Kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển:
Chuyện "tàu không số" sau bức thư 43 năm

10:10, 17/10/2011
.

(QNg)- Bà Phượng rơi nước mắt khi người em kết nghĩa là thuyền trưởng tàu không số tìm đến Quảng Ngãi, mang theo lá thư của 43 năm trước.

KẾT NGHĨA Ở BỆNH XÁ ĐẶNG THÙY TRÂM

Năm 2006, trung tá Cựu chiến binh Lưu Công Hào từ miền Bắc tìm vào Quảng Ngãi. Trên tay ông cầm theo một lá thư dài 2 trang được ghi rõ: Viết vào lúc 1 giờ đêm ngày 7/3/1968. Bức thư của nữ y tá Mai Thị Phượng: "Sao em nhõng nhẽo với chị quá vậy. Chị thương em trong tình ruột thịt, chị thương em trong tình quê hương… chị mong em đến để tạm chia tay nhau và để nói những câu cuối cùng khi trở về thủ đô yêu quý".
 
Bà Mai Thị Phượng kể về người em kết nghĩa năm xưa.
Bà Mai Thị Phượng kể về người em kết nghĩa năm xưa.

Bà Mai Thị Phượng òa khóc khi gặp ông; 43 năm, tóc cả hai người đều bạc. Bà cố hình dung ra chàng trai trẻ năm nào trên từng nét mặt và giọng nói. Chỉ có lá thư của bà, ông Hào mang theo là vẫn trẻ trung và không có tuổi. 14 anh em trên "Đoàn tàu không số" do bị lộ nên phải hủy tàu và vào bãi biển thôn Quy Thiện, xã Phổ Khánh (Đức Phổ) đêm 29/2/1968. Lưu Công Hào là út, được chị Phượng cưng chiều như một đứa em trong những ngày ở bệnh xá Đặng Thùy Trâm.

Trong lần trở lại Quảng Ngãi, ông Hào cũng không quên ghé thăm gia đình của bà Nguyễn Thị Hồng Phượng (65 tuổi), hiện ở số nhà 108 Lê Trung Đình. Ông đã làm bài thơ: "Em là chiếc gậy biết đi, dìu anh qua những chiến trường…". Thời đó, bà Hồng Phượng là một cô gái tóc dài mượt mà. Phụ trách công tác binh vận, bà là người rất năng nổ, ăn nói có duyên. Những ngày anh em tàu không số nằm trong vòng vây của địch, bà đã chăm sóc các anh từng bữa cơm, lo vết thương các anh không đủ thuốc điều trị.

CÁC ANH ƠI CÓ CÒN SỐNG

Đêm 29/2/1968, một tiếng nổ long trời lở đất từ ngoài biển dội vào. Trên biển Quy Thiện, pháo sáng địch bắn ra soi rõ từng ngọn cỏ. Đạn lửa bắn đỏ rực trên mặt biển. Từ xã Phổ Vinh, xe tăng tiến theo bãi biển, tiếng máy hụ lên như con thú dữ tìm mồi. Khi trực thăng quần đảo ầm ầm và đổ quân ngoài bãi biển, địch dàn thành hàng ngang tiến vào xóm cát Quy Thiện.

"Đi tìm anh em mình" - nhiệm vụ này được chị Hồng Phượng binh vận truyền cho cả làng. Vậy là già trẻ trong làng đều tỏa đi khắp nơi. Để ngụy trang, người ra biển thì cầm chèo, người vào ruộng thì cầm giỏ và liềm. Vạch từng bụi rậm và vườn mía, bà con luôn miệng nhắc đi nhắc lại câu: "Các anh ơi, còn sống thì theo tôi về với cách mạng". Trời dần sáng tỏ, mẹ Rân phát hiện một anh thương binh (anh Thơm) đang cố lết vào đống rơm. Mẹ gọi chị Phượng binh vận đưa anh đi ngay.

Gia đình ông Thưởng nằm sát bên lùm tre. Tại đây có 7 căn hầm bí mật kiên cố nằm lọt dưới bụi tre um tùm. Vừa cảnh giới, vừa băng bó cho anh Thơm xong, chị Phượng binh vận đưa anh xuống hầm bí mật. Tại một vườn mía, chị Tôn vừa đi vừa gọi khẽ: "Các anh ơi, còn sống thì theo tôi về với cách mạng". Vậy là chị tìm được câu trả lời yếu ớt của anh Lưu Công Hào.

Đầu làng là ngọn núi Dâu, trên đỉnh có căn cứ của Mỹ. Nhận định anh em trong tàu sẽ nhằm hướng núi. Cấp ủy thống nhất phân công đội thiếu niên giả đi xin đồ hộp và chăn bò để áp sát căn cứ núi Dâu tìm các anh. Cháu bé Trương Đình Đức (hiện là Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Quảng Ngãi) đã tìm được và đưa các anh ở chân núi Dâu về làng.

TIÊU ĐIỀU LÀNG ÔNG NƯỚC

Ngày hôm sau, giao liên của Huyện ủy báo tin: Anh em tàu không số bị thương vào bờ. Huyện ủy chỉ đạo bệnh xá chuẩn bị đón thương binh. Cả bệnh xá phân công đi đón thương binh. Đồng bào dân tộc làng Ông Nước háo hức lo lương thực đón bộ đội miền Bắc. "Hồi đó nghe bộ đội từ ngoài Bắc mà chở vũ khí vô giúp cho quân và dân miền Nam, tình cảm sâu đậm không thể nói hết được. Thương họ hơn cả thương bản thân mình" - bà Mai Thị Phượng trào nước mắt kể lại.
Sau 3 tháng điều trị, các anh lên đường ra Bắc. Sau khi các anh đi, địch lùng sục ra bệnh xá. Vậy là cả ngày lẫn đêm, địch bắn nát ngôi làng. Cả bệnh viện cõng thương binh chạy sang ngọn núi khác. Khi quay lại thì chứng kiến, cả làng Ông Nước đều bị địch giết sạch.

"Em là một trong những hoa xuân đang nở rộ trong lòng của mùa xuân 68" - đọc lá thư bà Mai Thị Phượng viết cho người em kết nghĩa cách đây 43 năm. Nhìn nước mắt nhòa trên đôi mắt bà. Tôi hiểu, thế hệ của bà mãi mãi là mùa xuân 68 của dân tộc - một đời hy sinh, một đời thầm lặng.

       Bài, ảnh: THÀNH HÂN

.