Kinh tế số "nâng cấp" nông thôn mới

03:11, 30/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý và giám sát, việc ứng dụng "công nghệ số" vào sản xuất, quảng bá và bán hàng được xem là một trong những giải pháp tháo gỡ nút thắt trong tiêu thụ sản phẩm, nhằm tăng thu nhập, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, góp phần “nâng cấp” các tiêu chí nông thôn mới (NTM)...
[links()]
Vượt khó nhờ giao dịch điện tử 
 
“Cứ ngỡ năm nay rơi vào cảnh “được mùa mất giá” do đại dịch Covid-19, nhưng không ngờ tôi đã vượt qua được nhờ ứng dụng giao dịch điện tử để quảng bá và bán hàng”, anh Lê Giang Phong, ở xã Đức Nhuận (Mộ Đức) cho biết. Với quy mô sản xuất và cung ứng khoảng 100 tấn (thành phẩm và giống) nấm rơm, linh chi và bào ngư, nên khi thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, anh Phong lo lắng đầu ra sẽ bị ứ đọng. Lúc đó, anh Phong “chữa cháy” bằng cách nhờ bạn bè giới thiệu sản phẩm lên mạng xã hội Facebook, Zalo... Thời gian đầu, chỉ có khách quen mua ủng hộ, sau đó lượng khách tăng dần và có cả khách sỉ, nên nhiều thời điểm anh Phong không đủ hàng để cung ứng.
Tận dụng mạng xã hội và sàn giao dịch điện tử trong việc quảng bá, giới thiệu đã giúp sản phẩm nấm của anh Lê Giang Phong, ở xã Đức Nhuận (Mộ Đức) có được thị trường tiêu thụ ổn định.
Tận dụng mạng xã hội và sàn giao dịch điện tử trong việc quảng bá, giới thiệu đã giúp sản phẩm nấm của anh Lê Giang Phong, ở xã Đức Nhuận (Mộ Đức) có được thị trường tiêu thụ ổn định.
Ông Huỳnh Văn Khanh, ở xã Đức Hiệp (Mộ Đức) cũng không ngờ mình được tiếp cận với nguồn khách hàng lớn như hiện nay. “Ngày trước, tôi bán trực tiếp, nên bạn hàng chủ yếu ở huyện và một ít ở chợ đầu mối Quảng Ngãi. Nhưng khi bán hàng online, phạm vi khách hàng đã mở rộng hơn”, ông Khanh cho biết. Tuy nhiên, do mặt hàng rau quả khó bảo quản, nên ông Khanh chỉ ưu tiên khách mua số lượng lớn, để thuận lợi trong khâu thu hoạch, đóng gói và vận chuyển. Thời gian tới, ông Khanh dự định sẽ lập một website riêng, để không chỉ quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm, mà còn chia sẻ kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất với khách hàng.  
 
Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Tiến Đạt Nguyễn Văn Sáng cho rằng, nhờ tận dụng các trang mạng xã hội và sàn giao dịch điện tử, mà sản phẩm của doanh nghiệp được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến, việc tiêu thụ vì thế cũng thuận lợi hơn trước. Với quy mô sản xuất hàng chục nghìn con heo giống, heo thịt, nên khi các loại dịch bệnh (đại dịch Covid-19, dịch tả heo Châu Phi) bùng phát, doanh nghiệp phải hạn chế khách hàng đến giao dịch trực tiếp tại trang trại. Nhờ đẩy mạnh việc quảng bá và giới thiệu sản phẩm trên website, cải tiến trong khâu vận chuyển và giao hàng, nên việc tiêu thụ vẫn ổn định.
 
Xu thế tất yếu
 
Nhận thấy vai trò của thương mại điện tử, đặc biệt là công nghệ số, mới đây, Văn phòng Điều phối chương trình NTM Trung ương đã xây dựng kế hoạch và đặt chuyển đổi số là một trong những nội dung trọng tâm và trình Chính phủ xem xét đưa vào tiêu chí xây dựng NTM trong Chương trình Xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. “Kinh tế số trở thành xu thế tất yếu của sự phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng NTM cũng phải tận dụng cơ hội chuyển đổi số để xây dựng NTM ngày càng đi vào chiều sâu và bền vững”, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến lý giải.
 
Theo đó, sẽ tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng kết nối, băng thông rộng và dữ liệu nông nghiệp, nông thôn, nhằm tăng tỷ lệ phủ sóng 3G, 4G cũng như kết nối băng thông rộng ở các vùng nông thôn, giúp người dân khu vực này có thể kết nối Internet với chi phí hợp lý. Qua đó, tạo điều kiện để người dân tiếp cận và tương tác với người tiêu dùng, cũng như giúp các cơ quan chuyên môn giám sát hiệu quả quy trình sản xuất các loại nông sản, truy xuất nguồn gốc, nhằm hạn chế hàng giả, hàng nhái, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm...
 
Thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được sau 10 năm xây dựng NTM, thì cả nước nói chung, Quảng Ngãi nói riêng đã bộc lộ những bất cập, thách thức, nhất là khoảng cách thông tin giữa nông thôn và thành thị vẫn còn khá lớn. Dù nhiều loại nông sản có mẫu mã đẹp và chất lượng tốt, nhưng việc tiêu thụ bấp bênh, vì chưa tiếp cận được với khách hàng. “Tuy nhiên, để có thể bán được sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước thì bên cạnh sự nỗ lực tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin của người dân, chính quyền và ngành chuyên môn cần thành lập các sàn giao dịch thương mại điện tử chuyên về nông sản, để người dân tiếp cận với các kênh phân phối lớn. Qua đó, hỗ trợ và hướng dẫn người dân đăng ký tham gia và sử dụng”, anh Lê Giang Phong đề xuất.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 
 

.