những đồng đội của ông đều vượt qua tất cả.

Những ngày lênh đênh trên biển, ấn tượng khó phai nhất với ông Hai, có lẽ là những cơn cuồng phong, những lần chạm mặt với kẻ thù. Ông nhớ lại, sau 3 chuyến đầu tiên thành công, đến chuyến thứ 4, khi vào đến vùng biển ngoài khơi Quảng Ngãi, tàu gặp bão. Hơn một ngày một đêm vật lộn với bão tố, tưởng chừng có lúc bão đã nhấn chìm con tàu nhỏ bé xuống đáy đại dương, ai cũng mệt nhoài. Cuối cùng bão hạ cấp dần, ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Sau chuyến đi này, ông Hai được điều động sang làm thuyền phó hoa tiêu cho tàu 69.

Tàu 69 nhận nhiệm vụ chở gần 70 tấn vũ khí vào Cà Mau. Trên đường đi, tàu 69 bị tàu chiến và máy bay địch theo dõi nên phải quay trở về hai lần. Vượt qua bao nhiêu khó khăn, tàu cũng đến được Cà Mau. Thế nhưng khi chuẩn bị vào bến thì tàu lại gặp trở ngại. Thông thường những chuyến đi trước, khi đến giờ  gần cập bến thì tàu sẽ "bắt" được đèn Hòn Khoai. Đèn Hòn Khoai nằm trong hệ thống đèn biển quốc tế, nên khi "bắt’ được đèn thì coi như yên tâm. Nhưng chuyến đi này khi đã vào gần đến bờ thì không thấy đèn Hòn Khoai sáng.

Có lẽ địch đã cố tình tắt đèn để gây khó khăn cho ta. Do không xác định được phương hướng nên lạc bến và bị mắc cạn. Lúc này trời cũng dần sáng, tàu đang trong tình trạng "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Có lúc, thuyền trưởng và anh em trên tàu quyết định tìm đường hủy tàu trước khi trời sáng để giữ bí mật. Thế nhưng với ý chí quyết tâm của đoàn cùng với bà con địa phương tàu đã được đưa đến nơi an toàn. Mọi người ai nấy đều phấn khởi vì đã đưa được vũ khí vào tận tay đồng bào, chiến sĩ miền Nam.

Những tưởng mọi chuyện đã an toàn khi tàu trở về, nhưng sau khi chuyển hàng hoá đến nơi an toàn, các thủy thủ phát hiện chân vịt tàu bị hỏng. Mất hàng tháng trời loay hoay giữa rừng đước trong sự truy lùng gắt gao của địch, mọi người mới sửa xong. Tàu 69 của ta đang ở trong rừng đước, địch cho tàu ém ở các cửa biển, chặn lối ra. Biết bị bao vây, các anh em trên tàu quyết định chiến đấu. Cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt, tàu địch bao vây xung quanh và nổ đạn không tiếc.

Trong cuộc chiến đấu không cân sức đó, một số anh em trên tàu bị thương và hy sinh. Bản thân ông Hai cũng bị thương, tuy vậy ông vẫn tiếp tục quyết chiến với kẻ thù. Cán bộ chỉ huy tàu họp chớp nhoáng và quyết định cho tàu 69 quay trở lại nơi xuất phát vì nếu đi tiếp sẽ bị địch bắt và tiêu diệt.

Đây cũng là chuyến vận chuyển vũ khí cuối cùng của thuyền phó hoa tiêu Nguyễn Tiến Hai. Với ông Hai, ra đi trên những chuyến tàu không số, vẫn biết có thể bỏ xác lại trên những ngọn sóng bạc đầu, cực khổ trăm điều. Khó khăn gian khổ là vậy, nhưng tất cả các chiến sĩ trên tàu không số đều có tinh thần chiến đấu quả cảm, không lùi bước và chấp nhận hy sinh cả tính mạng trên biển để đảm bảo bí mật cho cả tuyến đường vận chuyển cũng như an toàn cho số vũ khí trên tàu. Ông và đồng đội của mình đã góp phần tiếp lửa hình thành nên con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.

Người lính thủy năm xưa giờ đã nghỉ hưu về sống tại địa phương, ông sống sum vầy cùng các con cháu. Nhưng có lẽ, những ký ức về Đoàn tàu Không số trong ông vẫn sẽ mãi là ký ức hào hùng.

 Ngọc Đức

.